Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
Ngày 26/8/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) ban hành về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành TTTT (Thông tư 13).
Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành TTTT tại các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về tiêu chuẩn chung của các chức danh nghề nghiệp (biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình), Thông tư quy định gồm:
Thứ nhất, chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về thông tin và truyền thông.
Thứ hai, trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ ba, trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi; đoàn kết, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi cái mới, tự nâng cao trình độ; có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với chức danh phóng viên, biên tập viên
Về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình, Thông tư 13 quy định: Đối với phóng viên hạng I, II và III, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành phóng viên.
Đối với biên tập viên hạng I, II và III, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành biên tập viên hoặc có chứng chỉ hành nghề biên tập viên (đối với biên tập viên lĩnh vực xuất bản).
Như vậy, điểm đáng chú ý là so với quy định cũ tại Thông tư 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV, trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức phóng viên, biên tập viên ở cả ba hạng (I, II, III) không còn quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, Thông tư 13 quy định, cả biên tập viên và phóng viên phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Điều kiện thăng hạng đối với phóng viên, biên tập viên
Về yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, Thông tư số 13 quy định: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III/phóng viên hạng III hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia biên tập ít nhất 1 tác phẩm đạt giải thưởng cấp bộ, ngành, cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên hoặc giải thưởng do cơ quan Đảng ở Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 1 đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành từ cấp cơ sở trở lên đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
Đồng thời, để dự thi hoặc xét thăng hạng lên phóng viên hạng II/biên tập viên hạng II thì phóng viên/biên tập viên phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp phóng viên hạng III/biên tập viên hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 9 năm (đủ 108 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp phóng viên hạng III/biên tập viên hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 10/10/2022 thay thế Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 07/4/2016 của Bộ trưởng Bộ TTTT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành TTTT.