Ngân hàng số tăng tốc mùa Covid

Thảo Nguyên| 03/08/2021 11:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Thanh toán điện tử đang tăng rất mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tuy vậy kèm theo đó, xu hướng tấn công mạng cũng ngày càng gia tăng buộc ngân hàng chạy đua chuyển đổi số mạnh hơn nữa.

Tốc độ chuyển đổi số đang rất mạnh mẽ

Chuyển đổi mạnh mẽ nhất là nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Trong đó, Vietcombank ra mắt ứng dụng ngân hàng số Digibank; BIDV phát động chiến dịch chuyển đổi số "BIDV digi up", công bố nhiều dự án chuyển đổi số. Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng tập trung vào chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại sự thuận lợi hơn cho khách hàng.

Chẳng hạn như Nam A Bank có robot hỗ trợ giao dịch. TPBank có hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank)... VIB Bank đã áp dụng thành công AI và Big Data, cùng các công nghệ mới hiện đại như e-KYC, e-Signature trong quy trình phê duyệt và phát hành thẻ tín dụng, đạt kỷ lục mới trên thị trường về thời gian xử lý và phê duyệt cho tới khi dùng thẻ trên phiên bản thẻ điện tử: chỉ 15-30 phút, bằng 1/500 thời gian trung bình trên thị trường.

Số liệu thống kê cho thấy 94% ngân hàng thương mại Việt Nam đã đầu tư vào chuyển đổi số, 40% ngân hàng đã đưa chuyển đổi số thành tầm nhìn chiến lược trong 5 - 10 năm tới. Báo cáo "Retail Banking 2020" của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) chỉ ra, 40% khách hàng rời ngân hàng sau một trải nghiệm tồi tệ; và ngược lại, nâng tầm trải nghiệm khách hàng sẽ giúp ngân hàng giành được lợi thế cạnh tranh lớn trên "đường đua" chuyển đổi số. Bởi vậy, hàng loạt ngân hàng tập trung đẩy mạnh các tiện ích số nhằm "giữ chân" khách hàng và thu hút các khách hàng mới.


Nhờ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn mà các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng trở nên phổ biến hơn, còn việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen. Ngay trong dịch Covid-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.

Xác định công nghệ là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số, các ngân hàng nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), lập trình ứng dụng (API). Bên cạnh đó, vấn đề an toàn bảo mật, quy định quản lý dữ liệu và chuỗi khối (Blockchain) cũng là các công nghệ cần được chú trọng đầu tư trong chiến lược trở thành ngân hàng số.

Lợi nhuận tăng nhờ chuyển đổi số

Theo thống kê, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking đạt là 200%, và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Đồng thời, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ có một thế hệ “khách hàng số” chi phối thị trường, tệp khách hàng này có những mong muốn và kỳ vọng cao hơn về các sản phẩm, dịch vụ tài chính số.

Quý II/2021 dù ảnh hưởng của Covid-19, song báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, tình hình kinh doanh vẫn rất tích cực. Đặc biệt, nhờ chuyển đổi số nhanh mà các ngân hàng đã thu được trái ngọt. Như tại MB, trong 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 2,5 triệu tài khoản mới mở qua eKYC, chiếm trên 70% số lượng khách hàng mới kể từ khi nhà băng này chính thức áp dụng eKYC vào mở tài khoản. Không chỉ hơn 80% giao dịch của khách hàng ở MB được thực hiện trực tuyến mà nội bộ ngân hàng này còn đạt 100% không giấy tờ.

Hay ở TPBank, trong 5 tháng đầu năm, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã tăng 87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhờ triển khai thêm cả phương thức eKYC toàn diện trên app TPBank mà lượng khách hàng mở tài khoản qua hình thức eKYC tăng 790% so với cùng kỳ. Lượng giao dịch trực tuyến của ngân hàng này cũng tăng mạnh, hiện số lượng giao dịch trực tuyến tại TPBank đã chiếm tới 92% tổng số lượng giao dịch của toàn ngân hàng...

Trong khi VIB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ, cao gấp 2 lần so với trung bình ngành theo báo cáo của Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard. Thu nhập ngoài lãi 6 tháng của ngân hàng này tăng 41%, trong đó riêng lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 1.373 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 19% trên tổng thu nhập. BIDV cho hay thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng (đặc biệt là dịch vụ) sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ…

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, rất nhiều ngân hàng đang áp dụng công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy, tự động hóa quy trình… vào các khâu thẩm định tín dụng, giải ngân, quản lý rủi ro tín dụng… Với việc tăng cường siết chặt quản trị rủi ro cộng với triển vọng tăng trưởng tín dụng, triển vọng lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm nay tiếp tục được đánh giá khả quan./.

NHNN đã ban hành Kế hoạch "Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030". Mục tiêu ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%. Số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030; Chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng đối với các khoản vay nhỏ lẻ… được thực hiện theo hướng số hóa, tự động. Đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%.

Ngành ngân hàng Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt trước những biến động, rủi ro trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng vẫn hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, DN cùng các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, an toàn.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng số tăng tốc mùa Covid
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO