Doanh thu lĩnh vực ATTT hết năm 2021 ước đạt hơn 2.163 tỷ đồng

Hoàng Linh| 27/12/2021 14:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính tới tháng 11/2021, tổng doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) mạng đạt 1.915 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020; đạt 73% so với kế hoạch của năm 2021 (2.630 tỷ đồng).

Cũng theo Bộ TT&TT, dự kiến doanh thu cả năm 2021 ước đạt 2.613 (đạt 99,3% kế hoạch). Tỷ lệ nhóm sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng của Việt Nam so với 22 nhóm sản phẩm hệ sinh thái ATTT mạng đạt 95,5%. Tỷ lệ sản xuất/nhập khẩu tháng 11/2021 đạt 54%, tăng 12,4% so với cùng kỳ 11/2020 (41,6%).

Trong năm 2021, tỷ lệ cơ quan nhà nước bảo vệ 4 lớp đã đạt 100% và bảo vệ thiết bị đầu cuối đạt 80% (đạt 100% so với kế hoạch năm). Bộ TT&TT đã hỗ trợ, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy xác định cấp độ và triển khai mô hình 04 lớp mức nâng cao.

Doanh thu lĩnh vực ATTT hết năm 2021 ước đạt hơn 2.163 tỷ đồng - Ảnh 1.

Số liệu phát triển lĩnh vực ATTT mạng năm 2021

Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện kiểm tra, đánh giá ATTT cho các nền tảng phòng, chống dịch; tổ chức kiểm tra đánh giá ATTT cho các hệ thống quan trọng như: cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, một số hệ thống thuộc lĩnh vực y tế, một số hệ thống thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)…; gửi văn bản, email cảnh báo gần 700 lỗ hổng, trong đó có các sự cố mất ATTT tại các đơn vị lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Tòa án nhân dân tối cao…

Bộ TT&TT cũng đồng hành cùng Bộ GD&ĐT triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ đào tạo từ xa, ban hành hướng dẫn sử dụng, an toàn phần mềm, công cụ dạy, học trực tuyến.

Bộ TT&TT cũng liên tục giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, phát hiện và cảnh báo người dùng về các trang web, fanpage và loại hình tin nhắn lừa đảo; phát triển phần mềm Visafe bảo vệ miễn phí các thiết bị đầu cuối cho người dân; thống kê và cung cấp công cụ cho phép người dùng tra cứu về các trang web, fanpage lừa đảo.

Bộ TT&TT phối hợp với Cốc Cốc tổ chức "Chiến dịch Khiên xanh", cảnh báo cho người dùng ngay khi truy cập vào 1 trang web lừa đảo; xử lý hơn 400 web/blog lợi dụng tình hình dịch COVID-19 giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính, tập đoàn, tổng công ty nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân của người dân.

Bộ đã hoàn thành 05 dự thảo TCVN, xây dựng và hoàn các hướng dẫn kỹ thuật về ATTT như Danh mục yêu cầu cơ bản bảo đảm ATTT mạng cho thiết bị IoT tiêu dung, Khung tiêu chuẩn an toàn, an ninh mạng cho thiết bị hạ tầng mạng viễn thông; yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với các sản phẩm phân tích thông tin các mối đe dọa (threat intelligence), tường lửa ứng dụng web… 03 trung tâm phân tích và chia sẻ thông tin (ISAC) lĩnh vực an toàn, an ninh mạng; điện lực và ngân hàng được thành lập nhằm mục đích chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, chuyên gia nhằm dự báo trước, đưa ra cách thức phòng chống, khắc phục các mối đe dọa và lỗ hổng trên mạng.

Kế hoạch phát triển trung hạn 2022-2024 và định hướng đến năm 2025

Trong kế hoạch công tác trung hạn của lĩnh vực, Bộ TT&TT sẽ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; phát triển nền tảng điều hành, chỉ huy ATTT mạng tập trung.

Bộ cũng sẽ chủ trì phát triển nền tảng rà quét lỗ hổng bảo mật nhằm phòng ngừa sự cố mất ATTT cho các ứng dụng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương; nền tảng đào tạo, sát hạch trực tuyến kiến thức, kỹ năng ATTT cơ bản cho người sử dụng; nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ứng dụng (app) tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT cho người sử dụng.

Bộ sẽ triển khai các hệ thống: đánh giá, kiểm định ATTT; quản lý tên định danh quốc gia; quản lý danh sách không quảng cáo; tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; quản lý danh sách đen địa chỉ IP; phát triển Trung tâm R&D về an toàn, an ninh mạng tạo môi trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới; phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định ATTT và công bố các sản phẩm đạt chuẩn ATTT mạng.

Về định hướng đến năm 2025, lĩnh vực sẽ tạo sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động phát triển năng lực an toàn, an ninh mạng để vươn tầm thế giới, đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam dựa trên công nghệ mở.

Đến hết năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh thu lĩnh vực ATTT hết năm 2021 ước đạt hơn 2.163 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO