Những định hướng trọng tâm quản lý báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI
Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của nội dung do AI tạo ra mà không rõ nguồn gốc hay thiếu kiểm chứng, đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm của người làm báo, về vai trò của cơ quan quản lý, và cả về nhận thức của công chúng trước làn sóng thông tin mới.
Ngày 23/5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển”.

Ba định hướng trọng tâm mang tính chiến lược
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lê Hải Bình cho biết AI mang đến tiềm năng to lớn trong việc tối ưu hóa quy trình làm báo, giúp các tòa soạn rút ngắn thời gian sản xuất tin bài, cá nhân hóa nội dung phục vụ độc giả, và nâng cao hiệu quả phân tích dữ liệu để nắm bắt xu hướng dư luận.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, đi kèm với những tiềm năng là những thách thức không nhỏ về đạo đức báo chí, tính xác thực của thông tin, và sự gia tăng của các hình thức thông tin sai lệch, tin giả, thao túng nhận thức.
“Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của nội dung do AI tạo ra mà không rõ nguồn gốc hay thiếu kiểm chứng, đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm của người làm báo, về vai trò của cơ quan quản lý, và cả về nhận thức của công chúng trước làn sóng thông tin mới”.

Thứ trưởng Lê Hải Bình khẳng định, tại Việt Nam, báo chí luôn được xác định là lực lượng quan trọng trong việc truyền tải thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng vai trò của báo chí trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đồng thời luôn chú trọng tạo điều kiện để báo chí thích ứng với những thay đổi về công nghệ, về môi trường truyền thông và nhu cầu thông tin của xã hội.
Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương lớn cùng các chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực và đầu tư hạ tầng công nghệ cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và mang tính đột phá của AI đang khiến các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn nghề nghiệp, cũng như cơ chế quản lý truyền thông hiện hành trở nên chưa bắt kịp thực tiễn.
Trước những biến động đó, Thứ trưởng Lê Hải Bình cho rằng việc quản lý báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI cần có một tiếp cận tổng thể, đa ngành, linh hoạt và kịp thời. Trong đó, cần sự chung tay của cả Nhà nước, các cơ quan báo chí, và đặc biệt là các cơ sở đào tạo - nơi đang góp phần hình thành thế hệ nhà báo tương lai.
Từ góc độ quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo hệ thống báo chí phát triển lành mạnh, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và đáp ứng yêu cầu của thời đại số, Thứ trưởng Lê Hải Bình cho biết Bộ VHTT&DL đã và đang tập trung một số định hướng trọng tâm mang tính chiến lược như sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực báo chí và truyền thông số, đặc biệt là các quy định liên quan đến nội dung do AI tạo ra, xác lập rõ trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng AI, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý nhằm bảo đảm an toàn thông tin và môi trường truyền thông lành mạnh.
Thứ hai, tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc ứng dụng công nghệ số, nhất là AI, vào quy trình sản xuất và phân phối nội dung; đồng thời chỉ đạo xây dựng bộ quy tắc đạo đức, tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc ứng dụng AI, bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm và phục vụ lợi ích công.
Thứ ba, ưu tiên nâng cao năng lực số cho đội ngũ người làm báo; chỉ đạo xây dựng các chương trình đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu, tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (DN) công nghệ để hình thành nguồn nhân lực báo chí có khả năng thích ứng nhanh với chuyển đổi số và xu thế truyền thông hiện đại.

Thứ trưởng Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông trong việc chuẩn bị đội ngũ làm báo có phẩm chất, kỹ năng và tư duy phù hợp với thời đại AI.
Do đó, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần cập nhật nội dung giảng dạy để phản ánh đúng những biến chuyển của môi trường truyền thông số, đặc biệt là các kỹ năng khai thác và kiểm soát AI trong quy trình làm báo; trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn, mà cả năng lực phản biện, hiểu biết về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong bối cảnh thông tin đa chiều.
Đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí, DN công nghệ để đào tạo theo hướng thực hành, bám sát thực tiễn; Phát triển các trung tâm nghiên cứu ứng dụng AI trong báo chí - truyền thông…
“Sự đổi mới từ hệ thống đào tạo chính là nền tảng bền vững để báo chí không chỉ theo kịp mà còn chủ động dẫn dắt trong kỷ nguyên số. Nhân lực là yếu tố quyết định. Chỉ khi đội ngũ làm báo được trang bị đầy đủ về năng lực công nghệ, đạo đức nghề nghiệp và tư duy độc lập, thì AI mới trở thành công cụ hỗ trợ, chứ không phải thay thế con người”, Thứ trưởng Lê Hải Bình khẳng định.
Đánh giá toàn diện các vấn đề AI đặt ra đối với báo chí - truyền thông
Theo PGS. TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự phát triển bùng nổ của AI đang tạo ra những biến đổi sâu sắc, toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. AI không chỉ thay đổi cách thức sản xuất, phân phối và tiếp nhận thông tin, mà còn đặt ra hàng loạt thách thức về đạo đức, an ninh thông tin và vai trò của người làm báo.

Theo PGS. TS. Dương Trung Ý, báo chí không thể đứng ngoài xu thế công nghệ, và việc làm chủ AI phải được định hướng rõ ràng, nhất quán nhằm phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trên tinh thần đó, PGS. TS. Dương Trung Ý đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiến hành đánh giá toàn diện các vấn đề mà AI đặt ra đối với báo chí - truyền thông, từ đó đề xuất với Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh các giải pháp chiến lược, bao gồm: cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo để trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng cần thiết về AI; đẩy mạnh nghiên cứu về tác động của AI đến hoạt động báo chí - truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên.
Cơ hội và những thách thức chưa từng có đối với báo chí - truyền thông
Cũng tại hội thảo, PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của AI đang mở ra những cơ hội chưa từng có và đặt ra những thách thức sống còn đối với báo chí - truyền thông.
AI không chỉ thay đổi căn bản quy trình sản xuất, phân phối và tiếp nhận thông tin mà còn mở ra những khả năng vượt trội trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông. Sự phát triển này cũng đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp, pháp lý và an ninh thông tin.

PGS. TS. Phạm Minh Sơn khẳng định, việc nghiên cứu và làm chủ AI trong lĩnh vực báo chí không chỉ là câu chuyện kỹ thuật mà còn là thách thức lớn về mặt nguyên tắc, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp.
Theo đó, PGS. TS. Phạm Minh Sơn đề nghị các nhà khoa học tập trung vào 4 nhóm nội dung trọng tâm: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của AI; nhận diện rõ cơ hội và thách thức mà AI mang lại; đề xuất các giải pháp chiến lược về chính sách, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế; vai trò của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong việc đổi mới chương trình và nâng cao năng lực của nguồn nhân lực báo chí - truyền thông.
Trong khuôn khổ hợp tác từ năm 2016 đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và KOICA đã phối hợp tổ chức 10 hội thảo khoa học quốc tế và triển khai các chương trình bồi dưỡng tại Hàn Quốc. Những kết quả hợp tác này đã góp phần trong việc nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, nhà báo và cán bộ truyền thông tại Việt Nam.
Trong bối cảnh công nghệ, AI phát triển mạnh như hiện nay, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa cho rằng những thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... sẽ là cơ hội quý báu để cùng nhau suy ngẫm không chỉ về sự thay đổi của công nghệ, mà quan trọng hơn là cách báo chí có thể giữ vững niềm tin, trách nhiệm và bao trùm được những tiếng nói của các tầng lớp yếu thế trong dòng chảy biến động ấy.

Ông Lee Byung Hwa khẳng định, KOICA tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như nhiều đối tác khác tại Việt Nam nhằm tiếp tục hỗ trợ việc giao lưu tri thức và nâng cao năng lực trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.
"Đây không chỉ là việc truyền tải thông tin mà còn là xây dựng những nhịp cầu tin cậy kết nối con người với con người, văn hóa với xã hội, có ý nghĩa trên hành trình hợp tác báo chí giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc", ông Lee Byung Hwa nhấn mạnh.

Hội thảo bao gồm hai phiên thảo luận với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín từ Việt Nam và Hàn Quốc với các chủ đề như: Kiến tạo môi trường phát triển báo chí - truyền thông trong bối cảnh phát triển của công nghệ AI; AI và việc sử dụng trong truyền thông cũng như những thay đổi trong tương lai; truyền thông chính sách trong bối cảnh CĐS; tận dụng sức mạnh của AI để thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số; AI định hình lại ngành báo chí truyền thông; “Đồng nghiệp A.I” trong sản xuất báo chí, truyền hình; những ứng dụng mới nhất của AI trong lĩnh vực báo chí và truyền thông./.