Không bảo vệ được bản quyền - không thể đổi mới sáng tạo

Hà Vân - Báo Nhà báo và Công luận| 17/06/2021 11:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Đổi mới sáng tạo trong báo chí phải song hành với việc bảo vệ được bản quyền tác phẩm báo chí thì mới đem lại được hiệu quả và sự phát triển lành mạnh, công bằng trong môi trường báo chí truyền thông hiện đại và công cuộc chuyển đổi số hiện nay.

Không bảo vệ được bản quyền – không thể đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Đổi mới sáng tạo trong báo chí phải song hành với việc bảo vệ được bản quyền tác phẩm báo chí. Ảnh minh hoạ

Vấn đề bản quyền rất quan trọng trong đổi mới sáng tạo báo chí, vì nếu không coi trọng bản quyền, không bảo vệ được bản quyền thì các cơ quan báo chí không dám đổi mới sáng tạo, không muốn đổi mới sáng tạo và không thể đổi mới sáng tạo... Việc đầu tư công sức, tài lực, vật lực cho một sản phẩm báo chí nhưng khi vừa mới xuất bản đã bị đánh cắp bản quyền một cách công khai thì mọi nỗ lực của đổi mới sẽ như "dã tràng xe cát biển Đông". 

Khi câu chuyện "ăn cắp" bản quyền vẫn còn nan giải...

Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số hóa, Internet, truyền thông số, mạng xã hội phát triển bùng nổ đã có tác động trực tiếp tới phương thức làm báo, tiếp cận thông tin và đạo đức nghề nghiệp. Chưa bao giờ việc truyền phát thông tin, tiếp nhận thông tin lại nhanh chóng và dễ dàng như hiện nay. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một tài khoản mạng xã hội bất cứ ai cũng trở thành người truyền phát thông tin, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi, từng giây, từng phút không giới hạn. Nhưng cũng chưa bao giờ sự bất cập về nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí lại trở nên nóng và có ảnh hưởng nghiêm trọng như bây giờ. Đây cũng được coi là cái gai nhức nhối trong lòng các lãnh đạo báo chí, những người làm báo có trách nhiệm.

Nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí và trang thông tin điện tử, giữa báo chí và các không gian mạng xuyên quốc gia…là những vi phạm điển hình nhất. Trong hiều năm qua, các trang thông tin điện tử tổng hợp nở rộ, hoạt động bát nháo. Nhiều trang thường xuyên lấy tin bài của các cơ quan báo chí chính thống, cắt xén, chỉnh sửa, rồi khai thác quảng cáo ồ ạt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến các cơ quan báo chí chính thống. Thêm vào đó, tình trạng xào bài lẫn nhau giữa các báo cũng thành chuyện, thay tít, đổi tên tác giả, cắt ghép câu đoạn, chỉnh trang như thể đã đến, đã đi, đã gặp...tạo ra không ít "nhà báo sa lông", xào tin bài từ báo bạn thành chuyên nghiệp, thậm chí ngày làm cả chục bài. 

Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn bởi ngoài cả ngàn trang thông tin điện tử còn có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn website, kênh YouTube, Facebook fanpage, tài khoản Instagram, Zalo, v.v… ngày ngày tự sản xuất tin tức với đủ thể loại, vừa tổng hợp, vừa cắt dán trái phép, và rất nhiều trang lấy cắp nội dung nhưng lại tạo ra những bản tin giả mạo, sai sự thật, khiến tin giả tràn lan. Rõ ràng, so với việc phải đầu tư chi phí đào tạo, nuôi dưỡng nguồn nhân lực và hàng loạt chi phí vận hành khác của các cơ quan báo chí, việc được lan tỏa thêm thông tin thông qua mạng xã hội không mang lại lợi ích tương xứng. 

Đúng như Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân phân tích, thông qua việc sử dụng thông tin từ các cơ quan báo chí, uy tín của các mạng xã hội tăng lên, nguồn lợi kiếm được từ quảng cáo cực lớn. Ước tính thị trường quảng cáo trên mạng xã hội ở Việt Nam trong năm qua lên đến hơn 1 tỷ đô la, về lâu dài con số này còn phát triển hơn nữa. Trong khi thị phần của các cơ quan báo chí chính thống càng ngày càng bị thu hẹp thì các không gian xuyên quốc gia này càng ngày càng mở rộng thị phần, từng bước chiếm lĩnh các nguồn lực quảng cáo. "Nói một cách thẳng thắn là họ làm giàu trên mồ hôi, công sức của những người làm báo chân chính" – TBT Tô Đình Tuân trăn trở. 

Rõ ràng là vấn nạn vi phạm bản quyền đã dẫn đến những hệ lụy, nghiêm trọng và lâu dài hơn, chính là cả bức tranh báo chí nước nhà sẽ ngày càng đơn điệu, dần mất đi sự khác biệt, tính phát hiện và sự phản biện. Thậm chí có lãnh đạo một tờ báo điện tử còn bức xúc chia sẻ rằng: Cũng như các lĩnh vực khác, đứa con tinh thần của nhà báo sinh ra mà không được bảo vệ, bị dễ dàng đánh cắp, mà tệ hơn chủ sở hữu không biết tìm ai để đòi lại công bằng, sẽ là nỗi đau, nỗi thất vọng lớn không chỉ với mỗi nhà báo mà với tất cả các cơ quan báo chí. Nỗi thất vọng ấy nếu cứ mãi quẩn quanh dần sẽ trở thành chiếc "cành cong" cứ treo mãi trong lòng người làm báo. 

Đổi mới sáng tạo vẫn là lựa chọn sống còn

Trong bối cảnh nhiều sức ép, các cơ quan báo chí vẫn phải căng mình làm nhiệm vụ kép, vừa tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, vừa phải đảm bảo tài chính, giải bài toán phát triển nguồn thu. Đặc biệt trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội và nhiều nền tảng khác, câu chuyện "buộc mình phải đổi mới" vẫn luôn là lựa chọn tối ưu. Sự đổi mới sáng tạo trong báo chí có rất nhiều mặt, trên tất cả các "mặt trận". Đó có thể là nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tái cơ cấu lại sản phẩm, tìm đối tác công nghệ để hỗ trợ, thay đổi cách quản trị tòa soạn để tối ưu nguồn lực...

Có thể thấy rằng, cách mạng công nghệ làm xuất hiện các dòng sản phẩm hàng hóa và thay đổi cả tiêu chí về sáng tạo nội dung báo chí, làm biến đổi giá trị nội dung báo chí đối với nhà quảng cáo. Những bài bình luận nghiêm túc nhưng dài dòng nay thiếu sức hút công chúng, thay vào đó là thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, chẳng hạn như các siêu tác phẩm số (megastories), các clip dạng live-stream trên mạng xã hội, hay các bản rap-news (bản tin rap)… 

Phó Tổng Biên tập báo Giao thông Nguyễn Nga khẳng định: Rõ ràng, kỷ nguyên của báo giấy đã kết thúc và báo chí Việt Nam phải bước vào một cuộc chơi mới, dù chậm hơn báo chí nước ngoài nhưng nó còn nguyên các thách thức cần giải quyết. Trong bối cảnh công nghệ số thay đổi chóng mặt, thuật toán tìm kiếm của Google thay đổi theo tháng, còn các chức năng của Facebook và mạng xã hội thay đổi hàng ngày, báo chí không thể thụ động đứng bên lề. Nếu không đủ nguồn lực để trở thành người dẫn đầu trong cuộc chơi công nghệ, thì chí ít ta cũng phải thích ứng được với nó ở mức độ nào đó. Thích ứng bằng sự đổi mới về công nghệ và nội dung. Khẳng định sự hiện diện của mình trong dòng thác tin tức mạng bằng chính sứ mệnh của báo chí. Đó là đưa tin sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ chính nghĩa, xây dựng niềm tin. 

Có thể nói, đổi mới sáng tạo là lựa chọn "sống còn" đối với hành trình phát triển của các cơ quan báo chí. Có nhiều cách đi, trong bối cảnh vấn nạn về bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng nhức nhối cùng với bài toán kinh tế báo chí không ít thách thức, thì con đường tìm sự khác biệt là cần kíp hơn bao giờ hết. Như tinh thần mà Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh rằng: "Với hàng ngàn tờ báo, tạp chí, trang tin thì không một tờ báo nào có thể phủ hết cả thị trường. Mỗi tờ báo phải chọn một phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. 

Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo". Sự khác biệt ấy cũng chính là một phần của đổi mới sáng tạo Ở góc độ hẹp hơn về nội dung thông tin, tạo ra những sản phẩm chất lượng, độc đáo, khác biệt hướng đến mục tiêu thu phí đang là một xu hướng. Bởi ngoài những thông tin đều đều, na ná mang tính phổ thông, đại trà rất dễ bị "ăn cắp", bị sử dụng như của công thì những sản phẩm mang tính "đặc sản", giàu sức sáng tạo, đậm giá trị của sức lao động, công phu... cũng vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng.

Do đó, các tờ báo đều phải trăn trở tìm ra những nội dung, sản phẩm khác biệt để thu hút độc giả và tạo nên uy tín, thương hiệu cho tờ báo. Người làm báo đều biết, một tờ báo lớn và uy tín không thể không có những chuyên mục và sản phẩm xuất sắc, có tiếng vang, đầy chất lượng và đầy đẳng cấp. Nếu không có những sản phẩm có giá trị mang tính "định vị" ấy, một tờ báo sẽ trở nên nhạt nhòa, không có sự thu hút và uy tín... 

Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet Phạm Anh Tuấn khẳng định: Khi đã chắc chắn không đảo ngược được xu thế thì quan điểm của tôi là đi theo xu thế càng nhanh càng tốt. Muốn người đọc trả tiền để đọc báo thì nội dung phải là thứ không thể thiếu của họ, do vậy muốn triển khai báo chí thu phí thì không đơn giản là áp công cụ thu tiền vào tờ báo sẵn có mà phải có chiến lược đầu tư, sản xuất nội dung đáng đồng tiền bát gạo độc giả bỏ ra. Không dám nói trước là thành công hay không nhưng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ làm và sẽ bắt đầu sớm. Gần đây, báo điện tử Vietnamnet đã cho ra đời một chuyên mục mới mang tên VietNamNet Premium rất có thể sẽ là bước triển khai đầu tiên cho lộ trình này...

Bảo vệ được bản quyền để cải tiến, sáng tạo những giá trị mới

Vậy thách thức nằm ở đâu trong câu chuyện giữa vấn đề bản quyền và đổi mới sáng tạo? Là ở chỗ, khi các cơ quan báo chí đặt ra cho mình mục tiêu đổi mới để tìm sự khác biệt, họ đứng trước rất nhiều các câu hỏi: trong bối cảnh mà việc vi phạm bản quyền vẫn còn đầy phức tạp, tình trạng báo hóa tạp chí, báo hóa mạng xã hội, thông tin trên các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử na ná giống nhau... thì sự đầu tư, sự nỗ lực tâm huyết cho những tác phẩm báo chí chất lượng liệu có nên không? Và rằng, với những nỗ lực muốn bứt phá về nội dung, những rào cản và tự trọng nghề nghiệp có thể giúp họ bước tiếp, bước dài và kiên định tới mục tiêu cuối cùng là cán đích trong bài toán thu phí và khẳng định mình hay không?...

Đã có lãnh đạo báo chí phải thốt lên rằng: Các tờ báo Việt Nam, trong đó có tòa soạn chúng tôi đang tiến tới thu tiền đọc báo từ độc giả. Chúng tôi sẽ không thể buộc độc giả trả tiền để đọc báo nếu họ có thể đọc miễn phí toàn bộ nội dung tin bài của chúng tôi trên các trang ăn cắp. Nếu không có một giải pháp hiệu quả cho vấn đề bản quyền thì các tờ báo chân chính, bỏ tiền của nhân lực để mang tin tức đến cho bạn đọc sẽ mất lợi thế cạnh tranh, trong khi những cá nhân và tổ chức không tôn trọng bản quyền, sống trên lưng nhà báo chân chính lại được hưởng lợi". Có quá nhiều những điều thật sự khó có lời giải trong ngày một ngày hai nhưng nếu không bước đi, không đánh đổi...thì rất khó để tồn tại, trưởng thành và phát triển. 

Không bảo vệ được bản quyền - không thể đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

Anhr minh họa

Mấy năm nay, các cuộc hội thảo, tọa đàm, các cuộc họp về vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí cũng khá mạnh mẽ nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Nhưng câu chuyện tháo gỡ vẫn còn chưa thật rốt ráo, chưa đồng bộ. Trong góc độ này, vấn đề bảo vệ bản quyền chính là để bảo vệ những giá trị mới... Và đây phải được coi là một mục tiêu quan trọng của các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay. Như nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân từng nhấn mạnh: "Dứt khoát phải siết chặt vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí trước thì mới có thể đẩy mạnh chiến lược kinh doanh nội dung, các tòa soạn và các nhà báo mới dám đầu tư nguồn lực để có những sản phẩm báo chí chất lượng hơn nữa, từ đó mới mong tạo nguồn thu để tái đầu tư cho nội dung".

Trên thực tế, Cục Báo chí, Cục PTTH& TTĐT cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn xung quanh vấn đề này. Sắp tới báo Nhà báo & Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam) cũng sẽ tổ chức Diễn đàn "Liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí: Chuyện không thể chần chừ"...sẽ quy tụ các nhà quản lý báo chí, các Tổng Biên tập trong cả nước bàn thảo và đưa ra những giải pháp quan trọng, hướng đến việc liên minh, liên hết các cơ quan báo chí, kỳ vọng thành lập một Liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trong tương lai.

Có thể khẳng định rằng, vấn đề bản quyền vô cùng quan trọng trong đổi mới sáng tạo của báo chí. Nếu không quyết liệt tìm giải pháp bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí sẽ không thể đầu tư, nỗ lực tối ưu sức mạnh, và chắc chắn sẽ khó giữ được niềm tin nơi công chúng. "Một bài báo là một tác phẩm do lao động của nhà báo, của cơ quan báo chí tạo ra, tốn nhiều chi phí. Bất kỳ ai dùng cũng phải trả bản quyền. Nếu không làm tốt việc này, báo chí sẽ không sống được, sẽ không có các bài báo hay" - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2018 đã nhấn mạnh như vậy./.

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Bài liên quan
  • Những đổi mới công nghệ sẽ thay đổi ngành y vào năm 2025
    Ngành chăm sóc sức khỏe đã có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đem lại vô số cơ hội mới, trong khi các yếu tố nhân khẩu học và xã hội lại đặt ra những thách thức không nhỏ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Không bảo vệ được bản quyền - không thể đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO