Kinh tế số

Kinh nghiệm phổ cập phương thức thanh toán không tiền mặt của Ấn Độ

Anh Minh 11:06 29/04/2023

Hệ thống thanh toán trực tuyến có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về cuộc cách mạng số của Ấn Độ nhằm mục đích đưa dân số đông đảo của đất nước gia nhập vào nền kinh tế số.

Abbas Ali là một người bán rau tại khu phố ở New Delhi. Anh bắt đầu làm quen với thanh toán số từ năm 2021. Lúc đó, người đàn ông 48 tuổi không biết đọc biết viết này thường xuyên phải gọi cho con trai để nhờ kiểm tra xem “tiền đã về chưa” mỗi lần khách hàng thanh toán trực tuyến.

Từ chỗ không biết đọc biết viết đến thanh toán số

Những rắc rối vì không quen với thiết bị số, không biết đọc biết viết khiến việc thanh toán số còn mất nhiều thời gian hơn so với việc thanh toán bằng tiền mặt, và khiến khách hàng mất kiên nhẫn. Không riêng Ali mà nhiều tiểu thương Ấn Độ cũng gặp phải tình huống này. Rất nhanh nhạy, các công ty fintech Ấn Độ đã cho ra đời một thiết bị gọi là “hộp âm thanh” (sound box) đó là thiết bị kết nối Internet, và sẽ đọc to các thông báo xác nhận đã thanh toán.

“Tôi đã cài đặt hai hộp âm thanh… một từ Paytm và một từ PhonePe”, Ali nói.

a5c704e0-bf3e-40b7-b88c-4ac006c1.jpg
Mã QR tại một cửa hàng bên đường ở Gurugram, Ấn Độ. (Ảnh: Amy Sood)

Paytm là công ty fintech lớn nhất Ấn Độ đã giới thiệu thiết bị hộp âm thanh này vào năm 2019. Sản phẩm gây tiếng vang lớn với thị trường Ấn Độ, nơi có rất nhiều các cửa hàng nhỏ lẻ (còn gọi là kiranas) và những người bán hàng rong, những người vốn không có thói quen đăng ký và trả tiền thuê bao hàng tháng cho các dịch vụ công nghệ. Nhưng họ đã chấp nhận hộp âm thanh.

Về cơ bản, đó là một chiếc loa mang logo của công ty fintech, được tích hợp một thẻ SIM, sẽ hỗ trợ các giao dịch. Chúng sẽ đọc to thông báo xác nhận thanh toán bằng tiếng Anh và bằng các ngôn ngữ của Ấn Độ, chẳng hạn như tiếng Hindi, tiếng Tamil, tiếng Telugu, tiếng Bengali và tiếng Punjabi. Chiếc hộp thông minh hiện nay đã xuất hiện rất quen thuộc ở nhiều cơ sở kinh doanh của Ấn Độ - từ kirana và cửa hàng quần áo đến các xe đẩy hàng rong…

Đối với các công ty fintech, hộp âm thanh là một “con bò sữa” sinh lợi lớn. Thanh toán số phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ nhờ nỗ lực xây dựng giao diện thanh toán thống nhất (UPI) của chính phủ, cho phép người dùng thực hiện chuyển khoản ngân hàng ngay lập tức bằng điện thoại di động. 

soundbox.png
Hộp âm thanh Paytm có loa tích hợp để đưa ra cảnh báo bằng giọng nói về xác nhận thanh toán. (Ảnh: Paytm)

Thiết bị hộp âm thanh đã trở thành một nguồn doanh thu béo bở cho các công ty fintech. Paytm cho biết họ có 6,8 triệu thiết bị được triển khai trên toàn quốc và đã liên kết với một nhà sản xuất trong nước để sản xuất cả phần cứng và phần mềm cho hộp âm thanh của mình.

Thành công của hộp âm thanh Paytm đã thúc đẩy các công ty fintech khác. BharatPe là công ty đầu tiên cạnh tranh với Paytm với sản phẩm Loa BharatPe ra mắt vào tháng 6/2022. Vài tháng sau, PhonePe ra Smart Speaker và cho đến nay đã triển khai 2,2 triệu thiết bị ở Ấn Độ. GooglePay cũng đã tham gia cuộc đua, thử nghiệm hộp âm thanh Soundpod của mình tại các cửa hàng kirana của đất nước. Một số ngân hàng Ấn Độ, chẳng hạn như IndusInd Bank và AU Small Finance Bank, cũng đã tung ra các thiết bị tương tự, với hy vọng kiếm tiền từ sự phổ biến ngày càng tăng của hộp âm thanh.

Sajith Pai, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Blume Ventures, tin rằng thành công của thiết bị nằm ở khả năng giải quyết một vấn đề quan trọng, đó là xác nhận tiền đã được chuyển thành công. Tin nhắn SMS trên điện thoại phổ thông bị giới hạn, do đó, xác nhận thanh toán không đến theo thời gian thực vì có những trường hợp hộp thư đến SMS bị đầy. Một số yêu cầu xem điện thoại của khách hàng hoặc yêu cầu khách hàng gửi lại thông tin đã thanh toán, dẫn đến nhiều tranh cãi và trải nghiệm kém. Hộp âm thanh dường như đã giải quyết được vấn đề đó.

Hệ thống thanh toán trực tuyến là ví dụ rõ ràng nhất về cuộc cách mạng số của Ấn Độ

Icha Lohar là một ví dụ điển hình khác, cô cũng giống như hàng triệu người trên khắp đất nước Ấn Độ đang kiếm sống bằng việc bán các mặt hàng ven đường - nhưng thói quen buôn bán hàng hóa lấy tiền mặt kiểu cũ hiện đang thay đổi khi chuyển sang thời đại số.

2f17e4fe-e2a4-4d8f-bd89-c03db4e2.jpg
Icha Lohar và gia đình cô bán những chiếc bình bằng đất sét bên đường ở Gurugram, Ấn Độ.( Ảnh: Amy Sood)

Trước gian hàng của Lohar là một chiếc hộp nhỏ có loa và mã QR mà máy có thể đọc được. Khách hàng của cô sử dụng mã để thực hiện thanh toán trực tuyến và loa, kết nối với internet thông qua thẻ SIM tích hợp, sẽ đọc thông báo xác nhận thanh toán, cho người bán và người mua biết đã nhận được tiền.

Những mã QR và hộp âm thanh này hiện có thể được tìm thấy trên khắp Ấn Độ, khi đất nước 1,4 tỷ dân chuyển từ xã hội ưu tiên tiền mặt sang xã hội không dùng tiền mặt.

Lohar nói: “Hầu hết những người đến đây đều sử dụng mã QR để thanh toán. Hiện nay rất ít người mang theo tiền mặt”.

“Trong vài ngày đầu tiên dùng thử, tôi thấy công nghệ hơi khó hiểu. Nhưng theo thời gian, tôi đã học cách sử dụng và đôi khi nó trở nên đơn giản và tiện lợi hơn cả tiền mặt”, cô nói thêm.

Trong nhiều năm, Ấn Độ đã bị tụt hậu so với các nền kinh tế châu Á khác như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi mã QR rất phổ biến.

Trung Quốc lần đầu tiên bước vào thế giới thanh toán số vào đầu những năm 2000 và trong thập kỷ qua đã phát triển, tạo ra các siêu ứng dụng như Alipay và WeChat, kết hợp mọi thứ từ mạng xã hội đến chia sẻ chuyến đi đến thanh toán số. Mặc dù tương đối mới với cuộc chơi, nhưng Ấn Độ đã mở rộng đáng kể bối cảnh fintech của mình kể từ năm 2016. Ngày nay, dữ liệu của chính phủ cho thấy gần 40% tất cả các khoản thanh toán là thanh toán số.

Theo Tập đoàn thanh toán quốc gia Ấn Độ (NPCI), gần 300 triệu người và 50 triệu thương nhân hiện đang sử dụng hệ thống này.

Hệ thống thanh toán trực tuyến này có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về cuộc cách mạng số của Ấn Độ nhằm mục đích đưa dân số đông đảo của đất nước vào nền kinh tế số. Trong những năm gần đây, người Ấn Độ đã nắm bắt công nghệ mới với tốc độ ngày càng nhanh. Quốc gia này hiện có gần 700 triệu người dùng điện thoại thông minh, theo cơ quan đánh giá ICRA.

2742f53d-cb8f-435d-bac1-e296fdac.jpg
Một phụ nữ Ấn Độ được chụp ảnh trong quá trình đăng ký thẻ 'Aadhaar', chính là thẻ nhận dạng số. Ảnh: AFP

Tiêu dùng tư nhân là động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ và các chuyên gia cho rằng việc gia tăng tiêu dùng công nghệ ở cả khu vực thành thị và nông thôn đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nước này.

Chuyển sang cơ sở hạ tầng thanh toán số dường như cũng trở nên cần thiết hơn vào năm 2016, khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cấm tiền mệnh giá lớn, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn các khoản “tiền đen” không được khai báo và chống tham nhũng.

Gần như ngay lập tức, 86% tiền mặt của đất nước đã bị hủy bỏ. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tiền mặt của Ấn Độ và đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi động thái này.

Các nhà quan sát cho biết, việc chuyển sang môi trường số trở nên cấp thiết đối với chính phủ và càng tỏ ra quan trọng hơn trong đại dịch COVID-19 khi nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng.

Tăng sức hấp dẫn của một Ấn Độ số với cộng đồng quốc tế

Chính phủ Ấn Độ đã khởi động chương trình “Ấn Độ số” vào năm 2015, với hy vọng đạt được các giao dịch tài chính “không cần giấy tờ và không dùng tiền mặt” cho mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Để thực hiện điều này, Ấn Độ dựa vào sáng kiến Aadhaar, lần đầu tiên ra mắt vào năm 2009, cung cấp cho mọi công dân một số nhận dạng sinh trắc học.

Giờ đây, chính phủ cho biết khoảng 99% người trưởng thành có số Aadhaar mà họ có thể sử dụng để mở tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, một sáng kiến khác là UPI như đã nói ở trên, do ngân hàng trung ương của quốc gia đưa ra vào năm 2016, cho phép thanh toán trực tuyến trực tiếp từ ngân hàng và ứng dụng thanh toán di động mà không phải trả thêm phí.

Vào tháng 3/2023, hơn 8,65 tỷ giao dịch trị giá hơn 170 tỷ USD đã được thực hiện trên UPI, theo NPCI, cơ quan giám sát nền tảng UPI.

Vào tháng 2 vừa qua, Ấn Độ và Singapore đã triển khai kết nối xuyên biên giới giữa UPI và dịch vụ PayNow của Singapore, cho phép các giao dịch xuyên biên giới diễn ra với chi phí thấp và nhanh hơn.

Và khi Ấn Độ đảm nhận chức vụ Chủ tịch G20 2023, quốc gia này hy vọng sẽ quảng bá câu chuyện chuyển đổi số của mình trên toàn cầu, theo Amitabh Kant, một trong những điều phối viên hàng đầu của Ấn Độ cho các sự kiện G20.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ sử dụng sự kiện G20 để đưa câu chuyện chuyển đổi số của Ấn Độ đến với phần còn lại của thế giới và xem cách chúng tôi có thể sử dụng cơ hội này để thay đổi cuộc sống của người dân ở Nam bán cầu”./.

Theo Restofworld, SCMP
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm phổ cập phương thức thanh toán không tiền mặt của Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO