Intel có trụ sở tại Santa Clara, California đã cam kết chi 33 tỷ euro cho một số quốc gia châu Âu, một phần trong kế hoạch dành 80 tỷ euro cho khu vực này trong thập kỷ tới. Trong đó, 12 tỷ euro sẽ được chi cho mở rộng địa điểm sản xuất hiện tại ở Ireland và 17 tỷ euro cho việc xây dựng nhà máy ở Magdeburg, Đức để sản xuất chip nhỏ hơn 2 nm, điều mà Intel vẫn chưa đạt được.
Đây là một phần trong nỗ lực của CEO Intel, Pat Gelsinger, nhằm đảo ngược các khoản lỗ bằng cách phát triển công nghệ mới nhất.
Việc CEO Gelsinger đặt trọng tâm vào châu Âu diễn ra vào thời điểm mà Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai các khoản đầu tư đáng kể, nhằm giành lại một phần thị phần chip sau khi sụp đổ trong những thập kỷ gần đây. Trong những năm 1990, EU chiếm gần 20% sản lượng wafer silicon của thế giới, theo số liệu do Brussels trích dẫn. Bây giờ, con số này đã giảm xuống khoảng 10%.
EU hiện đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là tạo ra 20% nguồn cung chip trên thế giới vào năm 2030 - tăng gấp 4 lần sản lượng của khối này. Tháng trước, EU đã công bố kế hoạch giải phóng nguồn vốn công cho việc sản xuất chip được coi là "lần đầu tiên" ở châu Âu, và gần đây đã tiết lộ kế hoạch rót ngân sách 45 tỷ euro và vốn tư nhân cho dự án này.
Ủy viên thị trường Nội khối của EU, Thierry Breton cho biết ông hoan nghênh thông báo của Intel, gọi đây là một "dự án châu Âu thực sự" tạo ra hàng nghìn việc làm và "xác nhận rằng châu Âu là một nơi hấp dẫn để đầu tư".
Breton cho biết: "Châu Âu sẽ đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ chuỗi giá trị chip, bao gồm cả thị trường đang phát triển nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến dưới chip 2nm được sản xuất ở châu Âu".
Mở rộng đầu tư vào sản xuất chip tại châu Âu
Đức: Quá trình xây dựng tại nhà máy tại Đức sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm tới, với việc đi vào sản xuất trực tuyến vào năm 2027. Cơ sở này sẽ được Intel gọi là "Silicon Junction" vì có đóng vai trò là trung tâm khu vực, sẽ tạo ra 3.000 công việc công nghệ cùng với 7.000 công việc liên quan đến xây dựng.
Ireland: Intel sẽ chi thêm 12 tỷ euro để mở rộng cơ sở của mình ở Leixlip, tăng gấp đôi không gian sản xuất ở đó và nâng tổng vốn đầu tư vào quốc gia này lên 30 tỷ euro.
Italia: Intel đang đàm phán để phát triển một cơ sở sản xuất phụ trợ tại nước này, có khả năng liên quan đến khoản đầu tư lên tới 4,5 tỷ euro với 1.500 việc làm của Intel cùng với 3.500 việc làm tại các nhà cung cấp và đối tác.
Pháp: Đây là cơ sở châu Âu của Intel về máy tính hiệu suất cao và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời sẽ tạo ra 1.000 việc làm công nghệ cao mới.
Ba Lan: Intel cũng sẽ mở rộng không gian phòng thí nghiệm ở Gdansk thêm 50% và sẽ tập trung vào các lĩnh vực bao gồm các mạng nơ-ron sâu (deep neural network).
Tầm nhìn của CEO Intel trong tương lai là phát triển một công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn cho các công ty khác, thậm chí là đối thủ, với công nghệ sản xuất tốt nhất.
Bằng những cam kết với châu Âu và Đức, Intel có thể tăng tốc độ thu hút các khách hàng mới.
Tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới đặc biệt ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô vốn ngày càng phụ thuộc vào các linh kiện điện tử, và các nhà máy địa phương và nguồn cung đảm bảo có thể giành được một phần của thị trường đang phát triển đó.
CEO Gelsinger cho biết: "Ngày nay 80% chip được sản xuất ở châu Á. Khoản đầu tư vào châu Âu của chúng tôi giải quyết nhu cầu toàn cầu về một chuỗi cung ứng cân bằng và linh hoạt hơn. Chúng tôi đang có kế hoạch mang công nghệ tiên tiến nhất đến châu Âu và giúp EU tạo ra một hệ sinh thái chip châu Âu thế hệ tiếp theo".
Nhà máy chip đầu tiên của Intel được đặt tại Magdeburg, nằm ở phía đông Đông Đức cũ, nơi có giá bất động sản hợp lý và dễ dàng tiếp cận hai thành phố lớn nhất của Đức là Hamburg và Berlin cũng như các địa điểm sản xuất ô tô lớn. Nhưng đó không phải là điểm bán hàng duy nhất.
Tại sao Intel đến Đức đầu tiên? Theo lý giải, Magdeburg có nguồn nhân lực và quản trị tốt. Magdeburg cũng có quy mô lô đất phù hợp vì đây là một khoản đầu tư khổng lồ và có những ưu đãi tài chính quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn để có thể thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Tất cả những yếu tố đó đã kết hợp lại với nhau.
Quy mô của thị trường châu Âu là một điểm tích cực lớn khác đối với Intel trong việc đầu tư vào các quy mô lớn ở trung tâm châu Âu.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Mỹ ước tính doanh số bán dẫn toàn cầu vào năm 2021 vào khoảng 556 tỷ USD, và Hiệp hội công nghiệp bán dẫn châu Âu cho biết châu Âu chiếm khoảng 48 tỷ USD trong số đó. Ngành công nghiệp toàn cầu tăng trưởng 25% so với năm 2020. Tổ chức Thống kê Thương mại chất bán dẫn thế giới dự đoán ngành công nghiệp này sẽ mở rộng thêm 8,8% trong năm nay./.