Phát huy sức mạnh Việt Nam trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

PV| 27/09/2021 16:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu về chuyển đổi số (CĐS) DN thời COVID.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, gần 2 năm qua, COVID-19 đã tạo ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn và thách thức. COVID rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng quan trọng là ai sẽ tận dụng được cơ hội mà COVID mang lại, ai sẽ là người thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi mô hình kinh doanh để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn. Một số quốc gia đã làm được. Nhiều DN đã làm được. Đó là nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường số. Với CĐS thì một tháng COVID có thể bằng cả chục năm.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Dịch vụ công trực tuyến sẽ tăng từ 30% của năm 2020 lên 100% vào năm nay, tức là năm 2021. Các hoạt động của Chính phủ sẽ chuyển nhanh lên môi trường số, kể cả các hoạt động thanh kiểm tra. Chính phủ sẽ dẫn dắt công cuộc CĐS quốc gia nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình này thông qua việc hoàn thiện các thể chế số. Năm 2021 này, Chính phủ sẽ ban hành nhiều nghị định và chiến lược liên quan đến CĐS, kinh tế số.

"Để mọi người có niềm tin chuyển lên môi trường số thì đảm bảo an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng thông báo một tin vui là năm 2020, Việt Nam được quốc tế xếp hạng thứ 25 trong số 194 quốc gia về an toàn, an ninh mạng toàn cầu. Trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương thì Việt Nam xếp thứ 7. Trước đó, năm 2018, chúng ta xếp hạng thứ 50 thế giới.

Để thúc đẩy CĐS, các nhà mạng viễn thông đã thực hiện gói hỗ trợ cước viễn thông và Internet lên tới 10.000 tỷ đồng. Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT đã chỉ đạo các DN công nghệ số xây dựng một bộ phần mềm để hỗ trợ CĐS cho các DN vừa và nhỏ, miễn phí từ 3 - 6 tháng đầu, hiện nay đã có trên 10.000 DN đang sử dụng.

Trong năm 2021 này, mạng viễn thông sẽ giải quyết triệt để 2.000 điểm lõm sóng cuối cùng để toàn dân được phủ sóng viễn thông và Internet. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng là cú huých thúc đẩy CĐS ngành giáo dục và xã hội số.

Chính phủ sẽ ký Nghị định về đấu giá tần số trong quý 4 này để Bộ TT&TT cấp được tần số 4G/5G cho các nhà mạng đầu tư tăng dung lượng và đặc biệt là phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc năm 2022. Cũng như từ năm 2023 thì 100% người dân sẽ dùng điện thoại thông minh. Chiến lược hạ tầng số Việt Nam đặt mục tiêu xếp hạng top 30 thế giới trước năm 2025, như vậy, các DN tại Việt Nam sẽ có được một hạ tầng số hiện đại để phát triển kinh tế số.

Để lên môi trường số, theo Bộ trưởng, thanh toán điện tử được coi là nền tảng. Để thanh toán điện tử phủ được toàn dân nhanh nhất thì mobile money là giải pháp tốt nhất, hiện nay những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm mobile money sẽ được cấp và hy vọng sẽ tạo thành cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy CĐS và kinh tế số.

Bộ trưởng cũng thông báo với cộng đồng DN là các phần mềm phòng chống COVID-19 chính thức của Chính phủ đã được tích hợp vào một ứng dụng (app) duy nhất. Hiện nay có nhiều app tự phát trên thị trường đáp ứng các nhu cầu khác nhau, nhưng chính thức của Chính phủ thì chỉ có một là PC-COVID.

"Việt Nam muốn phát triển thì vẫn phải đi con đường Việt Nam. Việt Nam muốn đánh thắng thì vẫn phải dựa vào sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh đó là chia nhỏ ra mà đánh, khoanh nhỏ lại mà đánh, và khi đã chia nhỏ ra thì sức mạnh Việt Nam là nhanh, là linh hoạt, là thích ứng, là cơ động, là tiết kiệm, là lấy yếu thắng mạnh sẽ được phát huy hiệu quả. Bởi vậy mà chống dịch hay là sau này phát triển kinh tế thì cũng đều nên như vậy", Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát huy sức mạnh Việt Nam trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO