Ngày nay, chúng ta đang ở trong một giai đoạn chuyển đổi mới, nơi các tập đoàn và các quốc gia tập trung vào việc trang bị cho mình những công nghệ tiên tiến và các mô hình kinh doanh mới để thích ứng và tạo lợi thế cạnh tranh trong một thế giới thay đổi nhanh chóng.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử đối với các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Đại dịch là hồi chuông cảnh cáo cho các công ty cần có kế hoạch đối phó với sự gián đoạn để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục. