Hồ sơ trực tuyến đạt 82,27%
Thời gian qua, Sở Tư pháp Hà Nội đã triển khai cơ bản, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm TTHC tư pháp. Đáng chú ý, công tácCCHC tư pháp, ứng dụng CNTT luôn được đơn vị quan tâm,chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ chuyên môn quản lý của Sở.
Theo báo cáo Sở Tư pháp Hà Nội, quý I/2020, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trong trong kỳ lĩnh vực lý lich tư pháp là 20.250 hồ sơ (chiếm 82,27%). Trong đó, lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch là 750 hồ sơ, lĩnh vực lý lịch tư pháp 23.205 hồ sơ, lĩnh vực bổ trợ tư pháp 491 hồ sơ.
Đơn vị đã phối hợp liên ngành trong thực hiện giải quyết TTHC, xây dựng quy chế trao đổi với ngành Tư pháp thành phố trong cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Đặc biệt, đơn vị đã triển khai việc chuyển hồ sơ xác minh lý lịch tư pháp của công dân qua mạng theo Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an, giúp giảm thời gian, nâng cao hiệu quả việc xác minh thông tin, chất lượng cấp phiếu lý lịch tư pháp (giảm 3 ngày làm việc so với trước đây).
Sở, thành lập Tổ công tác thực hiện đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, phối hợp với Sở Nội vụ chấm điểm thực hiện các chỉ số CCHC của UBND TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh các nội dung trên Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố đối với các TTHC tư pháp, phù hợp với TTHC được công bố tại Quyết định số 4304/QĐ-UBND ngày 13-8-2019 của UBND Thành phố.
Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bộ phận một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội đã đổi mới phương thức làm việc, trong đó khuyến khích người dân lựa chọn nộp hồ sơ qua phần mềm điện tử và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Đến nay kết quả thu được đạt trên trên 90% yêu cầu cấp Phiếu của công dân, giải quyết đúng hạn, một số trường hợp trả kết quả sớm hơn so với thời hạn quy định.
Đối với công tác kiểm soát TTHC gắn với thẩm định văn bản, Sở thường xuyên cập nhật, lập danh mục công bố các tài liệu mới, tài liệu còn hiệu lực và gửi các cơ quan, đơn vị niêm yết công khai cho người dân nắm bắt. Đồng thời, đơn vị tích cực đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các TTHC theo kế hoạch của thành phố.
Công tác bổ trợ tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cũng được Sở tập trung thực hiện, góp phần nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật cho người dân thủ đô.
Sở tích cực tham gia công tác liên ngành, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các đơn vị việc thực hiện các cam kết cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, đề án cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và thủ tục hồ sơ nhận, trả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Năm 2020, Sở phối hợp với Văn phòng UBND TP. Hà Nội, Sở TT&TT và đơn vị tư vấn xây dựng, đưa vào vận hành DVCTT mức độ 3.
Đảm bảo vận hành DVCTT mức độ 3
Trong quý I/2020, Sở Tư pháp đã trình UBND thành phố ban hành Quyết định phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vưc tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, UBND cấp xã và TTHC liên thông giữa cấp xã và cấp huyện trên địa bàn TP Hà Nội.
Trước đó, ngày 27/3/2020, Hà Nội đã vận hành 71 TTHC trên Cổng DVCTT mức độ 3 đối với ngành tư pháp.
Theo đó, thành phố yêu cầu Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện triển khai 48 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết qua DVCTT: Các thủ tục đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh trung tâm tư vấn pháp luật; đăng ký hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản…
Thành phố cũng yêu cầu 2 đơn vị tư pháp cấp huyện, xã cũng phải thực hiện các TTHC qua DVCTT mức độ 3.
Cụ thể, cấp huyện thực hiện 15 TTHC như: Đăng ký lại khai sinh có yếu tố nước ngoài; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài; đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài; chứng thực chữ ký người mà người dịch không phải là cộng tác viên dịch thuật của phòng Tư pháp…
Cấp xã 8 TTHC như:Đăng ký lại khai tử; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; đăng ký lại khai sinh; đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký nuôi con nuôi trong nước; đăng ký lại việc nuôi con nuôi…
Để làm tốt hiệu quả tư pháp của ngành, Sở Tư pháp đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã, phường tổ chức việc thông tin, tuyên truyền và thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Thành phố, Hệ thống một cửa điện tử thành phố.
Bên cạnh đó, Văn phòng Sở, Phòng phổ biến giáo dục pháp luật, Báo Pháp luật và Xã hội chủ động tuyên truyền, cung cấp thông tin, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia khai thác, sử dụng DVCTT khi làm TTHC.