Hà Nội miễn phí 82 dịch vụ công trực tuyến
Với quyết tâm xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh (TTM), tất cả vì lợi ích nhân dân, doanh nghiệp (DN), Hà Nội đã đang triển khai thực hiện 82 dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) miễn phí.
Hà Nội quyết tâm xây dựng chính quyền số
Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TTT) Hà Nội, hiện toàn thành phố cung cấp 1.867 DVCTT, trong đó 492 DVCTT toàn trình và 1.492 DVCTT một phần.
Các DVC mà người dân, DN được miễn phí, lệ phí sử dụng khi thực hiện theo phương thức trực tuyến gồm 82 dịch vụ thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Cụ thể như các dịch vụ: Cấp phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép), cấp phép xây dựng mới với các công trình khác, cấp mới đăng ký kinh doanh, chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Thời gian áp dụng quy định miễn phí, lệ phí khi người dân, tổ chức sử dụng 82 DVCTT sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 12/2025.
Sau khi Hà Nội được chọn thí điểm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thành ủy đã bổ sung Nghị quyết 18 ngày 30/12/2022 về CĐS, xây dựng TPTM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hà Nội đặt mục tiêu đi đầu về xử lý toàn bộ hồ sơ trên môi trường mạng, 100% thủ tục hành chính (TTHC) có đủ điều kiện cung cấp DVCTT, được triển khai trên nhiều phương tiện hiện đại. Để đạt mục tiêu này, thành phố xác định việc tuyên truyền, khuyến khích, động viên người dân tham gia DVCTT là việc cần thiết, cấp bách.
Cùng với đó, các TTHC thực hiện DVCTT sẽ dần được cải thiện, nâng cấp để công dân có thể thực hiện dễ dàng và thuận tiện trên mạng Internet mà không phải đến giao dịch trực tiếp. Công dân có thể theo dõi tình trạng hồ sơ trên cổng DVC, qua tin nhắn điện thoại, email.
Theo đại diện Sở TT&TT Hà Nội, nhằm tạo thuận tiện cho người dân trong giao dịch trực tuyến, trong đó có việc sử dụng DVCTT, Sở đang phối hợp với các DN tập trung cung cấp miễn phí chữ ký số (CKS) cá nhân cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Đến nay, toàn thành phố đã cấp được hơn 10.000 CKS cá nhân cho người dân. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC..
Nhân dân đồng tình, ủng hộ
Hiện nay tại Hà Nội, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, chậm trễ.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tiếp nhận hồ sơ hành chính đã được các đơn vị quan tâm thực hiện theo quy định.
Đáng chú ý, đầu tháng 7/2023, kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND TP Hà Nội.
Theo đó, các DVC được áp dụng mức thu phí, lệ phí bằng 0 khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến gồm các dịch vụ được quy định trong 3 Nghị quyết trước đó của HĐND TP Hà Nội (đó là: Nghị quyết 06 ngày 7/7/2020, Nghị quyết 12 ngày 8/12/2021, Nghị quyết 02 ngày 6/7/2022).
Chị Nguyễn Thị Mai (trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội) vui vẻ chia sẻ: “Gia đình tôi định cư ở Thủ đô tới nay vừa tròn 15 năm. Chưa bao giờ tôi thấy Hà Nội đổi thay nhiều như những năm gần đây, đặc biệt là trong công tác cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử. Nếu như trước đây, để hoàn thiện một TTHC tôi phải chờ đợi tới vài ngày, nhiều khi công việc bị lỡ dở. Nhưng hiện nay, TTHC được cán bộ, chính quyền giải quyết nhanh chóng, chính xác chỉ tính bằng giờ đồng hồ. Đặc biệt, khi biết thông tin Hà Nội đang triển khai, áp dụng 82 DVCTT miễn phí, tôi cũng như nhiều người khác hết sức vui mừng, phấn khởi. Sắp tới vợ chồng tôi đang có dự định xây nhà để an cư lạc nghiệp và thủ tục cấp phép xây dựng được miễn phí nên niềm vui càng nhân đôi”.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Tuấn Anh (chủ một cơ sở kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại gia đình tôi đang kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống, nhìn chung công việc khá thuận lợi. Sắp tới, tôi và một số người bạn có cùng chung chí hướng còn mong muốn lấn sân sang lĩnh vực khách sạn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch khi tới thăm quan Thủ đô. Được biết, cấp mới đăng ký kinh doanh nằm trong số những DVCTT được chính quyền Hà Nội áp dụng miễn phí nên chúng tôi khá phấn khởi. Mong rằng, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục có thêm nhiều chính sách ý nghĩa hơn nữa để tiến tới xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử hiện đại”./.