Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng một hệ thống để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch TMĐT trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa do có đầy đủ cơ sở dữ liệu.
Một trong các giải pháp quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong đó, đối với giải pháp về thủ tục hải quan, thủ tục hải quan phải đơn giản, nhanh chóng, đảm bảo việc quản lý của cơ quan hải quan, thu đúng, thu đủ thuế xuất khẩu nhập khẩu, phòng chống gian lận thương mại. Để đáp ứng được yêu cầu này thì các bên tham gia vào hoạt động giao dịch TMĐT gửi trước đến Hệ thống quản lý hải quan.
Với giải pháp về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, bổ sung quy định về việc miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phải cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành trong trường hợp:
- Có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng trở xuống, trừ trường hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thông báo gửi đến Tổng cục Hải quan hàng hóa không được phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành;
- Có trị giá hải quan trên 1.000.000 đồng nhưng hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo số lượng/định lượng nhất định thì được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành.
Các tổ chức, cá nhân không được thu gom hàng hóa theo tiêu chuẩn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của các tổ chức, cá nhân mua hàng giao dịch qua TMĐT. Trường hợp có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Về việc thời gian cập nhật kết quả kiểm tra chuyên ngành, kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT phải được cập nhật trên Hệ thống xử lý chậm nhất 02 giờ làm việc sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành nhưng không được chậm hơn thời gian thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang triển khai thực hiện.
Đồng thời, để đảm bảo được việc bảo vệ an toàn thực phẩm, tránh lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến an ninh quốc gia quy định: Các trường hợp miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành không áp dụng trong trường hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia hoặc có văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.
Quy định về việc hàng hóa đang được lưu giữ trong kho ngoại quan (chưa làm thủ tục nhập khẩu), cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo đề nghị của doanh nghiệp là chủ hàng hóa hoặc được chủ hàng hóa ủy quyền thực hiện các thủ tục tại Việt Nam.
Sau khi có kết quả cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành thì cơ quan hải quan thực hiện trừ lùi trên giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành để thực hiện thủ tục nhập khẩu cho từng đơn hàng khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Xây dựng Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu
Giải pháp khác của Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Cụ thể, để đảm bảo có CSDL để thực hiện việc quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT thì cần thiết phải xây dựng một Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có các đặc điểm:
- Hệ thống được xây dựng nằm trong Hệ thống tổng thể quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tiếp nhận, lưu giữ thông tin liên quan đến các giao dịch TMĐT.
- Cập nhật các thông tin về các sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT bán hàng (thông tin về khuyến mại, chính sách bán hàng, thông tin về nhà vận chuyển, người bán hàng,…) và các cơ chế, chính sách quản lý về TMĐT (chính sách thuế, mã số hàng hóa, danh mục hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành,….);
- Xử lý các thông tin được tiếp nhận và chia sẻ thông tin đến Hệ thống khác phục vụ nhu cầu quản lý; phân quyền cho các đối tượng tham gia vào Hệ thống; thực hiện xử lý thông tin trên Hệ thống để thực hiện: phản hồi cho người truyền dữ liệu, phản hồi cho cơ quan quản lý liên quan; thực hiện đánh giá rủi ro, cảnh báo cho các đơn vị quản lý; truyền dữ liệu đã xử lý đến các Hệ thống liên quan khác để thực hiện quá trình thông quan hàng hóa; lưu giữ các thông tin cần thiết phục vụ công tác thống kê, báo cáo, là thông tin đầu vào cho các quá trình xử lý thông tin của ngành, lĩnh vực, nhà nước.