Kinh doanh dịch vụ Viễn thông - CNTT: Hướng đến thị trường dịch vụ chuyển đổi số

03/05/2021 09:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp (DN) viễn thông chủ đạo (Viettel, VNPT, MobiFone) đạt khoảng 457.300 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông đạt hơn 130.000 tỷ đồng.

Ngành Viễn thông tiếp tục đối mặt với những thách thức khi mà các loại hình dịch vụ truyền thống (thoại và SMS) đang ở trạng thái bão hoà và phải cạnh tranh gay gắt với các dịch vụ OTT trong khi đó doanh thu dữ liệu chỉ đạt 23,4% tổng doanh thu (trung bình thế giới đạt trên 43%). Bên cạnh đó, số thuê bao băng rộng di động chỉ đạt 61,41% (xếp hạng khoảng 90 thế giới, thứ 9 khu vực, thấp hơn trung bình thế giới là 69,3%). Chỉ số HHI (phản ánh mức độ tập trung) của thị trường viễn thông di động tại Việt Nam vẫn ở mức độ cao thể hiện mức độ cạnh tranh thấp và càng gần với độc quyền. Các DNVT đang phải tích cực tìm hướng đi mới nhằm duy trì doanh thu và tốc độ tăng trưởng trong khi vẫn đang phải tích cực đầu tư hạ tầng nhằm triển khai mạng 5G; Mobile Money, đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số nhằm xây dựng Quốc gia số.

Hiện trạng kinh doanh dịch vụ VT-CNTT

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 5 năm qua (2016-2020), ngành viễn thông Việt Nam cũng tăng tốc ngoạn mục. Sóng di động đã phủ tới 99,8% dân số. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động tăng mạnh. Tỷ lệ ứng dụng địa chỉ Internet thế hệ thứ 6 (IPv6) trên Internet Việt Nam đứngthứ2khuvựcASEAN,thứ4châuÁvàthứ10 toàn cầu.

Các doanh nghiệp viễn thông đã đóng góp ngân sách Nhà nước trung bình trên 40.000 tỷ đồng/năm. Thứ hạng viễn thông Việt Nam tăng 31 hạng, từ 108 năm 2018 lên 77 năm 2020. 5G phát triển thần tốc là câu chuyện ấn tượng nhất của ngành viễn thông Việt Nam trong năm qua. Từ cuộc phát sóng thử nghiệm trạm BTS tháng 4/2019, đến tháng 12/2020, 5G đã được thử nghiệm thương mại hoá dịch vụ đưa Việt Nam đã thuộc nhóm dẫn đầu cuộc đua 5G trên thế giới.

Tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam năm 2019 đạt 470.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 134.000 tỷ đồng (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018), chiếm 28,53% doanh thu toàn ngành. Số lượng thuê bao điện thoại di động đạt hơn 125,8 triệu thuê bao (giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó băng rộng di động (3G, 4G) đạt

61,3 triệu thuê bao chiếm 48,7 % tổng số thuê bao di động (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018), băng rộng cố định đạt 13,58 triệu thuê bao (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018). Tốc độ băng rộng di động tải xuống thống kê đến quý 4/2019 là 29,08 Mbps, tiệm cận với tốc độ trung bình của thế giới (30,93 Mbps).

Bên cạnh đó, mạng di động (2G/3G/4G) phủ sóng tới 99,6% dân số, tỷ lệ triển khai cáp quang đạt 99,46% dân số. Năm 2019, chỉ số HHI phản ánh mức độ tập trung của thị trường viễn thông di động tại Việt Nam vẫn ở mức độ cao (3.709,95) tăng 153 đơn vị so với năm 2018. Chỉ số HHI cao thể hiện mức độ cạnh tranh thấp và càng gần với độc quyền. Tổng thị phần doanh thu của 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam (Viettel, VinaPhone và MobiFone) năm 2019 là 96,2%, tăng 1% so với năm 2018 và tiếp tục duy trì ở mức độ cao trong nhiều năm vừa qua. 

Kinh doanh dịch vụ Viễn thông - CNTT:  Hướng đến thị trường dịch vụ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Bảng 1. Doanh thu dịch vụ viễn thông và tổng số thuê bao điện thoại (2015 - 2019)

Kinh doanh dịch vụ Viễn thông - CNTT:  Hướng đến thị trường dịch vụ chuyển đổi số - Ảnh 2.

Bảng 2: Thống kê thị trường viễn thông (tháng 2/2021) (Nguồn: Cục Viễn thông vnta.gov.vn/Trang/dulieuthongke.aspx#)

Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp viễn thông chủ đạo (Viettel, VNPT, MobiFone) đạt khoảng 457.300 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông đạt hơn 130.000 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

Tập đoàn VNPT: tổng doanh thu toàn VNPT đạt 162.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu của công ty mẹ đạt 43.200 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch (nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng thì VNPT hoàn thành kế hoạch doanh thu). Lợi nhuận của VNPT đạt 7.100 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.100 tỷ đồng bằng 102,2% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5.200 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%... Năm 2020, VNPT tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu. Theo công bố của Brand Finance tháng 12/2020, với giá trị 2,4 tỷ USD, thương hiệu VNPT từ vị trí 72 năm 2019 đã tăng lên vị trí 55 với tốc độ 42% và giữ vị trí top 2 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Một số gói cước Combo (Internet+ TH+ di động) của VNPT đã tạo bước đột phá có tính dẫn dắt thị trường bởi giá cả cạnh tranh cũng như mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng VNPT.

MobiFone: Năm 2020, Mobifone đã bị COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng doanh thu ước đạt gần 30.500 tỷ đồng, giảm khoảng 7,2% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ Mobifone giảm hơn 20% khi ước chỉ đạt 4.600 tỷ đồng. Tính chung giai đoạn 5 năm 2016 – 2020, công ty mẹ Mobifone có doanh thu hơn 175.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 27.303 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 26.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Viettel: Tổng doanh thu năm 2020 của Viettel đạt hơn 264.100 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với 2019, đạt 102,4% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 39.800 tỷ đồng, tăng 4,1%, đạt 103,9% kế hoạch năm. Dòng tiền chuyển về nước năm 2020 từ các thị trường nước ngoài cao nhất từ trước tới nay (đạt tương đương 333 triệu USD); đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước sở hữu công nghệ 5G. Năm 2020, Viettel ghi dấu giá trị thương hiệu đứng số1 Đông Nam Á, thứ 9 châu Á với định giá 5,8 tỷ USD. Theo đánh giá của Brand Finance, Viettel là nhà mạng có chỉ số sức mạnh thương hiệu tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Đáng chú ý trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu top 150 nhà mạng viễn thông thế giới (Brand Finance Telecoms 150 2020) công bố tháng 4/ 2020, Viettel đứng thứ 28 (tăng 9 bậc từ thứ hạng 37 năm 2019). Trong Bảng xếp hạng VNR500 của Việt Nam, Viettel xếp hạng 4 trong nhóm 500 DN lớn nhất Việt Nam.

Những thách thức đối với sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam

1. Sự suy giảm dịch vụ viễn thông cơ bản (thoại, SMS)

Theo số liệu của Bộ TT&TT và các DNVT, năm 2020 là năm thứ 4 liên tiếp ghi nhận chiều hướng giảm mạnh của dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, SMS. Đánh giá của Cục Viễn thông cho thấy trong cơ cấu doanh thu dịch vụ di động tại thị trường Việt Nam, doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn chiếm 76,6%, còn doanh thu từ data chỉ đạt 23,4%. Trong khi đó, xu hướng chung trên toàn cầu và sự phát triển của công nghệ cho thấy, các dịch vụ thoại và tin nhắn ngày càng giảm để nhường chỗ cho nguồn thu từ dịch vụ data. Doanh thu data trung bình của các nhà mạng trên thế giới là hơn 43%, cao hơn nhiều so với Việt Nam hiện nay. Thoại và tin nhắn sẽ ngày càng giảm trong khi nguồn thu từ data chưa thể bù đắp, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các nhà mạng. Tuy nhiên, cước dịch vụ data giảm đã góp phần thúc đẩy người dân sử dụng Internet băng rộng nhiều hơn. Do phải duy trì vận hành, khai thác cùng một lúc các công nghệ (các nhà mạng đang duy trì 3 công nghệ: 2G, 3G, 4G), đang triển khai thí điểm 5G dẫn đến tài nguyên tần số vô tuyến điện bị chia nhỏ, hiệu quả khai thác tài nguyên giảm, doanh nghiệp tốn kém chi phí vận hành, từ đó khó tập trung được nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động thế hệ mới.

Thống kê tại VNPT cho thấy trong khi lưu lượng dịch vụ data đã có mức độ tăng trưởng gần 3 lần thì doanh thu data chỉ tăng trưởng 18,6%, (mục tiêu đặt ra là 30%). Nguyên nhân của tình trạng này là do việc cạnh tranh quá đà, giảm giá quá sâu giữa các DNVT, dẫn đến khách hàng tăng nhưng doanh thu tăng rất thấp và không tương xứng. Bên cạnh đó, các dịch vụ giá trị gia tăng (dịch vụ thanh toán về sim, icon...) đã có sự suy giảm rất lớn trong khi các dịch vụ số do mới bắt đầu kinh doanh nên doanh số tăng trưởng vẫn chưa đủ bù lại mức suy giảm của dịch vụ truyền thống. Đánh giá của VNPT cho thấy xu thế giảm doanh thu DVVT truyền thống của Việt Nam (thoại,

SMS) nhanh hơn so với xu thế của thế giới và rơi vào trạng thái không thể tăng trưởng. Mức suy giảm trên là hệ quả của một loạt yếu tố, gồm bối cảnh thuê bao trong nước bão hòa, giá cước liên tục giảm để cạnh tranh giữa các nhà mạng, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ điện thoại cố định tiếp tục trên xu hướng giảm, sự phổ biến của dịch vụ gọi điện, nhắn tin, cung cấp nội dung trên OTT.

Theo thống kê tính đến tháng 2/2021, các DNVT đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các ứng dụng OTT có tính năng gọi điện (cả VIDEO call), nhắn tin miễn phí phổ biến ở Việt Nam như ZALO (hơn 100 triệu lượt tải, chủ yếu là từ Việt Nam), Facebook (hơn 5 tỷ lượt tải) có khoảng 64 triệu người dùng tại Việt Nam (đứng thứ 7 trên thế giới, đứng thứ 4 châu Á), Skype (hơn 1 tỷ lượt tải), Whatsapp (hơn 5 tỷ lượt tải, hơn 2 tỷ người dùng), Facebook Messenger (hơn 1,3 tỷ lượt tải), LINE (hơn 500 triệu lượt tải), WeChat (hơn 1,2 tỷ triệu lượt tải, chủ yếu là Trung Quốc), Snapchat ( hơn 1 tỷ lượt tải), Instagram (hơn 1 tỷ lượt tải)...

Như vậy, khi dịch vụ viễn thông cơ bản suy giảm, sự cạnh tranh gay gắt từ dịch vụ OTT và MXH, việc các DNVT tiếp tục duy trì cách thức kinh doanh cũ hoặc ít có sự thay đổi hoặc đề xuất lên cơ quan quản lý nhà nước ( Bộ TT&TT) trong việc tính toán loại cách thức tính cước (thoại, SMS) theo hướng mà các DNVT trên thế giới đã triển khai và thực hiện từ 20-30 năm nay đó là: xoá bỏ việc tính cước liên mạng giữa tất cả các nhà mạng, miễn phí gọi và nhắn tin nội mạng và liên mạng nhằm thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển bền vững, thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các DNVT nhỏ tham gia thị trường hướng đến những phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, nhu cầu sử dụng cơ bản, nâng cao khả năng cạnh tranh với các dịch vụ OTT hay MXH đang phổ biến như hiện nay.

Kinh doanh dịch vụ Viễn thông - CNTT:  Hướng đến thị trường dịch vụ chuyển đổi số - Ảnh 3.

Bảng 3: Sự bùng nổ của dịch vụ IoT và xuyên biên giới đến các DNVT Việt Nam

Bên cạnh đó, các DNVT cũng phải tích cực hoàn thiện việc nâng cấp các website doanh nghiệp hiện nay, bao gồm cả các ứng dụng (Apps) của DN mình, trong đó chú trọng sự tiện lợi cho khách hàng khi kiểm tra các thông tin về tài khoản, gói cước, dịch vụ GTGT, dịch vụ cộng thêm, và tích hợp cả các dịch vụ thanh toán kiểu như Mobile Money. Các Apps của các DNVT hiện nay do chưa có sự đầu tư bài bản, giao diện kém, thông tin chưa cập nhật, thiếu hoặc không đầy đủ phần dành cho người nước ngoài (ví dụ tiếng Anh) nên nhận được các đánh giá ở mức trung bình trên các Cửa hàng ứng dụng (IOS, CH Play). Khảo sát tại thời điểm ngày 15/3/2021, ngoài Vinaphone/VNPT và Mobifone có website tuân thủ quy định của Bộ Công thương về website đã được chứng thực bằng việc xác thực “Đã thông báo Bộ Công thương” (mức độ 1), thì Viettel (mới công bố bộ nhận diện thương hiệu mới) và Vietnam Mobile đều không có thông tin về việc này, trong khi đây là quy định bắt buộc phải tuân thủ của các website thương mại điện tử bán hàng. Đây là việc cấp thiết và cần phải được các DNVT đầu tư nhân lực, vật lực để hoàn thiện và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về TMĐT khi xây dựng các trang TMĐT có tích hợp các thông tin về sản phẩm, dịch vụ, bán hàng và các dịch vụ VAT khác.

2. Thách thức chuyển đổi từ sự tăng trưởng của IoT và dịch vụ xuyên biên giới

Theo đánh giá, một số xu hướng của thị trường viễn thông thế giới sẽ ảnh hưởng đến thị trường viễn thông Việt Nam như tác động của IoT, các dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ có tác động lớn đến dịch vụ hạ tầng viễn thông của các DNVT như hệ thống WiFi Free của Google Station1.

1. Google Station là chương trình cung cấp WiFi miễn phí ở những khu vực công cộng (nhà ga xe lửa, bến tàu, sân bay, trường đại học,...) và đông dân cư tại các quốc gia đang phát triển. Hiện tại chương trình này chỉ mới được triển khai tại Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Nigeria, Thái Lan, Philippines.

Với các DNVT Việt Nam, thách thức đang phải đối mặt chính là xu hướng phổ biến hệ thống WIFI miễn phí tại các nơi tập trung đông người như nhà ga, sân bay (ví dụ mạng FREE WIFI đang triển khai tại Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất...), hệ thống Wifi miễn phí đang triển khai tại các khu đô thị thông minh (ví dụ Meganet tại VinHomes), hệ thống WiFi Free của Google Station đang triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. HCM2; WIFI miễn phí nhằm hướng tới xây dựng thành phố thông minh đang triển khai tại Đà Nẵng, Hội An, Huế, Tp. HCM, Hà Nội... Việc các đơn vị liên kết với nhau để thành lập mạng WiFi toàn quốc là một xu hướng rất rõ trong đó có những doanh nghiệp đang ấp ủ dự án đầu tư 20 triệu USD để hình thành nên một mạng lưới WiFi trên khắp Việt Nam. Những doanh nghiệp này sau đó sẽ kết hợp nền tảng mạng lưới của mình để cung cấp các dịch vụ khác như banking hay markerting, quảng cáo.

Không chỉ vậy, một số khu đô thị lớn cũng đang có xu hướng tìm kiếm đối tác nhằm cung cấp dịch vụ WiFi công cộng. khi triển khai dịch vụ trên, các khu đô thị cho rằng mình đang phát triển một mô hình đô thị thông minh (Smart City), tuy vậy, về bản chất họ đang sở hữu một hạ tầng tương đương. Xét về bản chất việc phát WiFi công cộng là một dịch vụ viễn thông. Nếu một doanh nghiệp có khả năng tạo ra mạng lưới WiFi phủ sóng toàn quốc thì sức ảnh hưởng của nó sẽ không kém gì các nhà mạng. Tốc độ mạng WiFi lớn gấp cả chục lần so với mạng di động. Lúc này, số lượng các điểm phát sóng WiFi thậm chí sẽ lớn hơn nhiều lần số lượng các trạm BTS. Nếu không kiểm soát, mạng lưới WiFi này khi được kết nối với nhau sẽ trở thành mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam. Do vậy, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu đưa ra cách thức quản lý phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông. Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để mở rộng không gian cho hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông, từ hạ tầng viễn thông truyền thống chuyển đến các hạ tầng số, phát triển dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Cơ hội mới từ sự tăng trưởng của thị trường dịch vụ số

Kết quả của các DNVT chủ đạo trong việc chuyển mình cung cấp các dịch vụ số trong hai năm 2019-2020 cho thấy những hướng đi tích cực và nhiều cơ hội với các DNVT trong năm 2021 và các năm tiếp theo:

VNPT: Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện mạnh mẽ mục tiêu chuyển từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á vào năm 2035, bằng một loạt sản phẩm có dấu ấn rõ nét như: xây dựng thành công Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia.

