Kinh tế số

Giải pháp để kinh doanh thương mại điện tử không bị nợ thuế

Anh Minh 02/08/2024 18:35

Khó khăn và thiếu thông tin, hiểu biết trong kê khai, quản lý thuế khi kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã khiến không ít doanh nghiệp (DN), cá nhân "bỗng dưng" trở thành người nợ thuế, trốn thuế...

Ngày 2/8/2024, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) và Công ty Cổ phần MISA (MISA) tổ chức Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh TMĐT” nhằm mục đích đồng hành cùng các đơn vị, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh TMĐT nắm vững kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định.

Số tiền phạt liên quan đến thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT lên đến hàng trăm tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA khẳng định, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động TMĐT đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng mỗi phiên.

toan-canh.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh TMĐT”

Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, bà Cúc lưu ý rằng, các hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.

Theo thông tin được bà Cúc đưa ra, những năm gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã quyết liệt chỉ đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thuế, Thanh tra kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có hoạt động kinh doanh TMĐT. Số tiền thuế mà đặc biệt là Cục thuế Hà Nội và TP.HCM đã truy thu và tiền phạt của các tổ chức cá nhân kinh doanh TMĐT lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM, cho biết TMĐT, đặc biệt sau đợt dịch COVID-19, đã phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, hiện nay, TMĐT không chỉ đơn thuần là việc đưa hàng hóa lên mạng và bán. Mà TMĐT còn bao gồm nhiều hoạt động khác, trong đó có việc phát triển các nội dung số, làm livestream, phải quảng bá ….

Những hoạt động này cũng khiến người kinh doanh TMĐT phải tốn chi phí, tuy nhiên đôi khi những hoạt động này không phải lúc nào cũng được kê khai vào chi phí đầu vào.

Đây chỉ là một phần của hoạt động TMĐT, nó cho thấy câu chuyện người bán hàng TMĐT muốn kê khai, muốn đóng thuế, thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, song không dễ dàng thực hiện”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nói và cho biết câu chuyện này đã được bàn luận nhiều với các cơ quan thuế, và trong thời gian sắp tới, “các hoạt động của cơ quan thuế sẽ đi sâu hơn vào vấn đề này”.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, đã chia sẻ về mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết hiện đang rất phổ biến trên tính năng TMĐT TikTok Shop.

Trên cơ sở đó, ông Thanh cũng nêu ra một số các vấn đề về thuế được nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đặc biệt quan tâm, như những khoản thuế phải nộp của nhà bán hàng và nhà sáng tạo khi có doanh thu, thu nhập từ TikTok Shop; Nghĩa vụ nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đối với thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động tiếp thị liên kết…

Theo bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối nền tảng kế toán dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA, việc quản lý hàng hóa và doanh thu trở nên khó khăn khi bán hàng trên nhiều sàn và nền tảng khác nhau.

Nghĩa vụ thuế đòi hỏi nhiều nhân sự để xuất hóa đơn, và việc này thường phải thực hiện thủ công khi thông tin trên sàn không khớp với thông tin trên phần mềm quản lý. Trong khi đó, số lượng hóa đơn phải xuất hàng ngày rất lớn, làm tăng nguy cơ xuất hóa đơn sai thời điểm do bán hàng không theo thời gian cố định.

Thông tin rời rạc giữa các giải pháp quản lý khác nhau cũng dẫn đến dễ xảy ra sai sót số liệu cho kế toán. Việc lập và đối chiếu báo cáo thuế thường phải thực hiện thủ công, gây rủi ro về thuế. Thêm vào đó, thiếu thông tin cập nhật về thuế có thể dẫn đến việc xử lý sai sót và rủi ro thuế.

Giải pháp nào để các cá nhân, hộ kinh doanh TMĐT “không phải trốn thuế”

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, cho rằng trong kinh doanh TMĐT, để đảm bảo uy tín, chất lượng hàng hóa bán ra, các cá nhân livestream bán hàng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người dùng.

Ngoài ra, để đảm bảo về nghĩa vụ nộp thuế và không bị phạt do chậm hoặc không nộp thuế vì chưa hiểu rõ về các quy định, hay gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh “có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ”, Chủ tịch VTCA nói.

Bà Đặng Thị Huyền Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn thuế SAVITAX, cho biết đã có những tư vấn cụ thể một số vấn đề vướng mắc của các hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT.

Chia sẻ về giải pháp công nghệ dành cho hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT, bà Bùi Thị Trang cho biết dựa trên quá trình tìm hiểu và nắm bắt khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ thuế, MISA đã phát triển bộ giải pháp toàn diện kết nối trực tiếp với các sàn TMĐT, đồng bộ dữ liệu vào phần mềm bán hàng để quản lý hàng hóa, tồn kho và doanh thu từ nhiều kênh, tích hợp với hóa đơn điện tử, chữ ký số và phần mềm kế toán của MISA, tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu lên cơ quan Thuế và thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác.

img_1579(1).jpg
Bà Bùi Thị Trang cho biết MISA đã phát triển bộ giải pháp toàn diện kết nối trực tiếp với các sàn TMĐT

Đối với hộ kinh doanh chưa có bộ máy kế toán và cá nhân gặp khó khăn trong kê khai và nộp thuế, MISA phát triển nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP giúp kết nối với đại lý thuế và dịch vụ kế toán uy tín để tư vấn thuế theo từng trường hợp, giúp kiểm soát rủi ro và làm chủ dữ liệu xuyên suốt ngay cả khi thuê dịch vụ kế toán.

Theo chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA, ông Lê Hồng Quang, MISA đã phát triển nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP, đóng vai trò là trung gian kết nối giữa hai bên, một bên là các DN, hộ kinh doanh, và cá nhân cần thuê người làm kế toán và kê khai thuế; một bên còn lại là các công ty và cá nhân chuyên cung cấp dịch vụ kế toán và thuế.

Giải pháp số của MISA giúp giải quyết toàn diện các vấn đề của đơn vị kinh doanh TMĐT như cung cấp giải pháp đồng bộ từ phần mềm bán hàng kết nối trực tiếp với sàn TMĐT về phần mềm bán hàng để quản lý hàng hoá, tồn kho, doanh thu từ nhiều kênh bán thông qua nền tảng MISA eShop.

Ngoài ra, hệ thống cũng được kết nối đồng bộ với hoá đơn điện tử, chữ ký số, phần mềm kế toán (MISA ASP Kế toán, MISA AMIS Kế toán) giúp tự động xuất hoá đơn và truyền dẫn dữ liệu lên thuế để đảm bảo và phòng tránh rủi ro xuất sai thời điểm.

Hệ thống cũng tự động lập tờ khai và hệ thống số sách, kiểm tra đối chiếu với thuế cũng như dữ liệu kế toán để phát hiện chênh lệch, rủi ro, nhằm giúp cho công tác, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác và hiệu quả trên MISA ASP kế toán, và AMIS Kế toán.

Để thực hiện nghĩa vụ thuế cho hoạt động kinh doanh TMĐT, bao gồm livestream, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, các quy định thuế được áp dụng như sau:

Đối với nhãn hàng: Cần kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập DN (TNDN) dựa trên doanh thu thực tế từ đơn hàng bán được.

Đối với người livestream:

Nếu cá nhân đăng ký nộp thuế theo hình thức hộ cá nhân kinh doanh, thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (bao gồm 5% GTGT và 2% thuế thu nhập cá nhân - TNCN).

Nếu cá nhân không đăng ký kinh doanh và được coi là làm thuê cho nhãn hàng, thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 5% - 35%. Trong trường hợp này, nhãn hàng sẽ tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân và nộp vào ngân sách nhà nước. Cá nhân có trách nhiệm tự khai và quyết toán thuế năm với cơ quan thuế./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp để kinh doanh thương mại điện tử không bị nợ thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO