Đưa chính quyền đến gần người dân hơn

Đỗ Thêu| 06/07/2022 09:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH15 của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. Qua 1 năm triển khai, mô hình đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực.

Thước đo là sự hài lòng của người dân

Đem chính quyền đến gần người dân hơn - Ảnh 1.

CCHC để xây dựng thành phố Hà Nội hiện đại hơn.

Đến làm thủ tục hành chính (TTHC) tại UBND phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, bà Phùng Thị Thảo cho biết, "Các TTHC được công khai trên UBND phường để nhân dân đến liên hệ có điều kiện nghiên cứu, từ đó triển khai thực hiện theo yêu cầu, nguyện vọng của mình. Cổng thông tin của UBND phường cũng đã được niêm yết công khai. Các thủ tục giấy tờ về mặt hành chính được giảm thiểu rất nhiều, thời gian trả kết quả cho cán bộ nhân dân đến làm TTHC đều rất ngắn gọn".

Còn chị Huyền Mai Thu đến làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND phường Tây Mỗ cũng tỏ ra rất hài lòng. Chị Thu bày tỏ, trước khi đến phường chị đã làm đầy đủ các thủ tục trên cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Do đó, quá trình xác nhận cũng diễn ra thuận tiện hơn. Sau khi điền đẩy đủ thông tin, sau 5-10 phút là có kết quả.

Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm cho hay: "Điểm nổi bật khi thực hiện chính quyền đô thị mà người dân được hưởng là khi người dân đến làm các TTHC tại phường rút ngắn được thời gian đi lại, nhiều TTHC chúng tôi giải quyết được ngay vì chúng tôi cũng đã uỷ quyền cho một đồng chí công chức tư pháp hộ tịch làm công tác ký chứng thực các giấy tờ, văn bản theo quy định. Điều này giúp tinh gọn bộ máy và giúp cải cách TTHC, hướng tới người dân là trung tâm".

Chú trọng nguồn lực con người

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong cải cách hành chính (CCHC), song Hà Nội không ngủ quên trên chiến thắng. Thay vào đó, thành phố vẫn nỗ lực tiếp tục trong công tác CCHC đặc biệt là chú trọng yếu tố con người.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đặc điểm của quận Hoàn Kiếm là cư dân sinh sống trên địa bàn quận hầu hết có thời gian ăn, ở, sinh hoạt rất lâu. Có rất nhiều các loại giấy tờ cần phải xác minh, xác nhận.

"Chúng tôi cũng đã yêu cầu đội ngũ cán bộ của quận phải nắm chắc hồ sơ lưu trữ; hiểu rõ trách nhiệm của mình trong giai đoạn hiện nay; tinh thần thái độ phục vụ người dân phải thay đổi từ việc tiếp nhận xử lý, quy trình giải quyết phải đảm bảo chặt chẽ nhưng phải tuân thủ thời gian đáp ứng yêu cầu mà Ban Chỉ đạo thành phố cũng như Ban Chỉ đạo quận đã lập ra", ông Long nói.

Theo Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, việc giải quyết các thủ tục liên quan đến chính quyền đô thị là hoàn toàn phù hợp với đô thị hiện nay. Sẽ có rất nhiều tình huống mới, có rất nhiều vấn đề mà chính quyền cần phải giải quyết ngay lập tức.

Việc giảm được các văn bản, giảm được các chỉ đạo trung gian giúp giải quyết nhanh hơn, nhất là những nhu cầu bức xúc của người dân và việc quản trị trong đô thị sẽ hiệu quả hơn so với mô hình trước đây.

"Người đứng đầu chính quyền ở các cấp từ quận đến phường rõ nét hơn. Việc thực thi được thực hiện nhanh hơn và liền mạch hơn, bên cạnh đó với sự hỗ trợ của các sở, ngành, thành phố, các phường được hỗ trợ bởi các phòng ban chuyên môn của quận hiệu quả hơn, giảm được một số lượng lớn những văn bản giấy tờ trước đây chúng ta từng làm", ông Long cho hay.

Đem chính quyền đến gần người dân hơn - Ảnh 2.

Người dân cơ bản hài lòng với mô hình chính quyền đô thị.

Theo ông Long, để mô hình hiệu quả hơn, mấu chốt cuối cùng là vấn đề con người. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là công chức các phường trong giai đoạn hiện nay cần hiểu rõ hơn nữa trách nhiệm và thẩm quyền của mình, để áp dụng cho đúng, chính xác các phần việc mà cấp chính quyền đô thị tại cơ sở đang đặt ra.

Như vậy ngoài việc nhận thức được trách nhiệm, thì đòi hỏi tính quyết đoán, đặc biệt là trình độ hiểu biết về chuyên môn, về pháp luật, và đặc biệt là hiểu biết sâu về địa phương, sẽ giúp công tác giải quyết được nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Còn theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương, thị xã với đặc thù vừa có phường, vừa có xã (9 phường, 6 xã) nên khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị còn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí sắp xếp công chức từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Đặc biệt, khi bố trí công chức từ xã lên phường phải thực hiện quy trình tiếp nhận vào công chức, cần nhiều thời gian nên khó đáp ứng ngay với đơn vị cần bổ sung kịp thời nhân lực làm việc... 

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn nhận định, nhìn chung 12 quận và thị xã Sơn Tây đã nghiêm túc thực hiện đúng các chỉ đạo trong triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả bước đầu, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Do đó thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh CCHC hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt chú trọng vào phát triển con người, nâng cao trình độ, nhận thức cán bộ địa phương./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đưa chính quyền đến gần người dân hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO