Phát triển nhanh hơn nữa Chính phủ số để cuộc sống sớm về trạng thái bình thường mới

Đỗ Minh| 09/09/2021 16:21
Theo dõi ICTVietnam trên

"Phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số (CPS) chính là hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số làm cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn…"

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại cuộc "Hội thảo trực tuyến Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021" do IDG Vietnam và Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT diễn ra sáng nay 9/9.

Thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển CPĐT, hướng tới CPS, đưa cuộc sống sớm về trạng thái bình thường mới

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển CPĐT, hướng tới CPS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030. 

"Đây là lần đầu tiên, sau 20 năm triển khai CPĐT, Việt Nam chúng ta đã chính thức ban hành một văn bản Chiến lược ở tầm quốc gia với các định hướng lớn về phát triển CPĐT. Chiến lược này sẽ trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của chúng ta trong một thập kỷ tới - một thập kỷ mà Liên Hợp Quốc đánh giá là Thập kỷ hành động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: "Việc phát triển CPĐT, CPS là góp phần giải quyết các vấn đề lớn, các nỗi đau của xã hội, từ đó phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) được tốt hơn; hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số làm cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn… Do vậy, để đảm bảo tương lai, kết quả tốt, yếu tố quan trọng quyết định, phụ thuộc vào nỗ lực và hành động của chúng ta ngày hôm nay".

Phát triển nhanh hơn nữa chính phủ số để cuộc sống sớm về trạng thái bình thường mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: với tư duy và cách làm mới của CĐS đang làm nhanh, làm trên nền tảng thì việc sớm đạt mục tiêu cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương.

Trên quan điểm đại diện cơ quan quản lý về TT&TT và là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh thêm, nếu phải lựa chọn ra 01 việc quan trọng nhất, ý nghĩa nhất trong Chiến lược để triển khai trọn vẹn, dứt điểm trong năm 2021, Bộ TT&TT sẽ lựa chọn mục tiêu đưa toàn bộ các Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của các bộ ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4.

Phải thực hiện nhanh chóng, tích cực nhiệm vụ này, bởi lẽ hiện nay, tỷ lệ các DVCTT trên toàn quốc mới đạt khoảng 45%. Do đó, chúng ta cần có giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả của các DVCTT theo các các tiêu chí: Đặt mục tiêu cho mỗi dịch vụ công, cứ có người dùng ngoại tuyến sẽ có tối thiểu 01 người dùng trực tuyến; đối với các DVCTT đã lên mức độ 4 được tối thiểu 01 năm, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến cần đạt tối thiểu 30% trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Dũng tin tưởng rằng, với tư duy và cách làm mới của CĐS đang làm nhanh, làm trên nền tảng thì việc sớm đạt mục tiêu cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương. "Chúng ta hãy coi đây là trách nhiệm để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển CPĐT, hướng tới CPS, góp phần đưa cuộc sống sớm về trạng thái bình thường mới", Thứ trưởng Dũng mong muốn.

Ưu tiên phát triển các CSDL có tính nền tảng và thuộc các lĩnh vực trọng tâm cần CĐS

Theo TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ (VPCP), những năm qua  chúng ta đã có những kết quả khả quan khi thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy CPĐT, CPS, tuy nhiên, đối với các DVCTT vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao như mong muốn, sự kỳ vọng. Vẫn còn tình trạng ở các đơn vị, địa phương làm theo cách truyền thống, chưa chú trọng tới chất lượng DVC được cung cấp, coi trọng về số lượng. 

Do đó, TS. Phan cho rằng một số DVC khi đưa lên môi trường điện tử vẫn còn thực hiện khó, phức tạp. Vì những hạn chế này, đây là lúc chúng ta cần tái cấu trúc các quy trình, vận dụng hiệu quả các nền tảng số, đồng thời, cần vận dụng việc số hóa mạnh để thay đổi phương thức làm việc.

Đưa ra giải pháp cụ thể, TS. Phan nhấn mạnh cần tập trung vào các định hướng: Cổng DVC quốc gia cần kết hợp tích cực hơn nữa đối với các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp Tỉnh, cấp Bộ để thúc đẩy, hỗ trợ việc CĐS trong việc giải quyết TTHC, cung cấp DVC.

Cùng với đó, phát triển các nền tảng dùng chung trên Cổng DVC quốc gia, trong đó cần tập trung: Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về TTHC; nền tảng xác thực, định danh; nền tảng thanh toán trực tuyến; danh mục dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết TTHC; hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, cung cấp DVC….

Đặc biệt, cần gắn số hóa với quá trình nhận, giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp, cụ thể: Mở rộng hơn nữa việc tiếp nhận, giải quyết TTHC phi địa giới hành chính: kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC bằng dữ liệu theo thời gian thực.

"Cần đẩy mạnh cải cách, dẫn dắt CĐS trong giải quyết TTHC như: khuyến khích đổi mới, sáng tạo, áp dụng mô hình hay để thúc đẩy CĐS trong giải quyết TTHC; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh...", ông Phan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhấn mạnh thêm, việc phát triển CPĐT hướng đến CPS hiện nay cần tập trung vào 10 giải pháp: Tổ chức, bộ máy, mạng lưới; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, DN; nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; hợp tác quốc tế; đảm bảo kinh phí (đại phương xây dựng tỷ lệ chi cho CĐS); đo lường, giám sát, đánh giá triển khai; cơ chế điều hành, tổ chức thực thi.

Chính phủ số hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và hành động của chúng ta ngày hôm nay    - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT): chúng ta cần phát triển dữ liệu số ở quy mô quốc gia, cũng như tại các bộ, ngành, địa phương

Song hành với các giải pháp đó, cần giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội như: Đảm bảo an toàn, an ninh mạng; hạ tầng số; việc làm, đào tạo trực tuyến; giáo dục số; y tế số; nông nghiệp số; giao thông thông minh…

"Đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cần nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm giám sát Chính phủ điện tử (e-Gov SOC), hệ thống thao trường điện tử, hệ thống điều phối, ứng cứu sự cố…", ông Tiến nhấn mạnh.

Thêm vào đó, theo ông Tiến, chúng ta cần phát triển dữ liệu số ở quy mô quốc gia, cũng như tại các bộ, ngành, địa phương; cần phát triển các CSDL quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, DN, cơ quan nhà nước; chú trọng phát triển các CSDL thuộc các bộ, ngành, địa phương để tạo dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia phát triển CPS; ưu tiên phát triển các CSDL có tính nền tảng và thuộc các lĩnh vực trọng tâm cần CĐS.

Phát triển Chính phủ số lấy người dân làm trung  tâm

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng CPS và đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB) cho rằng, công nghệ số hiện nay đang là mối quan tâm xuyên suốt, do đó Chính phủ, các chính quyền cần phải có phương pháp tiếp cận toàn diện để vận hành, tích hợp đồng bộ.

Theo ông Andrew Jeffries, các nước trên thế giới đang thúc đẩy CPĐT, điều này có nghĩa rằng chương trình nghị sự về số hóa cần phải hướng đến việc cải thiện khả năng tiếp cận và lấy công dân làm trung tâm đối với các DVC. "CPS sẽ không thể hiệu quả khi phần đông người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận DVCTT. Do đó, CPĐT cần rà soát toàn thể, không bỏ sót ai trong quá trình cung cấp DVCTT".

Ông Andrew Jeffries chỉ ra nguyên nhân làm hạn chế trong việc phát triển các DVCTT chính là rào cản kết nối, bao phủ của mạng Internet (vùng sâu, xa), đồng thời chi phí kết nối mạng cũng tạo ra rào cản với bộ phận dân cư thu nhập thấp có nhu cầu tiếp cận các gói hỗ trợ hay thông tin được cung cấp từ các dịch vụ trên CPS.

Do đó, để hiệu quả phát triển CPS tại Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa, Việt Nam cần giải quyết những thách thức liên quan đến khả năng tiếp cận DVCTT như: Mở rộng vùng phủ sóng Internet phi thương mại - thể hiện vai trò hỗ trợ, quản lý, đầu tư của Chính phủ một cách rõ ràng; Chính phủ cần đảm bảo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, ưu tiên đầu tư và khuyến khích thị trường cung cấp kết nối toàn cầu…

Để CPĐT có thể hoạt động một cách hiệu không chỉ đơn giản là ứng dụng phần mềm phù hợp. Chúng ta cần chú ý nhiều hơn tới quá trình tái thiết kế quy trình nghiệp vụ và quản lý thay đổi, do đó điều này cần phải gắn liền với chương trình cải cách khu vực công của Chính phủ. Tiếp đó mới đến vấn đề kết nối những giải pháp phần mềm. 

"Điều này yêu cầu một sự thay đổi mô hình vì liên quan đến các cách thức mới, thủ tục mang tính chính quyền, tất cả vì mục tiêu mang lại giá trị tốt hơn cho người dân, và việc sử dụng công nghệ số là phương tiện để đạt được điều này", Giám đốc Andrew Jeffries nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm của Giám đốc Andrew Jeffries, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị việc phát triển CPS Việt Nam cần tập trung: Tích hợp và liên thông trong thiết kế và cung cấp dịch vụ; tăng cường điều phối giữa các bộ ngành và trong chính quyền các cấp; Chính phủ xây dựng, quản lý và chia sẻ cơ sở dữ liệu tập trung; tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đặc biệt, lấy con người làm trung tâm trong thiết kế, cung cấp, đánh giá dịch vụ; nghiên cứu người dùng trong tất cả các bước để nộp hồ sơ trực tuyến (tìm kiếm thông tin, chuẩn bị hồ sơ, nộp và tra cứu kết quả, phản hồi…).

"Việc phát triển CPS ở Việt Nam mục tiêu cuối cùng là vì một nền Chính phủ mở, Chính phủ vì lợi ích của mọi người dân. Do đó Chính phủ cần hướng đến việc quản trị minh bạch, trách nhiệm giải trình; cần hợp tác với người dân, DN, cộng đồng để thiết kế và triển khai giải pháp…", ông Patrick Haverman kiến nghị./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nhanh hơn nữa Chính phủ số để cuộc sống sớm về trạng thái bình thường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO