Kinh tế - xã hội Việt Nam tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới

Tường Minh| 09/03/2020 09:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2019, kinh tế - xã hội Việt Nam đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD. Chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Bức tranh sáng của kinh tế - xã hội

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Một số kết quả nổi bật của năm 2019 cụ thể như sau: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Năng suất lao động tăng 6,2%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Kinh tế - xã hội Việt Nam tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương.

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79%, thấp hơn mục tiêu đề ra (là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua). Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối khoảng 79 tỷ USD (năm 2019, NHNN đã mua vào 20 tỷ USD). Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB - lên BB với triển vọng "tích cực". Tổng thu NSNN ước tính đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng; tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,44% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; tỉ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 46%. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2%; vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn tăng mạnh; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỷ USD. Số liệu cho thấy, chúng ta đã tăng xuất nhập khẩu 170 lần so với thời điểm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới (năm 1986), tăng 37 lần thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN, tăng 5 lần thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO (năm 2007) và năm 2019, đạt mốc kỷ lục 517 tỷ USD xuất nhập khẩu, trong vòng 8 năm, chúng ta tăng kim ngạch trên 2,5 lần.

Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến nay có 8 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn; 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn gần 2 năm. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 5 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%). Khách quốc tế ước đạt trên 18 triệu lượt, tăng 16,2%. Năm thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á". Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018 - mức tăng mạnh nhất thế giới. Phát huy tinh thần khởi nghiệp; doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục trên 138.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Triển khai nhiều giải pháp phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại. Các quỹ phát triển khoa học công nghệ phát huy hiệu quả; có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và một số quỹ đầu tư mạo hiểm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và thúc đẩy liên kết vùng. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cả năm khoảng 61-62%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%. Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm; nhiều công trình hạ tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hệ thống đô thị phát triển nhanh, tỉ lệ đô thị hóa ước đạt 39,2%. Chú trọng thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế-xã hội các vùng, đặc biệt là kết nối hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tình hình văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; kết quả giảm nghèo tích cực; đời sống nhân dân nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và thực hiện hiệu quả. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, hiệu quả, thực chất hơn. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Bảo đảmgiữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các hoạt động, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Quyết liệt đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; triệt phá nhiều vụ án ma túy, đánh bạc lớn. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng đinh: "Mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng thuận, phối hợp của cả hệ thống chính trị; cùng với quyết tâm và sáng tạo vượt khó của hàng triệu công chức, viên chức, cán bộ trong từng xã, huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương". Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến từng người dân, từng công chức, viên chức ở mọi vị trí đã tận tụy làm việc trong năm qua.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ năm 2020: "Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy, tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019".

Kinh tế - xã hội Việt Nam tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương.

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, phát triển hài hoà văn hoá, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác thông tin và truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quốc gia và môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính trung và dài hạn; tạo cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử Hội đồng dân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Quốc hội khóa XV, tạo tiền đề thuận lợi cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. "Nhiệm vụ của năm 2020 là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Phát huy kết quả đạt được của năm 2019, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, chung sức đồng lòng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020".


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế - xã hội Việt Nam tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO