Make in Vietnam

Người Việt có tố chất cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn

NK 11/12/2023 14:45

Theo FPT, cần có lộ trình 3 giai đoạn để phát triển chip “Make in Viet Nam”, từ ngắn hạn, trung hạn cho đến dài hạn để có thể làm chủ công nghệ lõi, từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu

Tầm quan trọng của chip bán dẫn trong chuyển đổi số (CĐS)

Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề “FPT - Từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn” ngày 11/12, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA), Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, chip bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip.

ong-nguyen-van-khoa.jpg
Ông Nguyễn Văn Khoa: Việt Nam có đầy đủ lợi thế để nắm bắt cơ hội vàng từ đầu ra, nhân sự cho đến cơ hội hợp tác.

Doanh số chip bán dẫn toàn cầu vượt mốc 600 tỷ USD trong năm 2022. Năm 2024 dự báo nhu cầu chip trên toàn thế giới tăng đáng kể, một số mảng như mảng chip nhớ tăng 25%. Tổng doanh số ngành vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2023. Vì vậy, phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử.

Hiện trên quy mô toàn cầu, ngành công nghiệp Điện tử thuộc 10 ngành công nghiệp lớn nhất. Theo Gartner, năm 2023 doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2024 - 2025, trên 15%/năm, nhất là chip GPU hiệu năng cao cho AI.

Theo CDI, quy mô thị trường công nghiệp Điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Ngành công nghiệp Điện tử đang phát triển lớn mạnh - là đầu ra cho con chip.

Con chip sẽ nằm ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Ví dụ như mỗi chiếc ghế trong tương lai cũng có thể có một con chip ở bên trong để biết được vị khách nào đã đến sự kiện đến từ đâu, đang làm công việc gì. Hay thậm chí, ngay cả những chiếc áo cũng sẽ có những con chip để giám sát sức khoẻ để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của mỗi người”, ông Khoa dẫn chứng.

Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp Điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đầu 2023 đến nay, các hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Foxconn... đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam

Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA… tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư điện tử.

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh về chuyển đổi số (CĐS). Nếu như trong CĐS, dữ liệu vô cùng quan trọng thì việc làm chủ hạ tầng phần cứng, công nghệ lõi là một bước tiến xa hơn nữa, giúp Việt Nam làm chủ và giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ trên thế giới.

“Dù công nghiệp Điện tử có tương lai cũng như thị trường rất lớn nhưng chúng ta lại chưa tham gia nhiều và sâu để giữ lại cho Việt Nam những giá trị để phát triển”, ông Khoa nhấn mạnh.

Việt Nam có lợi thế để vươn lên trong ngành vi mạch bán dẫn

Tại châu Á, có các quốc gia dùng đũa (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan) đang đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Tuy nhiên, trong quá trình FPT làm việc với khách hàng Nhật trong nhiều năm và thấy rằng, chính sự cầu toàn và chỉnh chu của họ đang tạo ra một khó khăn để quốc gia này phát triển. Bởi vi, dân số Nhật đang ngày càng già đi trong khi đang yêu cầu những thứ quá hoàn mỹ với thời gian thực hiện dài, trong khi tốc độ phát triển công nghệ hiện nay đang rất nhanh.

Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ lợi thế để nắm bắt cơ hội vàng. Đó là chính sách ngoại giao cởi mở giúp nước ta có vị thế quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn ký kết hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới và nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư. Về địa chính trị, Việt Nam là trung tâm của Đông Nam Á, vị trí “cửa ngõ” thế giới là tài nguyên hiếm có.

Chưa kể, theo ông Khoa, người Việt thì đang có một gen rất hay, đó là yêu, chịu khó mày mò khoa học công nghệ và rất khéo tay, bằng chứng là rất nhiều người thích những môn học tự nhiên. Đây là những tố chất phù hợp cho việc phát triển bán dẫn. Trong khi đó, người phương Tây có xu hướng nghiên cứu, ngại lao động chân tay và dân số già hoá.

Chính phủ dành sự quan tâm lớn với mảng bán dẫn và chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. Ngoài ra, quy mô thị trường chất bán dẫn Việt Nam tăng trưởng 6,69% - đến 1,94 tỷ USD ​​từ năm 2023 – 2028, đây là cơ hội lớn.

Như vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt có đầy đủ: Đầu ra - thị trường rộng lớn; Nhân sự: nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt; Cơ hội hợp tác: Các nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới về bán dẫn, doanh nghiệp (DN) có cơ hội liên kết với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Việt Nam nên tham gia ngành này bằng cách nào? Chúng ta đang được hưởng từ phong cách ngoại giao của chính mình và nổi lên trong khu vực, trong bối cảnh châu Á đang trở thành khu vực phát triển nhanh nhất”, ông Khoa đặt câu hỏi.

