Make in Vietnam

Khó khăn và cơ hội của Việt Nam trong phát triển công nghiệp công nghệ số

NK 12:31 15/06/2023

Theo đại diện VNPT-IT, “Make in Viet Nam” đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ mới. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần đưa ra những chính sách ưu đãi và kiểm soát chất lượng cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam.

6 nguyên nhân thúc đẩy công nghiệp công nghệ số trên toàn cầu

Chia sẻ với chủ đề “Góc nhìn từ doanh nghiệp (DN) và đề xuất chính sách phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam” tại phiên chuyên đề trong  khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 ngày 14/6, bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số (CĐS), Công ty CNTT VNPT- IT cho biết, hiện tại vẫn chưa có một khái niệm cụ thể thống nhất về công nghệ số và công nghiệp công nghệ số. 

nqh07936-copy.jpg
Bà Phan Thị Thanh Ngọc: Để phát triển công nghiệp công nghệ số nhanh và bền vững, DN VIệt cần lấy chất lượng, thương hiệu sản phẩm dịch vụ Make in Viet Nam là nền tảng.

Nhưng với quan điểm của VNPT, theo bà Ngọc, công nghệ số là CNTT có sự bổ sung, tích hợp thêm các công nghệ mới bao gồm nhưng không giới hạn như AI, blockchain, IoT, kết nối mạng băng rộng (5G)… Với công nghiệp công nghệ số, VNPT cho rằng đây là ngành kinh tế sáng tạo, thiết kế, phát triển, chế tạo, sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.

Khi đó các sản phẩm Việt Nam sẽ không đơn thuần là may đo, lắp ráp một cách thụ động theo các đơn đặt hàng mà phải mang đậm trí tuệ Việt, đậm dấu ấn Make in Viet Nam”, bà Ngọc bày tỏ.

Mặc dù chưa có định nghĩa rõ ràng nhưng các quốc gia trên thế giới đều khẳng định, nếu như công nghiệp công nghệ số sẽ là trụ cột của nền kinh tế số thì công nghệ số được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững ở nhiều quốc gia giai đoạn từ nay đến 2030 - giai đoạn thế giới tiếp tục chịu sự chi phối của CĐS.

Theo bà Ngọc, điều này được thể hiện một cách rõ nét khi mà theo báo cáo của tổ chức The Global Market Model được công bố ngày 11/05/2023, giá trị thị trường năm 2022 đạt 7989,7 tỷ USD, trong đó dịch vụ CNTT chiếm 40,5%, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến (CAGR) trong giai đoạn 2022 - 2032 đạt 8,4%. Với Việt Nam, năm 2022, công nghiệp công nghệ số là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với 2021, xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD.

Trong đó, bà Ngọc cho rằng, có 6 nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng này, bao gồm: Mức độ phổ biến ngày càng tăng của công nghệ IoT; Sự thâm nhập mạnh mẽ của thương mại điện tử; Ưu tiên tập trung đầu tư thành phố thông minh của Chính phủ; Tăng cường sử dụng các công nghệ 4.0 như AI, blockchain… trong các ngành công nghiệp; Chú trọng đầu tư vào các giải pháp ATTT, bảo mật dữ liệu; Sự xuất hiện của mạng 5G và những tác động của nó.

Chưa chú trọng phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm Make in Viet Nam

Từ đó, Giám đốc tư vấn CĐS của VNPT-IT đã đưa ra những cơ hội và khó khăn của Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp công nghệ số. Cụ thể, đối với các cơ hội của Việt Nam trong lĩnh vực này đến từ: Quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Chính phủ; Bản sắc “Make in Viet Nam” trong thúc đẩy công nghệ mới; Cơ hội hợp tác công nghệ cho DN Việt trong cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc; Tiềm năng bùng nổ thị trường ứng dụng công nghệ số nội địa; Xu thể chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang công nghệ số; Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; Dân số trẻ và có trình độ thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới năng động của Việt Nam.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đứng trước rất nhiều thách thức đến từ sự cạnh tranh của các DN công nghệ số trong khu vực ASEAN, mất cân đối sản xuất do phụ thuộc vào thị trường quốc tế và nguy cơ bị thâu tóm khi phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, dù dữ liệu là chìa khoá quan trọng trong CĐS nhưng Việt Nam đang gặp những những hạn chế về khả năng khai phá tài nguyên dữ liệu, chưa làm chủ hoàn toàn các công nghệ khai thác dữ liệu. “Thách thức tiếp theo đến từ việc bị mất lợi thế về nhân công giá rẻ do chảy máu chất xám”, bà Ngọc cho biết thêm.

Còn với mỗi DN Việt khi tham gia vào ngành công nghiệp công nghệ số thì cũng đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Bà Ngọc nhận định, các điểm mạnh của DN Việt đến từ việc có một cộng đồng trên 70.000 đơn vị hoạt động, trong đó hình thành được một số công ty đầu tàu tiên phong và có chiến lược phát triển 4.0.

Tiếp theo, nhờ việc đi sau đón đầu và hạ tầng viễn thông phủ rộng nên dễ dàng chuyển đổi từ một đơn vị gia công thuần tuý sang DN công nghệ số; Lực lượng gia công phần mềm xếp hạng cao trên thế giới; Có khả năng phản ứng nhanh, mạnh mẽ trước thay đổi trên thế giới.

Tuy nhiên, các DN Việt cũng có không ít các điểm yếu cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là: Giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ công nghệ số ở mức thấp; Năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ mới còn hạn chế; Chưa chú trọng phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm dịch vụ; Thiếu định hướng công nghệ và hệ sinh thái; Thiếu tài nguyên dữ liệu chất lượng và nền tảng chia sẻ, khai thác dữ liệu hiệu quả; Đầu tư phát triển hỗ trợ công nghiệp công nghệ số chưa được quan tâm đúng mức.

Qua đó, để phát triển công nghiệp công nghệ số nhanh và bền vững, bà Ngọc cho rằng cần kết hợp tự cường và hợp tác quốc tế, kết hợp giữa nhà nước mạnh cùng thị trường mạnh cũng như cần lấy DN công nghệ số là trung tâm, với chất lượng, thương hiệu sản phẩm dịch vụ Make in Viet Nam là nền tảng, nhân lực tài năng là then chốt.

VNPT tự xác định các nhiệm vụ thể hiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số của một tập đoàn công nghệ lớn như: Làm chủ các công nghệ nền tảng, kết nối; Xây dựng các nền tảng dẫn dắt startup, tạo cộng đồng; Phát triển các sản phẩm trọng điểm quốc gia; Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…”, bà Ngọc bày tỏ.

Cuối cùng, đại diện VNPT-IT đã đưa ra một số đề xuất chính sách từ góc nhìn của DN. Đầu tiên là những chính sách ưu đãi cho DN công nghệ số Make in Viet Nam để có thể thu hút đầu tư vào công ty Việt Nam, hỗ trợ bảo vệ và đưa ra các ưu đãi đặc thù về thuế, vay vốn…

Tiếp theo, cần đưa ra các chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam có thể kể đến: Ban hành tiêu chí thống nhất tiêu chuẩn cho các nền tảng CĐS quốc gia và chính sách ưu tiên sử dụng trong mua sắm; Xây dựng ban hành nguyên tắc, tiêu chí xác định các nền tảng số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài; Chính sách, quy định cho việc xây dựng, vận hành và duy trì cơ sở dữ liệu về chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số, trong đó cho phép kênh đánh giá trực tiếp của người dùng cuối.

Ngoài ra, theo VNPT-IT, cần xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu sử dụng ở trong nước và quốc tế, các chính sách thu hút vốn đầu tư FDI dành cho công nghiệp công nghệ số, ưu tiên hạ tầng số, dịch vụ số, nội dung số.

Đề xuất thứ 5 liên quan đến chính sách đào tạo, phát trển nguồn nhân lực công nghệ số thông qua: Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập dựa trên công nghệ số; Thu hút nhân tài công nghệ số trong và ngoài nước; Hình thành các trung tâm sáng tạo, vườm ươm cho sinh viên, startup có sự tham gia của DN, tập đoàn công nghệ; Đào tạo nghề, kỹ năng và nâng cao năng suất cho người lao động tại DN công nghệ số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn và cơ hội của Việt Nam trong phát triển công nghiệp công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO