Nâng tầm đối ngoại đa phương

PV| 09/03/2021 10:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những ưu tiên mà ngành Ngoại giao tập trung trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII là nâng tầm đối ngoại đa phương, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam

Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã chỉ rõ nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao trong buổi làm việc với hơn 200 đại biểu là cán bộ chủ chốt, các đồng chí cấp ủy các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng ủy Bộ Ngoại giao. Đó là các cấp ủy khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai phổ biến, quán triệt Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bằng các hình thức phù hợp tới cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tuyên truyền giúp bạn bè quốc tế hiểu về chủ trương, chính sách, thành tựu của Đảng và Nhà nước ta, nhất là về đường lối đối ngoại; xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa Nghị quyết bằng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đưa ra thảo luận trong Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVIII và Đại hội Đảng toàn quốc XIII đề ra.

Ngành Ngoại giao nâng tầm đối ngoại đa phương - Ảnh 1.

Việt Nam chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR 1-2020) trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Nội dung công tác đối ngoại thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII là tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả. Đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Văn kiện cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ trương này đã được đề cập trong Đại hội XII và tiếp tục được phát triển trong Đại hội XIII để phản ánh đúng mối quan hệ biện chứng giữa đối ngoại và với vị thế, uy tín của đất nước. Bản thân đối ngoại đa phương không mới mà là một thực tiễn đã được triển khai mạnh trong những năm qua, song trong Văn kiện lần này đã được đặt vào một vị trí quan trọng, song hành cùng đối ngoại song phương. Văn kiện lần này không chỉ nhấn mạnh Việt Nam "là bạn, là đối tác tin cậy" mà còn "là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".

Ngành Ngoại giao nâng tầm đối ngoại đa phương - Ảnh 2.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.

Đáng chú ý, yếu tố con người trong triển khai công tác đối ngoại cũng rất được coi trọng và được xem là nền tảng quan trọng cho việc triển khai hiệu quả công tác đối ngoại của đất nước. Dự thảo đã làm rõ các yêu cầu đối với đội ngũ làm công tác đối ngoại trong tình hình mới, đó là bản lĩnh, tri thức, năng lực, chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo, chủ động và thích ứng. "Tôi tin chúng ta có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ như vậy và đầu tư cho yếu tố con người là đầu tư xây dựng nền móng cho ngoại giao thời kỳ mới – đó là nền ngoại giao hiện đại, chủ động, sáng tạo và hiệu quả" – đồng chí Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Tận dụng mọi cơ hội để xây dựng đất nước giàu mạnh

Tuy nhiên, để có thể thực hiện một cách có hiệu quả Nghị quyết Đảng XIII, theo ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ngành Ngoại giao cần tập trung vào 4 vấn đề cơ bản dưới đây:

Một là, luôn thấm nhuần quan điểm chỉ đạo, tìm mọi cách tối ưu hóa lợi ích quốc gia-dân tộc. Trong ba lợi ích an ninh, phát triển và vị thế, ta cần đặt ưu tiên vào lợi ích phát triển, tận dụng mọi cơ hội để xây dựng đất nước giàu mạnh. Tôi rất mừng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đặt ra mục tiêu cho từng mốc thời gian. Cụ thể đến năm 2025, nước ta sẽ trở thành là nước phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức trung bình thấp, 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trên cơ sở tầm nhìn đó, ngành Ngoại giao sẽ xây dựng các chiến lược và định hướng chính sách cụ thể.

Hai là, cần đảm bảo quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại. Nước ta có nguồn lực hạn chế lại phải đối phó với nhiều thách thức cùng một lúc nên phải đề cao tính hiệu quả và đồng bộ. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vừa là mệnh lệnh, vừa là yêu cầu của thực tế.

Ba là, quán triệt phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình hình thế giới luôn biến động nhanh chóng và bất thường, nên ngành Ngoại giao phải luôn linh hoạt, sáng tạo, chủ động thích ứng để hóa giải các khó khăn, thách thức của đất nước. Ngoại giao có thể được coi là "người chèo lái" con thuyền của đất nước trong tiến trình hội nhập, nên luôn phải có tầm nhìn xa, kiên định về nguyên tắc, nhưng đủ can đảm và khéo léo để đưa con thuyền vượt qua sóng gió. Không ra khơi thì sao bắt được cá lớn.

Bốn là, xây dựng một đội ngũ cán bộ ngoại giao thực sự chuyên nghiệp, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén và sáng tạo. Bác Hồ đã nói "cán bộ là gốc của mọi công việc". Cũng tương tự, nhà ngoại giao giỏi là gốc của nền ngoại giao hiện đại. Xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngoại giao vững vàng về chính trị, nhạy bén về tư duy, sâu sắc về chuyên môn thì chắc chắn ngoại giao nước ta sẽ thực hiện được vai trò tiên phong của mình.

Ngành Ngoại giao nâng tầm đối ngoại đa phương - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, năm 2021 ngành Ngoại giao triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Là người đứng đầu ngành Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, cũng khẳng định ngành Ngoại giao năm 2021 tập trung tổ chức, triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống vào chiều sâu, ổn định, bền vững với những phương thức sáng tạo, hiệu quả, triển khai tốt ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Theo dõi sát, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các lợi ích chính đáng của ta ở Biển Đông, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh. Về công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chỉ đạo cần tiếp tục làm tốt hơn nữa các mảng công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo và bồi dưỡng cũng như công tác thi đua khen thưởng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, có phẩm chất và năng lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác đối ngoại. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm đối ngoại đa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO