Chuyển đổi số

PAPI 2023: Công cụ đo lường “của dân - do dân - vì dân”

Nhật Minh 16:29 02/04/2024

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là một thước đo quan trọng giúp nâng cao hiệu quả việc cải cách, quản trị hành chính công (PAR Index), thu hẹp khoảng cách số… hướng đến mục tiêu phát triển đất nước ngày càng văn minh, hiện đại, bền vững.

Đó là những giá trị hướng đến của PAPI và những nội dung quan trọng của báo cáo PAPI 2023 vừa được công bố sáng nay. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) phối hợp thực hiện.

Cổng DVC phải đảm bảo quyền riêng tư của công dân

Tại sự kiện, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc HCMA nhấn mạnh, các nội dung báo cáo thể hiện đầy đủ, chuyên sâu, khách quan, và đây chính là thông tin, căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành địa phương, đồng thời, cung cấp những gợi ý quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“PAPI ra đời từ 2009 đến nay, trải qua qua 15 năm, đã và đang trở thành một công cụ đo lường "của dân - do dân - vì dân’" đáng tin cậy, cung cấp thông tin thực chứng cho quá trình xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan tới người dân, cũng như cho quá trình xây dựng kế hoạch hành động nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân phản ánh qua chỉ số PAPI của tất cả 63 chính quyền cấp tỉnh, thành phố”, Phó Giám đốc HCMA nhấn mạnh.

screenshot-1661-(1).png
PGS.TS Dương Trung Ý cho rằng PAPI cung cấp thông tin quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành địa phương.

Cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của PAPI, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi cho rằng, báo cáo chứa đựng những thông tin, dữ liệu quý báu nhằm cung cấp bằng chứng cho việc hoạch định chính sách quản lý phù hợp, hiệu quả trong các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam, đồng thời, những thông tin, dữ liệu sẽ giúp các cơ quan chính quyền, nhà nước ở các đơn vị, địa phương nâng cao sự hài lòng khi phục vụ người dân và công khai, minh bạch trong quá trình ra quyết định.

Đặc biệt, PAPI còn góp phần giúp: Kiểm soát chống tham nhũng trong khu vực công; thúc đẩy tiềm năng của quản trị điện tử; thúc đẩy việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và công dân số; nắm bắt, đánh giá thực trạng đời sống đói nghèo, việc làm, các nhu cầu khác của người dân…

Cũng theo bà Ramla Khalidi, điều đáng mừng tại báo cáo thu được chính là những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận Internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công (DVC) ở địa phương so với năm 2020. Cụ thể, trong năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng DVC quốc gia, và 7,6% sử dụng DVC công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc.

Muốn phát huy hơn những kết quả tích cực đối với lĩnh vực các dịch vụ công điện tử hiện nay, bà Ramla Khalidi cho rằng, điều cần thiết tích cực chính là Việt Nam cần cải thiện tính dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng của các cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đảm bảo tính thuận tiện và toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân.

“Một trong số những biện pháp thiết thực nhất là cần phải thiết kế cổng DVCTT theo hướng tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập và sử dụng mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh và cần đảm bảo các cổng DVC phải đảm bảo quyền riêng tư của công dân…”, Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Cần có sự tham gia của người khiếm thị ngay từ khâu thiết kế DVCTT

Báo cáo PAPI đề cập đến 08 chỉ số nội dung: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; hiệu quản trị điện tử; việc tham gia của người dân ở cấp cơ sở; việc công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính (TTHC) công; cung ứng DVC; quản trị môi trường.

Theo đó, kết quả về: Hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị điện tử được cải thiện phần nào và 05 chỉ số nội dung còn lại cho thấy hiệu quả thực hiện công vụ ở những lĩnh vực này ít thay đổi so với hai năm trước.

screenshot-1658-1-.png
Kết quả khảo sát PAPI 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương.

Báo cáo nhấn mạnh, đánh giá của người dân về công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023.

“Mức thay đổi theo hướng tích cực hơn này cũng phù hợp với xếp hạng của người dân về các vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết trong thời gian tới: tham nhũng đã giảm từ vị trí thứ năm vào năm 2022 xuống vị trí thứ sáu vào năm 2023 trong danh mục top 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm”, báo cáo nhận định.

Hơn nữa, kết quả khảo sát PAPI 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, điều này tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Và theo ý kiến của đông đảo người dân khi khảo sát đều cho rằng giải pháp cho vấn đề chống tham nhũng hiện nay chính là cần tích cực đối với việc công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, vì khi làm tốt, người dân sẽ có thông tin đúng đủ, từ đó dễ dàng thực hiện việc “kiểm tra, giám sát” và yêu cầu cán bộ, công chức giải trình, thực hiện chuẩn, đúng quy định pháp luật.

Một điểm quan trọng báo cáo thể hiện đối với nội dung quản trị điện tử hiện nay, điều đáng mừng: Có sự gia tăng về việc tiếp cận, sử dụng Internet tại địa phương; việc sử dụng cổng thông tin điện tử, cổng DVC địa phương tăng; những người làm TTHC trên các DVC có mức độ hài lòng với dịch vụ hành chính cao hơn so với những người chỉ thích làm tại bộ phận “một cửa”.

Tuy nhiên trong kết quả đạt được này, báo cáo chỉ ra điều đang tồn tại chính là chưa có giải pháp để cải thiện trong việc huy động người dân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và trong phúc đáp ý kiến của người dân trên cổng thông tin điện tử cấp tỉnh.

Đưa ra đề xuất, báo cáo cho rằng, các cơ quan phụ trách cung ứng DVCTT cần thiết kế, áp dụng cách tiếp cận DVC trên một số loại thiết bị, điện thoại thông minh; các bộ phận “một cửa” cần được đầu tư để cung cấp DVCTT…

Ngoài ra, báo cáo còn nhấn mạnh đến việc số điểm quản trị điện tử hiện nay mà các tỉnh, thành phố mới chỉ đạt ở mức 04 (mức thang điểm từ 01-10), và kết quả đạt được này mới chỉ tương tự như kết quả khảo sát năm 2020-2022 mà chưa có sự thay đổi đáng kể.

Hơn nữa, theo báo cáo, cần quan tâm hơn nữa đối với nhóm người yếu thế khiếm thị, giúp những người khiếm thị được sử dụng, tiếp cận, trải nghiệm các cổng DVC hiệu quả, tốt hơn. “Đặc biệt, cần có sự tham gia của người khiếm thị ngay từ khâu thiết kế DVCTT ”, báo cáo nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Ứng dụng chữ ký số trong CĐS DN và cải cách hành chính
    Môi trường cạnh tranh gay gắt ngày nay đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Trong đó, việc sử dụng chữ ký số (CKS) đóng vai trò quan trọng khi các tổ chức, DN giao tiếp trên môi trường điện tử.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
PAPI 2023: Công cụ đo lường “của dân - do dân - vì dân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO