Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, để hạn chế người dân đến nơi đông người, đa số các địa phương đã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại các trung tâm phục vụ hành chính công để chuyển sang thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và tiếp nhận hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tuy nhiên số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4 chưa nhiều, nên thời gian này các dịch vụ bưu chính công ích được xem như "cánh tay" nối dài giúp đưa các dịch vụ công trực tuyến gần hơn với người dân. Tính riêng tháng 3, tháng 4 mặc dù trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội nhưng vẫn có gần 3 triệu hồ sơ được người dân lựa chọn thực hiện qua Bưu điện.
Lĩnh vực hành chính phát sinh nhu cầu nộp hồ sơ và trả kết quả qua Bưu điện nhiều nhất là các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp bản sao bằng tốt nghiệp, bản sao giấy khai sinh, chứng nhận về y dược, thuốc bảo vệ thực vật; đăng ký thành lập DN...
Đặc biệt là 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích đều được phát đến địa chỉ nhận an toàn và chính xác, mọi văn bản, giấy tờ hồ sơ đều được giữ nguyên, không xảy ra tình trạng hư hỏng. Bưu điện cũng không xảy ra trường hợp nào bị mất, thất lạc hoặc phản ánh từ người dân, tổ chức và cơ quan nhà nước về thái độ, chất lượng phục vụ trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Để triển khai thành công việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua mạng lưới bưu chính công ích, việc kết nối mạng thông tin giữa BĐVN và các Bộ, ngành, địa phương là điều quan trọng bậc nhất.
Hiện, BĐVN đã thực hiện liên thông, kết nối dữ liệu thông tin hoàn toàn với 57 tỉnh, 07 Bộ (Bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Kế hoạch đầu tư). Các địa phương và Bộ, ngành còn lại hiện đang thực hiện kết nối để sớm thực hiện liên thông dữ liệu trong thời gian tới. Qua đó, việc liên thông không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức trong việc nộp hồ sơ, nhận kết quả của người dân mà còn giảm áp lực cho các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, giúp cho công chức, viên chức của cơ quan hành chính có thêm thời gian tập trung vào chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, việc liên thông cũng hạn chế được việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ công chức tại bộ phận một cửa với người dân, DN nhằm tránh tình trạng sách nhiễu, gây bức xúc cho người thực hiện các thủ tục hành chính.