Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, việc huy động vốn của các công ty công nghệ Đông Nam Á đã đạt mức cao nhất trong 4 năm qua với 8,4 tỷ USD trong năm nay, trong đó có công ty TMĐT Indonesia Bukalapak đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ khi chuẩn bị IPO.
Các khoản đầu tư tư nhân cũng tăng vọt, đạt 8,2 tỷ USD, chỉ kém kỷ lục 8,9 tỷ USD vào năm 2020 và mở rộng danh sách các "kỳ lân" - các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD.
Hoạt động gọi vốn ngắn hạn hàng đầu thuộc về tập đoàn công nghệ Indonesia GoTo. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ hoàn thành gọi vốn 2 tỷ USD trước IPO, trong khi khoảng một chục công ty khởi nghiệp đang tìm cách niêm yết lên sàn chứng khoán trong khu vực hoặc tại Hoa Kỳ trong 2 năm tới.
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng chấp nhận các nền tảng số, khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các công ty công nghệ có khả năng phát triển doanh nghiệp nhanh hơn tại khu vực có tới 650 triệu dân này.
Các quỹ đầu tư toàn cầu cũng đang tăng cường tập trung vào lĩnh vực này, trước sức ép của các cơ quan quản lý đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc.
Jeffrey Perlman, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại quỹ đầu tư Warburg Pincus, một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực, cho biết: "Có sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư thị trường đại chúng tới sự tăng trưởng của khu vực này".
Các công ty khởi nghiệp muốn niêm yết trên sàn chứng khoán sớm nhất trong năm nay bao gồm công ty du lịch Indonesia Traveloka và sàn giao dịch trực tuyến Carousell.
Tập đoàn logistics khu vực là Ninja Van và công ty TMĐT Thái Lan aCommerce đều cho biết IPO là một khả năng nhưng không đưa ra mốc thời gian. Các nguồn tin khác cho biết công ty khởi nghiệp Thái Lan Pomelo Fashion đang xem xét IPO vào năm tới.
Sukumar Rajah, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Franklin Templeton Emerging Markets Equity cho biết: "Chúng tôi thấy nhiều công ty thú vị hơn xuất hiện. Tôi sẽ tìm kiếm các cơ hội ở Đông Nam Á".
Cơ hội thực sự cho các công ty công nghệ
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần lên 300 tỷ USD vào năm 2025 từ cuối năm 2020. Công nghệ tài chính, hay fintech, là danh mục chiếm ưu thế với 56% tổng vốn đầu tư cho công nghệ, bao gồm các dịch vụ như mua ngay - trả sau, cho vay ngang hàng, ví số và tiền điện tử.
Còn theo dữ liệu từ công ty theo dõi ngành công nghiệp Preqin cho thấy, tổng giá trị của các giao dịch đầu tư mạo hiểm đã đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, vượt qua mức 8,2 tỷ USD của năm 2020.
Cũng theo báo cáo này, các công ty khởi nghiệp Internet và công nghệ đã chiếm lĩnh đầu vốn tư mạo hiểm và vốn đầu tư tư nhân trong khu vực, chiếm 88% giá trị giao dịch trong quý đầu tiên của năm nay, tăng từ 75% một năm trước đó.
Jeffrey Jaensubhakij, Giám đốc đầu tư tại quỹ tài sản quốc gia Singapore GIC cho biết vào tháng trước: "Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, tất cả các quốc gia này đều có dân số trong nước đủ lớn, nơi mà các cơ hội số hóa có thể tạo cơ hội cho kỳ lân. Khó khăn nằm ở chỗ là rất ít mô hình kinh doanh thực sự có thể mang lại hiệu quả toàn khu vực, vì đó mới là nơi có cơ hội thực sự".
Dữ liệu của Dealogic cho thấy khu vực này cũng đã thu hút sự quan tâm từ các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) và chiếm 4 trong số 8 mục tiêu SPAC liên quan đến châu Á được công bố trong năm nay.
Perlman từ Warburg Pincus cho biết: "Các nhà đầu tư cũng đã từng chứng kiến sự tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ, vì vậy họ đang tìm cách tận dụng cơ hội đó ở quy mô lớn hơn và tránh bỏ lỡ một số cơ hội tương tự như vậy".
Công ty gọi xe và giao đồ ăn Grab đã đạt được thỏa thuận SPAC (công ty séc trắng) kỷ lục trị giá 40 tỷ USD vào tháng 4 như một phần của kế hoạch niêm yết IPO tại Hoa Kỳ.
Hari Krishnan, Giám đốc điều hành của thị trường trực tuyến khu vực PropertyGuru, cho biết: "Thật hiếm khi khu vực của chúng tôi được chú ý. Đó không phải là Trung Quốc hay Ấn Độ hay Australia hay Hàn Quốc mà là Đông Nam Á".
PropertyGuru có trụ sở tại Singapore đã đồng ý thương vụ hợp nhất 1,8 tỷ USD với một SPAC do các tài phiệt Richard Li và Peter Thiel hậu thuẫn để niêm yết tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một số lo ngại đang nổi lên về việc liệu thanh khoản toàn cầu dồi dào có làm tăng định giá các công ty hay không và liệu các công ty có thể duy trì trên các thị trường thứ cấp hay không.
Ví dụ, Bukalapak, công ty đã tung ra đợt IPO lớn nhất Indonesia trị giá 1,5 tỷ USD trong tháng này sau khi tăng quy mô từ 300 triệu USD, đã chứng kiến cổ phiếu của công ty tăng 55% so với giá IPO trong vài ngày đầu tiên trước khi sụt giảm về mức ban đầu.
Oshadhi Kumarasiri, nhà phân tích vốn chủ sở hữu tại LightStream Research, cho biết: "Để chứng minh giá trị doanh nghiệp cao với bội số doanh thu, Bukalapak sẽ cần phải duy trì tăng trưởng doanh thu hàng năm ở mức khoảng 50% trong 5 năm tới, đây có vẻ là một mục tiêu khá khó khăn".
Tiềm năng tương lai
Theo báo cáo của Facebook và Bain, khu vực Đông Nam Á đã có thêm 70 triệu người mua sắm trực tuyến mới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Khảo sát hơn 16.000 người trên khắp Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, các nhà nghiên cứu nhận thấy tốc độ nhanh chóng của việc ứng dụng công nghệ số trong thời gian đại dịch và các đợt giãn cách liên quan. Vào cuối năm 2021, mỗi quốc gia ASEAN kỳ vọng sẽ có 70% dân số trưởng thành trở lên là người tiêu dùng số. Tỷ lệ thâm nhập bán lẻ trực tuyến tăng từ 5% lên 9% cũng đánh dấu sự tăng trưởng nhanh hơn so với Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc.
Chi tiêu trực tuyến của mỗi người trong toàn khu vực vào năm 2020 là 238 USD, vượt xa các dự báo trước đó và dự kiến sẽ tăng lên 381 USD vào cuối năm 2021. Nghiên cứu cũng cho thấy cửa hàng tạp hóa trực tuyến là phân khúc phát triển nhanh nhất, với phần lớn người tiêu dùng có kế hoạch duy trì hoặc tăng chi tiêu trực tuyến tại nhà của họ cho mặt hàng đó và các danh mục khác.
Magnus Ekbom, Giám đốc chiến lược của Lazada Group SA, thuộc Alibaba cho biết: "Những gì chúng tôi thấy ở Trung Quốc và Hoa Kỳ là sự chuyển đổi kênh từ ngoại tuyến sang trực tuyến, trong khi ở Đông Nam Á, sự tăng trưởng trong chi tiêu của người tiêu dùng và bán lẻ được thúc đẩy bởi các kênh trực tuyến".
Khoảng 346 triệu người ở Đông Nam Á đã truy cập Facebook hàng ngày tính đến quý II năm nay. Con số đó phản ánh gần đúng với dự báo 350 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số vào cuối năm 2021. Dự báo cho thấy sự giảm tốc tăng trưởng sau đợt tăng do đại dịch gây ra, vì 30 triệu người mua sắm tiếp theo sẽ không trực tuyến cho đến năm 2026. Hơn 95% người được hỏi truy cập Internet trên điện thoại thông minh của họ.
"Nếu 3 năm trước, Đông Nam Á vẫn còn chậm trên môi trường trực tuyến, giờ đây Đông Nam Á đang trở thành khu vực đang dẫn đầu", Benjamin Joe, Phó chủ tịch Đông Nam Á và các thị trường mới nổi của Facebook, cho biết trong một cuộc họp trực tuyến ngày 31/8.
Tất cả những yếu tố trên sẽ thúc đẩy các công ty fintech và TMĐT ở Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa./.