VNPT đã khảo sát, tư vấn xây dựng Đề án đô thị thông minh cho 28 tỉnh thành; triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; triển khai giải pháp Du lịch thông minh gần 50 địa phương. Hiện gần 55% cơ sở y tế đã sử dụng VNPT-HIS, gần 60% trường học sử dụng giải pháp VNEdu. Dịch vụ hóa đơn điện tử (VNPT- Invoice) đạt khoảng 1,4 triệu hóa đơn phát hành, tăng gấp đôi so với năm 2018.

Tập đoàn VNPT xác định mục tiêu là trụ cột trong chuyển đổi số quốc gia, tập trung phát triển các trung tâm công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo (AI) và trong tất cả sản phẩm chuyển đổi số của VNPT sẽ từng bước đưa AI

vào. Năm 2020 và các năm tiếp theo, VNPT tiếp tục cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), phân tích dữ liệu, Internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh (Smart City)... Đây là sự chuyển dịch trên nền tảng sáng tạo hơn và phù hợp với xu hướng công nghệ trên thế giới.

Viettel: Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược “Kiến tạo xã hội số” và đang định hướng là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp của Tập đoàn này.

Trong lĩnh vực thanh toán số Viettel từng bước hoàn thiện hệ sinh thái ViettelPay, đã kết nối mở rộng hệ sinh thái với trên 300 đối tác bên ngoài thuộc 15 ngành dịch vụ, dòng tiền phát sinh trung bình hàng tháng đạt 50.000 tỷ đồng với 40 triệu lượt giao dịch. Năm 2020, Viettel đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công. Những năm tiếp theo Viettel tiếp tục định hướng tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, những dịch vụ quyết định Việt Nam có trở thành quốc gia số hay không như thanh toán số Mobile Money, nội dung số (giáo dục, thương mại điện tử gắn liền với hệ sinh thái tài chính số, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội...). Cùng với đó, Viettel sẽ chủ động tham gia vào xây dựng, hoàn thiện Chính phủ điện tử (EGov), đặc biệt ưu tiên tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, dữ liệu tài nguyên quốc gia, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi số.

Ở lĩnh vực giải pháp CNTT và dịch vụ số, năm 2020 Viettel tiếp tục thực hiện giải pháp công nghệ, hoàn thành các nền tảng công nghệ cốt lõi nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội. Triển khai thành công các giải pháp hỗ trợ Chính phủ, Bộ ngành phòng chống dịch với giá trị hỗ trợ xấp xỉ 4.400 tỷ đồng. Cung cấp ra thị trường các sản phẩm số mang tính dẫn dắt thị trường, đặc biệt các sản phẩm, dịch vụ cho Chính phủ, các bộ ngành. Trong đó nổi bật là các sản phẩm trong lĩnh vực Y tế (Teleheath), giáo dục (Viettel Study), thanh toán số (ViettelPay), giao thông thông minh (ePass). 2 nền tảng ứng dụng AI là Viettel AI Open Platform và Viettel Data Mining Platform được Bộ TTTT công nhận là những nền tảng số Make in Vietnam. Đây là những nền tảng được phát triển bởi người Việt, cho doanh nghiệp tại Việt Nam với mức chi phí phù hợp so với các nền tảng nước ngoài.

Ở lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và công nghiệp công nghệ cao, Viettel nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị 5G trên mạng lưới, đưa Việt Nam vào top 6

quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Trong năm 2020 Viettel làm chủ 62 công nghệ lõi, đăng ký 97 sáng chế, có 3 bằng sáng chế được cấp độc quyền tại Mỹ. Doanh thu từ sản xuất sản phẩm dân sự đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ, tăng trưởng 104% so với năm 2019.

Ở lĩnh vực chuyển phát, logistic và thương mại điện tử, các đơn vị thành viên của Viettel tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, với dịch vụ chuyển phát đạt 9% (trung bình ngành 4%); kinh doanh bán lẻ đạt 111% KH, tăng 339,4% ~ 46,6 tỷ so với năm 2019.

Về định hướng phát triển trong năm 2021 và thời gian tới là: Tiên phong và chủ lực kiến tạo xã hội số. Đến nay, Viettel đã định hình là một nhà cung cấp dịch vụ số với 6 lĩnh vực chính là hạ tầng số, giải pháp số, nội dung số, tài chính số, an ninh mạng và công nghiệp công nghệ cao. Năm 2021, Viettel sẽ đồng loạt đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực này để có thể đóng góp nhiều nhất, hiệu quả nhất vào công cuộc chuyển đổi số xã hội mà chính phủ đã đặt ra như một trọng tâm phát triển KT-XH của đất nước.

MobiFone: Năm 2019, MobiFone triển khai cung cấp 51 sản phẩm, dịch vụ mới, gồm 29 dịch vụ cho khách hàng cá nhân (hệ thống ứng tiền Airtime, đại lý online TeleSale, MobiFone GO, Quảng cáo di động Alivar...), 2 dịch vụ cho hộ gia đình (mở rộng kinh doanh thiết bị Internet băng rộng di động WTTx trên toàn quốc) và 20 dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp (cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý tài liệu điện tử, chữ ký số, AI Camera...) cho khách hàng doanh nghiệp.

MobiFone đang nghiên cứu và triển khai công nghệ, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu liên tục tăng của khách hàng với việc sẽ sớm mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực mới như Fintech, Big Data, IoT,... để thu hút khách hàng và tăng trưởng doanh thu. Đồng thời, doanh nghiệp này xác định đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ “Make in MobiFone”, tiếp tục cổ phần hoá theo đúng quy định, nâng cao khả năng dòng tiền, tài chính, an toàn vốn... Mobifone là một trong ba doanh nghiệp (cùng Viettel và EVN), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn để đề xuất Chính phủ cho thí điểm chính sách riêng, trở thành “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực viễn thông.

Theo Bộ TT&TT, trong đầu quý II năm 2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược CPĐT tiến tới Chính phủ số. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược như vậy. Các chỉ tiêu của CPĐT sẽ cơ bản được hoàn thành trong năm 2021, với trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%. Chính phủ số Việt Nam sẽ được hình

thành vào năm 2025 và thuộc top 50 thế giới. Các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/7, theo nhu cầu và cá thể hóa. Các dịch vụ công mới được phát triển kịp thời dựa trên dữ liệu mở và với sự tham gia hợp tác của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Tiếp theo là sự liên tục tiến hóa để trở thành chính phủ thông minh. Chính phủ số có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.

Về mặt môi trường chính sách tạo điều kiện cho DNVT tham gia thị trường dịch vụ số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về việc Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Sau khi Bộ TT&TT trình Chính phủ và được phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số, trên 50% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề án chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đã nỗ lực làm chủ nhiều công nghệ cốt lõi. Bộ TT&TT thường xuyên ra mắt các nền tảng Make in Vietnam (gần 40 nền tảng). Những kết quả nêu trên đã giúp Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng CPĐT, qua đó mở ra thị trường mới – thị trường dịch vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp viễn thông.

Theo các chuyên gia viễn thông, có thể thấy cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo là thị trường dịch vụ chuyển đổi số, dịch vụ số. Các doanh nghiệp sẽ chạy đua cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, dịch vụ số cho Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dùng cá nhân. Đây là một thị trường vô cùng rộng lớn, cơ hội đang chia đều cho tất cả.

1. Google Station là chương trình cung cấp WiFi miễn phí ở những khu vực công cộng (nhà ga xe lửa, bến tàu, sân bay, trường đại học,...) và đông dân cư tại các quốc gia đang phát triển. Hiện tại chương trình này chỉ mới được triển khai tại Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Nigeria, Thái Lan, Philippines.

2. WiFi miễn phí của Google thường sẽ có tên FreeGoogleStation - Swifi. Mỗi người dùng sẽ được truy cập WiFi miễn phí trong vòng 1 tiếng, sau khi kết thúc họ cần nhấn vào nút đăng nhập để kết nối lại. Một số người dùng Việt Nam cho biết đã có thể sử dụng WiFi miễn phí của Google tại một số trường đại học (ĐH Sư phạm kĩ thuật TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Cao đẳng công nghệ Thủ Đức, Đại học Điện lực, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về việc Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

2. Websites: Bộ TT&TT www.mic.gov.vn; GSA www.gsacom.com; www.vinaphone.com.vn; www.mobifone.vn; Viettel www.viettel.vn; Telstra www.telstra.com.au, Vodafone www. vodafone.com.au; Optus www.optus.com.au;

3. Các bài viết, số liệu tổng kết về thị trường viễn thông trên các báo Lao Động, Dân Trí, VNExpress.net, VietnamNet, ....

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 - tháng 4/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh dịch vụ Viễn thông - CNTT: Hướng đến thị trường dịch vụ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO