Hòa Lạc sẽ là khu tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký và ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung khu đô thị Hòa Lạc đến 2030 nhằm phát triển Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Theo đó, Khu đô thị Hòa Lạc trong tương lai được định hướng là đô thị KH&CN, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm ý tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng…
Đô thị Hòa Lạc có mô hình phát triển gồm 2 vùng đặc trưng: Vùng lõi đô thị phát triển xây dựng theo mô hình đô thị, tập hợp các khu chức năng và khu đô thị mới, với các trung tâm cấp vùng và khu vực; Vùng vành đai xanh bao quanh đô thị phát triển xây dựng theo mô hình nông thôn mới.
Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị Hòa Lạc khoảng 150.000 người. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, dân số đô thị Hòa Lạc (tối đa) khoảng 600.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.
Theo Bộ KH&CN cho biết, tính đến cuối năm 2019, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đã có 90 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 85.800 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 6.895 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư do các tập đoàn hàng đầu ở trong nước và quốc tế đã có mặt tại khu công nghệ cao Hòa Lạc như: Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Trung tâm nghiên cứu và kiểm thử DT&C (Hàn Quốc), các DN công nghệ Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, Vingroup,...
Tập đoàn Viettel đã đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data center) đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy mô và dung lượng lớn nhất Việt Nam tại Hòa Lạc. Viettel cũng xây dựng tổ hợp nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao với quy mô gần 2.000 chuyên gia và kĩ sư làm việc.
Tập đoàn Vingroup cũng đã xây dựng Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có diện tích gần 14,8 hecta, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm. Trong đó, giai đoạn 1 của Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 4,8 hecta với mặt bằng khu sản xuất là 45.200 m2, quy hoạch thành các phân khu sản xuất bảng mạch điện tử, sản xuất điện thoại.
Sớm đưa Huế thành trung tâm KH&CN cao khu vực miền Trung
Cũng với tầm nhìn thúc đẩy KH&CN, từ năm 2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW (Kết luận 48) về xây dựng, phát triển Huế và đô thị Huế đến năm 2020, với phương hướng: "Xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, KH&CN, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển KH&CN tại miền Trung, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 22/5/2020. Để triển khai Nghị quyết, mới đây, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Bộ KH&CN về định hướng phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong 5 năm qua lĩnh vực hoạt động của ngành KH&CN, đạt được nhiều kết quả: Các tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã được áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản luôn đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị và được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Hạ tầng và thiết chế khoa học - công nghệ ngày càng hoàn chỉnh với các trường đại học, cao đẳng...
Đến nay, toàn tỉnh có 27 tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực tư vấn dịch vụ nghiên cứu KH&CN. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ phát triển về số lượng, chất lượng.
Đặc biệt, tỉnh đã ứng dụng CNTT trong xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh đặc biệt được chú trọng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh hình thành các thiết chế KH&CN trọng điểm và thực hiện các chương trình phát triển ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Nhằm phát huy hơn nữa các kết quả đạt được trong lĩnh vực KH&CN, thời gian tới, tỉnh tích cực đẩy mạnh hoạt động chuyển giao phát triển công nghệ, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung... hướng đến một nền công nghệ cao, công nghiệp sạch, kinh tế tri thức.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện đề án Cố đô Khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của thị trường.
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực KH&CN và đào tạo vào nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng, trình độ lao động trong việc hấp thụ công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức...
Tin tưởng với những quyết tâm, giải pháp thực tế, các cấp ngành, các tổ chức cá nhân, người làm khoa học của tỉnh sẽ luôn phát huy, đồng hành để xây dựng Huế sớm trở thành trung tâm KH&CN lớn của miền Trung.