Hiểu về công nghệ mới để thay đổi vị thế doanh nghiệp
Tuy tên là “Công nghệ thay đổi vị thế cạnh tranh” nhưng sách không đơn thuần chỉ cách tận dụng công nghệ số để gia tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Cuốn sách thực sự là cẩm nang ra quyết định cho nhà lãnh đạo, chuyên gia trong đa dạng lĩnh vực như công nghệ, tài chính, tiếp thị hay thậm chí là tuyển dụng nhân tài.
Là một ấn phẩm mới của Harvard Business Review (HBR), ấn bản này thuộc series “HBR Insights You Need” gồm các bài viết chuyên sâu của giới chuyên gia đề cập những vấn đề sẽ định hình tương lai sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, độc giả hoàn toàn có cơ sở mong chờ những số liệu khách quan và điển hình (case study) thực tế để thu nạp kiến thức và đưa ra quyết định sáng suốt.
Sách gồm 4 phần với 13 bài viết về các chủ đề công nghệ “hot” dành cho cộng đồng DN. Đó là vũ trụ ảo (metaverse), token không thể thay thế (NFT), tương lai tiền số, thương mại không tiếp xúc, thu hút nhân tài công nghệ, điện toán đám mây, ransomware, trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng no-code, tự động hóa kho hàng, thiết kế số, niềm tin số.
Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các công nghệ mới, phân tích vai trò, tác động của chúng đối với DN, cuốn sách trình bày thực trạng và triển vọng kiếm tiền. Các case study được trình bày dưới dạng văn bản cô đọng, bảng biểu, đồ họa dễ hiểu dễ nhớ để bạn đọc có thể dễ dàng vận dụng vào thực tế công việc hằng ngày của bản thân cũng như của toàn bộ tổ chức.
Một điểm mới rất hữu ích là sách có những kiến giải “không đụng hàng”, đi ngược số đông hết sức thuyết phục. Ví dụ, ai cũng sợ ransomware (phần mềm độc hại chuyên đòi tiền chuộc) nhưng thực tế “sự tấn công của ransomware cuối cùng lại có lợi cho người tiêu dùng”.
Vũ trụ ảo
“Các thương hiệu tiến vào vũ trụ ảo như thế nào?”. Câu hỏi lớn này đã được bà Janet Balis, giám đốc điều hành tiếp thị và truyền thông, chuyên gia tư vấn toàn cầu của Ernst & Young ở châu Mỹ, trả lời ngắn gọn mà đủ ý trong 6 trang giấy.
Theo bà Balis, ý tưởng cơ bản về metaverse không hề phức tạp. Vấn đề là các thương hiệu phải luôn sẵn sàng cho việc thử nghiệm và học hỏi, bởi vì bản chất môi trường số rất đòi hỏi trí tò mò.
Tương lai tiền số
Trong khi các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum dao động mạnh về giá trị, stablecoin có khả năng đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của nền tài chính toàn cầu.
Hai tác giả Christian Catalini (người sáng lập Phòng thí nghiệm kinh tế tiền điện tử MIT) và Jai Massari (đối tác trong tập đoàn định chế tài chính Davis Polk & Wardwell LLP) đã dành 3 năm nghiên cứu về vấn đề này, thu thập phản hồi từ các cơ quan quản lý và mang lại những kiến thức đầy đủ về tiền số cho độc giả.
Thương mại không tiếp xúc
Ông Mark Purdy, cố vấn độc lập về kinh tế và công nghệ, cho rằng đại dịch COVID-19 đã cho các nhà bán lẻ một bài học lớn.
Trải nghiệm bán lẻ tốt nhất nên là trải nghiệm đem lại sự đa dạng, phong phú cho các giác quan dù trong thế giới số, như công nghệ nhận dạng cử chỉ (vẫy tay, nháy mắt…), màn hình nếm (truyền vị giác bằng kỹ thuật số), thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt, giọng nói…
Thu hút nhân tài công nghệ
Từ trải nghiệm thực tế lăn lộn trong nghề, 3 tác giả là đối tác, lãnh đạo của Bain & Company (Mỹ) đã chia sẻ những phương pháp mới để “trải thảm đỏ”, giữ chân người tài công nghệ trong một môi trường ngày càng cạnh tranh.
Theo các tác giả, có 3 yếu tố đang trở nên có sức ảnh hưởng lớn tới sự lựa chọn nơi làm việc của các ứng viên tài năng nhất.
Ba yếu tố đó là: cam kết đa dạng và hòa nhập; đội ngũ quản lý cấp cao minh bạch và giàu trách nhiệm; văn hóa đào tạo và phát triển.
Cách nhìn mới và AI
Sau phần I “Những nền tảng mới” với nhiều thông tin thú vị, sách đưa độc giả tới phần II về “Cách nhìn mới về những công nghệ không mới”.
Các tác giả đã đi sâu mổ xẻ hiện trạng, dự báo xu hướng mới, đưa ra khuyến nghị cụ thể cho người đọc, dù là giám đốc điều hành DN, chuyên gia về tài chính, công nghệ, tiếp thị, tuyển dụng nhân sự hoặc đơn thuần là người yêu công nghệ. Ví dụ, Bahaskar Ghosh, giám đốc chiến lược của Accenture , và Karthik Narain, phụ trách hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của Accenture, đã trả lời thấu đáo câu hỏi: “Các nhà lãnh đạo cần biết gì về đám mây?”.
Trong khi đó, GS. Rahul Telang thuộc trường Heinz, đại học Carnegie Mellon, đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích giúp công ty phòng chống các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền cũng như xâm phạm dữ liệu truyền thống.
Tiếp theo, phần III “Trí tuệ nhân tạo với chúng ta” đem đến những cách nhìn thực tế, cách vận dụng hiệu quả liên quan AI. Các tác giả khẳng định AI không quá đắt hay quá phức tạp; và các nền tảng no-code có thể mang AI đến với DN nhỏ và vừa.
Phần cuối cuốn sách mang tên “Hãy tin tưởng” tiếp tục giải đáp những thắc mắc, khuyến nghị giải pháp cho các vấn đề đau đầu của doanh nhân, DN, như lựa chọn thiết kế số sao cho khách hàng phải tự nhiên mỉm cười, áp dụng biện pháp xây dựng, củng cố niềm tin số…