FPT thấy rằng, nên phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn: Ngắn hạn tập trung vào những lĩnh vực như thiết kế, đóng gói và kiểm thử; Trung hạn sẽ cùng nhau xây dựng các chuỗi, tổ hợp để tham gia sản xuất công nghệ sản xuất chip, tầm 28nm trở lên; Dài hạn cần làm chủ công nghệ lõi, tập trung vào những công nghệ đang phát triển mạnh trên thế giới như năng lượng, xe điện, IoT.

“Xa hơn nữa, tất cả DN cần phải đưa được AI vào trong con chip của mình. Khi mà theo Gartner dự báo doanh thu chip bán dẫn có AI năm 2024 tăng 23% so với 2022 - 54 tỷ USD; 2027 đạt gần 120 tỷ USD”, ông Khoa bày tỏ.

FPT tham gia thị trường bán dẫn thế giới như thế nào?

Cũng theo ông Khoa, FPT nghiên cứu và sản xuất chip cho đối tác Hitachi (Nhật Bản) từ năm 2013. Trong suốt 10 năm làm và giải những bài toán của họ, FPT đã học được rất nhiều từ người Nhật và quyết định xây dựng một nhóm hơn 30 người để làm chip. Đỉnh điểm có những thời điểm nhóm này lên đến 170 nhân sự.

Ông Khoa cho biết, tại sao FPT lại làm chip. Bởi vì, đổi mới sáng tạo là DNA của FPT, công ty đã nuôi khát vọng giỏi phần mềm nhưng cũng dẫn đầu cả phần cứng: Nghiên cứu để làm máy tính, điện thoại… từ nhiều năm trước và không thể thiếu con chip. Quá trình nghiên cứu làm ra con chip có nhiều khó khăn. Đến khi làm ra con chip vẫn không hết khó khăn và càng thách thức hơn khi đưa chip Make in Việt Nam ra nước ngoài..

Năm 2018, tại Nhật Bản, FPT xây dựng nhóm có 43 người, tại Việt Nam 64 người để làm chip nhưng gặp nhiều có khăn. Có giai đoạn chỉ còn hơn 30 nhân sự nhưng mọi người vẫn bám trụ để đưa con chip vào thị trường khó tính bậc nhất này.

Thành công ở thị trường Nhật Bản cho FPT bài học về xây dựng niềm tin với khách hàng. Người Nhật Bản coi trọng uy tín nên FPT từng bước chứng minh được năng lực và dần xây dựng niềm tin với họ.

FPT cũng đổ nhiều mồ hôi để tháng 9/2022 ra được dòng chip đầu tiên và có hợp đồng 25 triệu chip bán cho khách hàng Úc. FPT đã gặp gỡ trực tiếp khách hàng, tìm hiểu nhu cầu thực tế đáp ứng nhu cầu của họ.

Ngoài việc học cách của người Nhật thiết kế và làm chip, vấn đề khó nhất là bán hàng. FPT đã phải rất vất vả để bán ra con chip đầu tiên của mình cho khách hàng ở Úc. Để rồi, thời gian qua, FPT đã ký một hợp đồng 70 triệu chip để cung cấp cho khách hàng ở Mỹ”, ông Khoa chia sẻ thêm.

DN Việt sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu

Ông Khoa cho biết, dù chip của FPT vẫn chưa phải là một sản phẩm hiện đại, khi mà tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ V, Viettel đã giới thiệu con chip lõi tự sản xuất cho hệ thống 5G với hàng trăm triệu bóng bán dẫn ở bên trong.

Do đó, năng lực sáng tạo, tinh thần STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Mathematics- Toán học), sự yêu thích khoa học tự nhiên của người Việt Nam đã đến lúc phát triển. Nhất là trong bối cảnh, dù chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ mà với cách làm hiện nay, Việt Nam đã có những kết quả nhất định.

Vì vậy, ông Khoa tin rằng, thời gian tới, khi Chính phủ tạo ra những hành lang pháp lý, tạo ra các thể chế tốt để thúc đẩy cho DN Việt, người Việt sẽ tạo ra những di sản công nghệ trên thế giới và tham gia vào chuỗi cung ứng chip trên toàn cầu.

Thời gian tới, FPT đóng góp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn: Đóng góp 10.000 nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn. Hy vọng các DN CNTT Việt Nam sẽ đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới.

Sắp tới, VINASA sẽ tổ chức một số các Hội thảo, Tọa đàm để chia sẻ, trao đổi và kêu gọi các DN đầu tư, nghiên cứu và tham gia vào lĩnh vực này. Hy vọng, DN Việt sẽ chung tay đưa con chip – sản phẩm Make in Viet Nam ra thế giới.

“DN công nghệ hãy có những ước mơ, hoài bão của mình để cùng nhau tiến lên để ngọn cờ Make in Vietnam tạo ra những giá trị lớn mà cả thế giới phải ngưỡng mộ”, ông Khoa kết luận./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người Việt có tố chất cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO