Chuyển động ICT

Thời cơ để Việt Nam tham gia sâu vào ngành công nghiệp chip thế giới

Nguyễn Thanh Yên, Cộng đồng vi mạch Việt Nam 17/04/2023 15:20

Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn có một không hai để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp thiết kế và đóng gói sản phẩm chip bán dẫn.

Để có thể thành công nắm bắt thời cơ, góp phần thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn ở Việt Nam trong thời gian tới, cuối tuần qua, “Cộng đồng vi mạch Việt Nam” đã tổ chức buổi gặp mặt lần thứ 3 ở Hà Nội để thảo luận về vấn đề này.

Trong hai diễn ra từ 15 và 16/4/2023, với sự tham gia của 45 đại diện của 12 công ty thiết kế chip cùng với các giáo viên đến từ Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội và ĐH Lê Quý Đôn đã có 3 tham luận và nhiều đề xuất rất thực tế đã được trao đổi, thảo luận.

cong-dong-vi-mach-3_17042023.jpg

Hỗ trợ giải bài nguồn nhân lực

Gần một nửa thời gian của hội nghị là để trao đổi về các hành động cụ thể để góp phần phát triển nguồn nhân lực. Tuy số lượng tuyển dụng kỹ sư mới ra trường gần đây gia tăng đáng kể nhưng con số 5000 kỹ sư thiết kế chip vần là con số khá kiêm tốn trong bối cảnh công nghệ chip đang ở giai đoạn xuất hiện những thay đổi lớn về công nghệ và đặc điểm tài nguyên về dân số ở Việt Nam. Làm sao để có thể vừa thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp (DN) vừa tăng chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, giảm thời gian DN đào tạo lại là bài toán không dễ giải quyết.

Phát huy lợi thế của Cộng đồng, là nhóm các kỹ sư vi mạch người Việt Nam đang làm việc cho các công ty thiết kế chế tạo sản xuất vi mạch ở trong và ngoài nước và các giáo sư, nghiên cứu sinh, sinh viên đam mê vi mạch đang học tập và nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo tại Việt Nam hoặc nước ngoài, thời gian tới, Cộng đồng sẽ chia sẻ các cách hỗ trợ. Đồng thời, các thành viên tâm huyết cũng cam kết bỏ công bỏ sức chủ động đồng hành với ĐH trong việc hỗ trợ phần thực hành các môn học liên quan tới thiết kế chip, mục tiêu là giảm được một nửa thời gian đào tạo lại trong các DN khi tuyển dụng các kỹ sư mới ra trường.

Để có thể tăng thêm nhu cầu tuyển dụng kỹ sư mới ra trường trong các tổ chức DN, các thành viên Cộng đồng cam kết nỗ lực nâng cao năng lực kỹ thuật, ngoại ngữ để ngày càng lấy được niềm tin của lãnh đạo trong việc giao thêm nhiều dự án cho các nhóm ở Việt Nam. Như vậy, các kỹ sư Việt Nam sẽ ngày càng có tiếng nói trong việc lên kế hoạch tuyển dụng, để xuất mức lương khởi điểm và đào tạo các lớp kỹ sư mới. Cộng đồng cũng cam kết bảo trợ các start-up và tăng cường kết nối, ưu tiên hợp tác giữa các tổ chức trong Cộng đồng.

Hỗ trợ các công ty vi mạch trong nước

Trong số gần 40 công ty đang hoạt động thiết kế vi mạch ở Việt Nam có 4 công ty là công ty trong nước, đây là con số rất đáng khích lệ, chứng minh đội ngũ nhân lực thiết kế chip Việt Nam đã trưởng thành. Và để khuyến khích có thêm nhiều start-up ở Việt Nam, Cộng Đồng cũng cam kết bảo trợ, hình thành liên minh giữa các DN, hỗ trợ các DN trong việc tạo ra sản phẩm chip mang thương hiệu Việt Nam.

Các hộ trợ đó cụ thể là hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất, và hỗ trợ kết nối mạng lưới khách hàng tiềm năng. Đây có thể coi là điểm rất mới trong hội nghị lần này khi Cộng đồng có thêm các thành viên là các anh chị Việt kiều và đại diện từ các công ty start-up về chip vi mạch cùng tham gia offline.

cong-dong-vi-mach-2_17042023.jpg

Một số đề xuất

Phần cuối của buổi gặp mặt, Cộng đồng cũng dành thời gian để trao đổi về một số kiến nghị đề xuất với chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực chip bán dẫn. Cụ thể, các đề xuất được đưa ra gồm thành lập hiệp hội vi mạch bán dẫn Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho Cộng đồng trong các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của ngành; Ban hành chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho các DN khi đạt số lượng 100, 500 và 1000 kỹ sư thiết kế chip; Thu hút, giữ chân lực lượng chuyên gia làm việc ở Việt Nam bằng chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.

Công nghệ chip đang ở giai đoạn xuất hiện những thay đổi lớn về công nghệ, cách thức ở đó nhân lực kỹ thuật đóng vai trò trung tâm. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh cốt lõi về nguồn lực con người để tạo dựng vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

cong-dong-vi-mach-1_17042023.jpg
Các thành viên tham gia Cộng đồng

Với khoảng hơn 5000 kỹ sư thiết kế chip hiện đang đảm nhiệm các nhiệm vụ thiết kế đa dạng từ các mạch điện tương tự tới hệ thống xử lý tín hiệu số phức tạp, sử dụng các nút tiền trình tiên tiến nhất thế giới hiện nay, 5nm; Việt Nam có thể bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ mới về số lượng các kỹ sư trong 10 năm tới khi lĩnh vực vi mạch đang được xác định là một trong những mũi nhọn trong chiến lược đột phá đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của chính phủ Việt Nam ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thời cơ để Việt Nam tham gia sâu vào ngành công nghiệp chip thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO