DN lớn không chỉ dẫn dắt nền kinh tế, mà còn lan tỏa tinh thần ĐMST
Các giải pháp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các doanh nghiệp (DN) lớn đã góp phần nâng cao năng lực quản trị của hệ thống DN nhỏ và vừa thông qua ứng dụng chuyển đổi số (CĐS), tăng cường đối thoại hiệu quả cơ chế, chính sách giữa Chính phủ và DN.
Việt Nam phấn đấu những năm 2030 trở thành nước đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại, kinh tế phát triển năng động, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học công nghệ ĐMST, gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng và đa chiều. Trên phạm vi toàn cầu, khoa học công nghệ, ĐMST ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Tại Lễ Công bố Giải pháp ĐMST Việt Nam 2023 trong khuôn khổ Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, ĐMST, CĐS và phát huy nguồn lực của con người Việt Nam.
Sự dẫn dắt của các DN lớn thúc đẩy môi trường ĐMST thuận lợi hơn
DN lớn ĐMST bao gồm các DN có các giải pháp tích hợp đã được thị trường kiểm chứng và phục vụ giải quyết các vấn đề của xã hội ở quy mô lớn, đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy ĐMST tại Việt Nam. Các DN lớn không chỉ dẫn dắt nền kinh tế mà còn lan tỏa tinh thần ĐMST đến cộng đồng DN Việt. Đây là những DN phát triển nhanh cả về chất và lượng, tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò tại thị trường trong nước, từng bước thành công vươn ra nước ngoài và là nền móng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số Việt Nam trong tương lai.
Các giải pháp ĐMST của các DN lớn đã góp phần nâng cao năng lực quản trị của hệ thống DN nhỏ và vừa thông qua ứng dụng CĐS, tăng cường đối thoại hiệu quả cơ chế, chính sách giữa Chính phủ và DN thông qua nền tảng số. Bước tiến trong quá trình chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Chính sự dẫn dắt của các DN lớn càng thúc đẩy Chính phủ và các tổ chức liên quan hướng đến việc xây dựng môi trường thuận lợi hơn cho ĐMST.
Ông Ngô Diên Hi, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, cho biết thúc đẩy ĐMST mở ra con đường tất yếu của VNPT trong hành trình CĐS. Nói về động lực để VNPT thúc đẩy ĐMST, ông Ngô Diên Hi cho biết trước năm 2015, Tập đoàn VNPT được biết đến là một đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sau năm 2015, VNPT đã tái cơ cấu và đặc biệt là triển khai một chiến lược gọi là Chiến lược VNPT 4.0 nhằm chuyển đổi VNPT từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.
“Trong bối cảnh thị trường viễn thông tại Việt Nam đã bão hòa, ĐMST đã và đang là yêu cầu bắt buộc trong tiến trình tái định vị của VNPT, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển của các công nghệ mới, sự thay đổi về hành vi, thói quen khách hàng, các áp lực cạnh tranh thị trường cũng đòi hỏi VNPT phải tiếp tục không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới để thích nghi với môi trường”, ông Ngô Diên Hi nói.
Làm bệ phóng cho các startup, chia sẻ kiến thức công nghệ, thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam
DN lớn ĐMST cũng chứng kiến nhiều công nghệ đáp ứng giải quyết những vấn đề về kết nối thông tin đầu tư, thông tin thị trường, tiếp cận nguồn vốn, kết nối DN tham gia vào chuỗi giá trị và cung ứng, hỗ trợ DN và nhà đầu tư thực hiện hợp đồng một cách minh bạch và phù hợp pháp lý, quản trị số đơn giản, thuận lợi, chi phí tối ưu giúp DN tăng trải nghiệm người dùng, trải nghiệm nhân viên, tối ưu hóa quy trình cải tiến và số hóa sản phẩm và ĐMST vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, cho biết các nhà sáng lập FPT nhận định chỉ có ĐMST và khoa học công nghệ mới giúp tập đoàn phát triển và góp phần hưng thịnh quốc gia. Đó là kim chỉ nam trong suốt 35 năm qua giúp FPT tiên phong trong nhiều lĩnh vực, tiên phong mang các giải pháp công nghệ vào đời sống ở Việt Nam, xuất khẩu phần mềm mở, mang bờ cõi trí tuệ ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, tiên phong xây dựng mô hình giáo dục thực học, thực nghiệm để phụng sự phồn vinh quốc gia. Hơn ba thập kỷ qua, FPT đã không ngừng xây dựng sân chơi sáng tạo và khuyến khích khởi nghiệp trong nội bộ. Ông Vũ Anh Tú cho biết có 4.500 sáng kiến về công nghệ đã giúp Tập đoàn FPT tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, tăng năng suất lao động mỗi năm.
Hiện giờ, hơn một trăm startup đã đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ hạ tầng công nghệ của FPT. Các dự án này đã có trị giá hàng tỷ đồng trên mỗi dự án. Công ty cam kết chia sẻ các kiến thức công nghệ, ĐMST, chia sẻ hợp lực mang đến góc nhìn thực tiễn từ DN, giúp cơ quan hữu quan xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các phát triển, ĐMST ở Việt Nam.
“Với FPT, chúng tôi tiếp tục xây dựng nhiều sân chơi sáng tạo để phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới với cộng đồng. Từ kinh nghiệm thực tiễn cùng với tiềm lực của FPT, chúng tôi tiếp tục chia sẻ và làm bệ phóng cho các startup và tiếp tục song hành với các DN Việt Nam để phát triển mạnh mẽ, có những hướng đi bền vững trong tương lai”, lãnh đạo FPT khẳng định.
Trong khi đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ĐMST, VNPT đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ mở rộng phạm vi sử dụng, tháo gỡ các cơ chế trong sử dụng quỹ khoa học công nghệ, chẳng hạn như đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST và khởi nghiệp nội bộ không bị ràng buộc bởi quy định về trách nhiệm bảo đảm hiệu quả, bảo toàn.
“Thực ra khi sử dụng quỹ khoa học công nghệ thì việc làm sao để nó có hiệu quả mình cũng không thể biết trước một cách chắc chắn được. Trong 10 dự án khoa học công nghệ, chúng ta thành công được 7-8 dự án cũng là rất thành công rồi, cho nên bắt buộc dự án nào cũng phải thành công thì tôi nghĩ là một vấn đề rất khó”, ông Ngô Diên Hi nói.
Đến ngày hôm nay, VNPT đã có nhiều giải pháp triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực chính phủ số và kinh tế số, hiện diện trong nhiều ngành như tài nguyên môi trường, ngành lao động thương binh xã hội, ngành xây dựng … VNPT cũng đã triển khai khoảng hơn 40 dịch vụ công trên cả nước cho 63 tỉnh, thành phố.
Trong nội bộ, VNPT cũng có chương trình thúc đẩy các hoạt động ĐMST. Tập đoàn xây dựng những quy chế, chính sách để thúc đẩy, tạo động lực cho các nhóm trong nội bộ VNPT có những ý tưởng tạo ra sản phẩm mới. Chính vì vậy, VNPT có nhiều sản phẩm mới, góp phần chuyển đổi nền kinh tế đất nước.