Kinh tế số

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn - trụ cột của nền kinh tế số

P.V 17/10/2024 08:25

Công nghiệp bán dẫn đang được coi là trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển ngành công nghiệp này.

Nhiều tiềm năng phát triển

Ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò then chốt trong nền kinh tế số, đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Sản phẩm bán dẫn đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội. Xu thế phát triển mới đòi hỏi các quốc gia lớn cần hướng đến nâng cao năng lực trong nước và đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam được đánh giá là có lợi thế về địa chính trị, nhân lực về bán dẫn, có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Theo đó, Việt Nam hiện có khả năng làm chủ nguồn nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn nhờ trữ lượng đất hiếm đạt khoảng 20 triệu tấn.

Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 5 quốc gia có trữ lượng và tài nguyên đất hiếm nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, nơi có những mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế.

Ngoài ra, "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", dự kiến trong thời kỳ đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.

micro-chip-800x450.jpg
Ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Về nhân lực, với dân số trên 100 triệu người, là 1 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, tỷ lệ dân số trẻ cao, nhân lực có năng lực STEM ngày càng phát triển, hứa hẹn đem lại cho Việt Nam nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng khả năng tham gia phát triển ngành công nghiệp này.

Hơn thế nữa, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn trong tương lai một cách bài bản, có hệ thống và đảm bảo chất lượng, Chính chủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam đã có quy hoạch mảng chip và bán dẫn tại các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như các tập đoàn Viettel, VNPT và FPT chủ động xây dựng năng lực tham gia vào quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất chip. Trong đó, FPT đã bắt tay vào lĩnh vực chip và bán dẫn, với sự hợp tác đầu tiên là gia công cho các hãng làm chip bán dẫn của các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giá trị của ngành sẽ vượt mốc 6 tỷ USD

Hiện nay, Việt Nam đang nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, thu hút sự chú ý và nguồn vốn lớn từ các doanh nghiệp quốc tế.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tốc độ xuất khẩu chip sang Mỹ của Việt Nam hiện đứng đầu, cùng với Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan. Trong năm 2024, Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn như Intel, Samsung, Qualcomm, Foxconn… Các “ông lớn” đã rót vốn hàng tỷ USD đầu tư cho các dự án lắp ráp, xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất.

image003-9125-1688115432-5618-3714-1185-1697018125.png
Giá trị ngành công nghiệp bán dẫn vượt 6,16 tỷ USD vào cuối năm 2024.

ông ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan vừa hoàn tất việc đầu tư vào Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 4,9 triệu USD (khoảng 115 tỷ đồng) cho việc thuê nhà xưởng, triển khai hoạt động sản xuất.

Ngành sản xuất chip bán dẫn được mong đợi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam tiến lên thành một quốc gia phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thu hút khoảng 40 công ty quốc tế trong ngành chip bán dẫn từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hà Lan. Bên cạnh đó, hai tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước là Viettel và FPT cũng đã bắt tay vào việc thiết lập và phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Savills dự báo, với việc giá trị ngành công nghiệp bán dẫn vượt 6,16 tỷ USD vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Thu hút đầu tư “có chọn lọc”

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.

Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam được triển khai theo lộ trình 3 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể từ năm 2024 - 2050. Trong đó, giai đoạn 2024 - 2030, Việt Nam thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%...

Đến năm 2050, bên cạnh các chỉ tiêu về doanh nghiệp (DN), doanh thu và nhân lực, Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.

Đặc biệt, chiến lược cũng xác định thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút có chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao trong công nghiệp bán dẫn, điện tử từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.

nganh-ban-dan-8803-1695979368194375141401-0-0-640-1024-crop-16959793783581184618444.jpg
Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, DN nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao tiến vào để tham gia phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang xây dựng đề án cải cách mang tính cách mạng đối với sự phát triển của ngành bán dẫn quốc gia.

Bộ kiến nghị cho phép các DN bán dẫn muốn hoạt động tại các khu kinh tế, công công nghệ cao, khu chế xuất đặc biệt, chỉ cần đăng ký đầu tư và thẩm định trong 15 ngày để nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để đi vào triển khai hoạt động. Nếu được thông qua, đây sẽ là chính sách quan trọng giúp Việt Nam thu hút không chỉ các công ty trong nước mà còn cả các công ty FDI trong lĩnh vực bán dẫn./.

Bài liên quan
  • Để Việt Nam thắng trên "chiến trường" công nghiệp bán dẫn
    Ngày nay rất khó để tìm ra thiết bị nào không chứa linh kiện bán dẫn. Các tiến bộ khoa học công nghệ sẽ không thể hiện thực hóa được nếu thiếu những con chip. Chip đang đóng vai trò là một nguồn “tài nguyên” đảm bảo cho công nghiệp điện tử, nền kinh tế số phát triển.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn - trụ cột của nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO