Thành thạo các công cụ AI mang lại cho giới trẻ nhiều cơ hội việc làm
Trong một thế giới mà trí tuệ nhân tạo (AI) đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, việc thành thạo các công cụ AI sẽ mang lại cho giới trẻ nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm việc làm. Nhu cầu nhân lực trong ngành blockchain và AI đang rất lớn với môi trường làm việc quốc tế linh hoạt, thu nhập cao…
Thị trường lao động đang được định hình lại bởi AI
Tại sự kiện ABAII Unitour 14 với chủ đề “Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai” diễn ra vào tháng 10/2024, TS. Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết blockchain và đặc biệt là AI không chỉ là xu hướng mà còn là cơ hội lớn giúp Việt Nam tiến xa trên bản đồ kinh tế số thế giới. Sinh viên cần nắm bắt, làm chủ công nghệ này để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và làm chủ tương lai của chính mình.
Blockchain và AI đã và đang định hình lại nền kinh tế số, đồng thời là chìa khóa mở ra con đường sự nghiệp quốc tế cho thế hệ trẻ. Việc thành thạo công nghệ này sẽ giúp sinh viên đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.
Theo báo cáo của McKinsey 2023, AI tạo sinh tạo ra khoảng 4.000 tỷ USD/năm cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó marketing, bán hàng và phát triển phần mềm là những ngành chịu tác động mạnh nhất. Còn theo báo cáo của Microsoft, người lao động ở mọi lứa tuổi, từ GenZ (18 - 28 tuổi), Millennials (29 - 43 tuổi), GenX (44 - 57) tới Boomers (trên 58 tuổi) đều đang có xu hướng chấp nhận và sử dụng AI như một công cụ học tập và làm việc không thể thiếu với tỷ lệ ứng dụng từ 73 - 85%.
Theo một phân tích mới được công bố hồi tháng 1/2024 với tên gọi "Gen-AI: Trí tuệ nhân tạo và tương lai của công việc", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo AI sẽ tác động đến 40% việc làm trên toàn thế giới, bao gồm một số công việc sẽ bị thay thế trong khi số khác sẽ được cải tiến và ứng dụng AI vào quá trình làm việc.
Bên cạnh đó, AI cũng mở ra cánh cửa mới để đạt được một sự nghiệp thành công. Theo ước tính được Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư đa quốc gia ở Hoa Kỳ) đưa ra hồi tháng 3/2023, việc ứng dụng AI có thể giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7%/năm trong vòng 10 năm. Các chuyên gia cũng cho rằng nhiều ngành nghề mới sẽ ra đời và những người có thể nắm bắt, ứng dụng công nghệ AI sẽ giành được lợi thế.
Tại "Diễn đàn mở cơ hội nghề nghiệp sinh ra từ công nghiệp mới" diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc tháng 10/2024, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nhận định, với khả năng phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại, đến năm 2030, có đến 375 triệu lao động trên toàn cầu có thể cần chuyển đổi hạng mục nghề nghiệp. Dự đoán, 85% các công việc sẽ tồn tại trong xã hội vào năm 2030 hiện chưa được phát minh.
Với tốc độ phát triển của AI và robot, có khoảng 20 - 30% lực lượng lao động sẽ được trả lương cao hơn, nhờ vào khả năng thích nghi với công nghệ mới. Tuy nhiên, 70% số lao động còn lại có nguy cơ bị rơi vào tình trạng "tầng lớp vô dụng trong tương lai" vì không còn phù hợp với thị trường lao động hiện tại.
Kỹ năng sử dụng AI trở thành nhu cầu thiết yếu
Trong bối cảnh công nghệ blockchain, AI đang ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi để thay đổi cách thức quản lý dữ liệu và giao dịch tài chính thông qua các ứng dụng như tài sản thực được token hóa (RWA), NFT,...
Cũng tại sự kiện sự kiện ABAII Unitour 14 với chủ đề “Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai”, ThS. Nguyễn Minh Cường, Tư vấn trưởng Công ty CP công nghệ và dịch vụ Alobase, nhấn mạnh nhu cầu nhân lực trong ngành blockchain và AI đang rất lớn, đặc biệt là các vị trí lập trình viên với mức thu nhập cao và môi trường làm việc quốc tế linh hoạt, ít cạnh tranh.
Tuy nhiên, thực tế, sự phát triển nhanh chóng của ngành AI cũng đặt ra yêu cầu về vấn đề tuân thủ đạo đức AI và các tiêu chuẩn cộng đồng, lừa đảo hay giả mạo danh tính bằng deepfake (giả mạo hình ảnh, giọng nói chất lượng cao).
Trên thực tế, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển AI đến năm 2030 từ năm 2021. Đặc biệt, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Mặt khác, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, AI có quy mô lớn trong khu vực, với sự tham gia của Google, Meta, Qualcomm, Intel… và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Microsoft tháng 5/2024 chỉ ra rằng, 66% nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ không thuê nhân sự thiếu kỹ năng AI.
Đối với nhân viên, AI không chỉ nâng cao năng lực lao động mà còn phá vỡ nhiều rào cản thường gặp trong sự nghiệp, giúp gia tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập. Nói một cách khác, AI không dừng lại ở mức cơ hội, mà đang trở thành yêu cầu bắt buộc với phần lớn lao động trẻ ngay từ bây giờ.
Tại Hội thảo “Bức tranh AI toàn cầu và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên” được tổ chức tháng 5/2024 vừa qua, ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc FPT AI Quy Nhơn cho biết, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến AI đã tăng 74% mỗi năm trong 5 năm qua. Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, toán học, thống kê, hay kỹ thuật phần mềm có lợi thế lớn trong việc tiếp cận những công việc như: kỹ sư AI, nhà khoa học dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên phát triển thuật toán… với mức lương trung bình cao hơn 30% so với các ngành nghề khác. Đối với sinh viên các ngành công nghệ, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đặt ra đối với con đường sự nghiệp sau khi ra trường.
Có thể nói, AI là bước tiếp theo trong việc ứng dụng công nghệ vào quy trình tự động hóa. Nếu như trước đây máy móc và robot được sử dụng trong sản xuất để thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, thì giờ đây AI xuất hiện để tự động hóa các tác vụ dịch vụ khách hàng như: Tạo bản kế hoạch, soạn thảo nội dung, đề xuất ý tưởng… và các nhiệm vụ khác. Khi thế hệ trước phải làm quen với kỹ thuật điều khiển máy thì bây giờ đến lượt thế hệ Millenium, Gen Z, Gen Alpha phải làm chủ kỹ năng làm việc với AI./.