Dịch vụ đô thị thông minh hỗ trợ Bình Phước trong công tác phòng, chống Covid-19

TH| 01/09/2021 16:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau gần hai năm hợp tác với Tập đoàn VNPT để xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), Bình Phước đã có những thay đổi mạnh mẽ và đang hướng tới trở thành ĐTTM lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ.

Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành

Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT trong cuộc cách mạng 4.0, những năm trở lại đây, tỉnh Bình Phước đã quyết tâm triển khai ĐTTM, đặc biệt là việc xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) đã đem lại nhiều kết quả quan trọng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ĐTTM, ngay từ tháng 7/2019, UBND tỉnh Bình Phước đã ký kết hợp tác với Tập đoàn VNPT nhằm xây dựng thành công ĐTTM, chính quyền điện tử (CQĐT) hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số tại tỉnh Bình Phước.

VNPT tập trung triển khai đề án ĐTTM tại Bình Phước theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, từng bước tích hợp các dịch vụ vào khung kiến trúc ĐTTM để xây dựng hệ sinh thái ứng dụng tại tỉnh Bình Phước, nhằm tạo ra những tiện ích thiết thực nhất cho các bên tham gia. ĐTTM Bình Phước khi được tích hợp đầy đủ, trọn vẹn các tính năng công nghệ hiện đại và đưa vào vận hành sẽ trở thành đô thị lớn nhất miền Đông Nam Bộ.

Để giải quyết các vấn đề trên, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh bước đầu phát huy tính năng, giúp lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo, rà soát tất cả các hồ sơ thủ tục hành chính còn tồn đọng, biết chính xác từng hồ sơ, từng đơn vị để tồn đọng hồ sơ.

Dịch vụ đô thị thông minh hỗ trợ Bình Phước trong công tác phòng, chống Covid-19 - Ảnh 1.

Trung tâm IOC tỉnh Bình Phước kết nối đến nền tảng ĐTTM, phản ánh qua khối hình ảnh trực quan sinh động.

Với việc tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động, lại được thể hiện trực quan, sinh động, IOC giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực, từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Thông qua hệ thống IOC, tính tương tác giữa người dân với chính quyền cũng được tăng cường, góp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

IOC tỉnh Bình Phước chính thức đi vào hoạt động với 10 chức năng thực hiện giám sát, phục vụ chỉ đạo, điều hành, bao gồm: Giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, dịch vụ công; giám sát, điều hành an toàn giao thông; điều hành an ninh, trật tự; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế; giám sát, điều hành lĩnh vực giáo dục; giám sát quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng; giám sát an ninh mạng, ATTT; giám sát thông tin báo chí, mạng xã hội; giám sát du lịch thông minh.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết "IOC là giải pháp để đáp ứng nhu cầu của lãnh đạo các cấp, khi lãnh đạo quản trị một lĩnh vực nào đó thì sẽ có đầy đủ dữ liệu của lĩnh vực đấy để điều hành".

Dịch vụ đô thị thông minh hỗ trợ Bình Phước trong công tác phòng, chống Covid-19 - Ảnh 2.

IOC tỉnh Bình Phước chính thức đi vào hoạt động với 10 chức năng thực hiện giám sát, phục vụ chỉ đạo, điều hành

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bình Phước đã hoàn thành kết nối 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 của tỉnh với Cổng DVC Quốc gia vào ngày 18/5/2021, và trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc kết nối các DVC lên Cổng DVC Quốc gia. Cụ thể, tỉnh đã rà soát, kết nối thành công 1.224 dịch vụ công lên Cổng DVC Quốc gia. 

Trong "Chiến dịch 50 ngày đêm", dịch vụ chứng thực điện tử của tỉnh cũng đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ, đứng thứ 02/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ chỗ tỉnh chưa có dịch vụ nào "chứng thực điện tử cấp bản sao từ bản chính" thành công, thì chỉ trong một thời gian ngắn, Bình Phước đã cấp được trên 1.400 hồ sơ chứng thực điện tử. Đến nay (tính đến ngày 1/9/2021), Cổng DVC tỉnh Bình Phước đã giải quyết 342.331 hồ sơ, ghi nhận chỉ còn 17 hồ sơ trễ hạn trong tổng số 15.612 hồ sơ đang giải quyết, chiếm gần 0,11%.

Ngày 18/5/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã khai trương Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022, thuộc Đề án thành lập Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Phước. Kênh thông tin này được xây dựng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác về các vấn đề: kinh tế - xã hội, DVC, trật tự đô thị,…. Với thời gian hoạt động 24/7, sau khi tiếp nhận các yêu cầu phản ánh của người dân, doanh nghiệp, tổng đài sẽ chuyển đến các đơn vị chức năng xử lý và khi có kết quả sẽ được nhân viên tổng đài phản hồi, thông báo.

Dịch vụ ĐTTM hỗ trợ phòng chống Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc triển khai các ứng dụng và các giải pháp CNTT vào phòng chống dịch có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong công tác phòng chống dịch, hạn chế nguy cơ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, tiến tới đẩy lùi Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Mới đây, ngày 16/8, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Phước đã khai trương Cổng thông tin Covid-19 tỉnh và tiếp nhận thông tin dịch Covid-19 trên Tổng đài giải đáp thông tin dịch vụ công 1022 (Tổng đài 1022 Bình Phước).

Hiện nay, ngoài tiếp nhận, xử lý phản hồi thông tin của người dân, doanh nghiệp về các vấn đề kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, DVC, sự cố hạ tầng kỹ thuật, chính sách ưu đãi đầu tư…, Tổng đài 1022 Bình Phước còn tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các thông tin: Hỗ trợ khẩn về báo ho, sốt, báo triệu chứng sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19; hỗ trợ chính sách liên quan đến Covid-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong thời gian bị giãn cách xã hội.

Người dân, doanh nghiệp phản ánh thông tin đến Tổng đài 1022 Bình Phước qua các kênh tiếp nhận sau: Gọi đến Tổng đài 1022, gửi tin nhắn qua Fanpage "1022 Bình Phước", qua Zalo "IOC Bình Phước", qua emai "1022@binhphuoc.gov.vn"; qua website "1022.binhphuoc.gov.vn" và qua App "Bình Phước Today".

Việc khai trương Cổng thông tin Covid-19 tỉnh và tiếp nhận thông tin phòng chống dịch Covid-19 trên Tổng đài 1022 Bình Phước góp phần đáp ứng thêm các yêu cầu, nhiệm vụ mới trong công tác phòng chống dịch về lĩnh vực truyền thông, về tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân. Qua đó giúp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp trong tỉnh kịp thời định hướng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch và nắm bắt thông tin từ cơ sở một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Dịch vụ đô thị thông minh hỗ trợ Bình Phước trong công tác phòng, chống Covid-19 - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở TT&TT, VNPT Bình Phước tiến hành nghi thức bấm nút khai trương tiếp nhận thông tin dịch Covid-19 trên Tổng đài 1022 Bình Phước

Đồng thời góp phần hình thành nên một kênh thông tin phòng chống dịch xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương và đáp ứng các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh trong công tác phòng chống dịch. Thông qua Cổng và Tổng đài, người dân có thêm kênh thông tin chính thống để nắm bắt tình hình dịch bệnh; các khuyến cáo về phòng chống dịch; cách chăm sóc sức khỏe bản thân, cũng như nắm được thông tin chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, góp phần chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Trong thời gian tới đây, Tổng đài 1022 Bình Phước sẽ bổ sung thêm tính năng chatbot để quản lý hệ thống thông tin tiếp nhận, phản hồi trực tuyến theo hình thức tự động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết: "Năm 2025, Đồng Xoài sẽ trở thành một ĐTTM với các dịch vụ về y tế thông minh, giáo dục thông minh, quản lý tài nguyên đất đai thông minh để phục vụ người dân. Với mong muốn Đồng Xoài là đơn vị đi đầu của tỉnh và sẽ kéo theo các huyện thị xã khác trên cơ sở bài học của Đồng Xoài để triển khai các bước tiếp theo".

Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc quyết tâm triển khai Đề án ĐTTM của chính quyền tỉnh đã tạo ra những tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Đây là kết quả nỗ lực của toàn bộ máy chính trị tỉnh nhà trong việc đưa ứng dụng ICT vào khắp các lĩnh vực hoạt động của địa phương, nhất là theo lộ trình xây dựng ĐTTM, chính quyền điện tử./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ đô thị thông minh hỗ trợ Bình Phước trong công tác phòng, chống Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO