Gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội triển khai có hiệu quả

PV| 09/06/2022 05:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: "Đến thời điểm hiện nay, có thể nói, cơ bản chúng ta hoàn thành việc ban hành các chính sách. Việc giải ngân được 22 nghìn tỷ đồng trên 300 nghìn tỷ đồng là một tiền đề rất quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng gói hỗ trợ này, chương trình này được thực hiện tốt trong thời gian tới".

Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm

Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị có kết luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Việc sớm ban hành chương trình này có được là nhờ từ sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm, tổ chức nhiều phiên họp làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, Chương trình nhận được sự đồng thuận cao", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, phân bổ nguồn lực chi tiết, đề ra nhiệm vụ ban hành 14 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và quyết tâm chỉ đạo thực hiện, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc tổ chức thực hiện.

Đến nay, về nhiệm vụ xây dựng chính sách cơ chế, đã ban hành 11 văn bản trong tổng số 14 văn bản theo kế hoạch. Bên cạnh đó, vẫn còn một số văn bản chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do có những nội dung phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhiều cơ quan và các cơ quan cũng đã có sự thận trọng. Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ mới chưa có trong kế hoạch dài hạn, nên nhiều công việc chưa được chủ động. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ này.

Gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội triển khai có hiệu quả - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu giải trình trước Quốc hội.

Gói hỗ trợ được thực hiện rất tốt

Phân tích việc tiến độ thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, một phần đã mua vắc xin và trang thiết bị y tế. Hiện nay, về dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã kiểm soát cơ bản, do đó việc sử dụng này tùy theo tình hình sắp tới xảy ra, nếu cần có thể chi và sử dụng ngay. Một phần khác là khoản miễn, giảm thuế. Sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 ra đời, với sự tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%, thời gian áp dụng từ tháng 2/2022, thực hiện trong năm 2022.

"Nghị quyết số 43/2022/QH15 được triển khai rất nhanh và hiện vẫn đang triển khai. Một phần của gói hỗ trợ là chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách với 5 chương trình. Cơ bản các cơ chế, chính sách đã xây dựng xong và đến thời điểm hiện nay đã giải ngân được gần 1/3 so với kế hoạch", Phó thủ tướng cho biết.

Về thực hiện các gói hỗ trợ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với xây dựng chính sách, ngân hàng chính sách và các bộ, ngành cũng làm rất nhanh và đã giải ngân rất phù hợp và kịp thời. Tổng gói hỗ trợ là 347 nghìn tỷ đồng thì có 46 nghìn tỷ đồng dùng quỹ dự trữ quỹ tài chính để mua vắc xin và trang thiết bị y tế.

Trong 301 nghìn tỷ đồng còn lại, trong đó, 64 nghìn tỷ đồng là tiền miễn giảm thuế. Sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 ra đời thì 18 ngày sau, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%, áp dụng từ tháng 2/2022. Phó Thủ tướng cho biết, giảm thuế được thực hiện trong năm 2022, nên đang được triển khai rất nhanh.

Tiếp đó là khoản 38,4 nghìn tỷ đồng dành cho chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách. Theo đó, đến nay, có 5 chương trình mà các cơ chế chính sách cơ bản đã xây dựng xong, đã giải ngân được 4 nghìn 586 tỷ đồng trong tổng số 19 nghìn tỷ đồng của năm 2022 (38 nghìn tỷ đồng thực hiện trong vòng 2 năm). Phó Thủ tướng đánh giá, cùng với xây dựng chính sách, ngân hàng chính sách và bộ, ngành làm rất nhanh, giải ngân rất phù hợp và kịp thời.

Khoản thứ ba có thể thực hiện xong trong năm nay là 6 nghìn tỷ đồng thông qua gia hạn thuế, tiền thuê đất. Chính phủ đã xây dựng xong 2 nghị định vào tháng 5 về giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô và giảm một số chính sách thuế. Như vậy, 6 nghìn tỷ đồng này đến cuối năm 2022 sẽ thực hiện xong.

Bên cạnh đó, còn một khoản là 6,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động thuê nhà. Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về vấn đề này nhưng đến nay, việc giải ngân còn chậm. Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để thống nhất số liệu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đối với khoản 176 nghìn tỷ đồng thuộc về đầu tư công, trong đó có hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại là 40 nghìn tỷ đồng và 134 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng (chi đầu tư cho giao thông là 103 nghìn tỷ đồng), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất. Theo quy trình, khi tiến hành quyết toán giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình thì được tính từ ngày 1/1/2022, các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tới 2% với đúng ngành nghề mà Nghị định quy định, đồng thời quyết toán với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Về khoản hỗ trợ lãi suất, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm làm một cách rất chặt chẽ và hướng dẫn bằng một nghị định để quy định đầy đủ và chặt chẽ để khi thực hiện chương trình này được thông suốt và được thuận lợi.

Một phần quan trọng trong gói hỗ trợ là dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết, do theo quy định của Luật Đầu tư công nên gói này thực hiện chậm. Thông thường, những dự án đầu tư công khi đưa vào kế hoạch đầu tư công mất một năm rưỡi. Các địa phương và các bộ ngành trên cơ sở danh mục thực hiện các trình tự thủ tục đầu tư, sau đó sẽ báo cáo tổng hợp để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ chính thức.

"Đến thời điểm hiện nay, có thể nói, cơ bản chúng ta hoàn thành việc ban hành các chính sách. Việc giải ngân được 22 nghìn tỷ đồng trên 300 nghìn tỷ đồng là một tiền đề rất quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng gói hỗ trợ này, chương trình này được thực hiện tốt trong thời gian tới", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định.

Là một chương trình toàn diện và quy mô lớn nhất trong lịch sử

Theo TS.Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia), Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11) là một chương trình toàn diện và quy mô gần như lớn nhất trong lịch sử được thông qua, đóng vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 nói riêng và trong cả giai đoạn 2021-2025.

"Nếu không có chương trình này sẽ không thể giúp cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được đẩy nhanh và bền vững. Như vậy, khó có thể thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% đến 7% như Đại hội Đảng và Quốc hội đã đề ra. Có chương trình này sẽ giúp cho doanh nghiệp và người dân sớm vượt qua những thách thức, khó khăn trong và sau đại dịch. Qua đó tạo thêm niềm tin để hoạt động sản xuất kinh doanh được tốt hơn", TS.Cấn Văn Lực nhận định.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, đây cũng là điều kiện để Việt Nam nâng cao được năng lực y tế; nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng - vốn dĩ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình dịch bệnh. Chương trình phục hồi còn nhắm tới việc tăng cường thu hút đầu tư để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vốn là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra hồi đầu nhiệm kỳ.

Cuối cùng là chương trình tập trung rất lớn vào vấn đề an sinh xã hội; trong đó, đặc biệt là nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội-vốn là điểm yếu đã bộc lộ rõ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua.

"Tôi cho rằng 5 nhiệm vụ trọng tâm của chương trình cộng với cam kết về cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng khả năng hấp thụ và thu hút đầu tư để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiến trình phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế theo chiều hướng tích cực, nhanh, hiệu quả và bền vững. Nếu làm tốt và tận dụng được cơ hội, tôi cho rằng nền kinh tế không chỉ phục hồi và đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng GDP như đã định mà còn có thể tăng trưởng thêm 1,5 đến 2 điểm phần trăm/năm trong 1 tới 2 năm tới", TS. Cấn Văn Lực bày tỏ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội triển khai có hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO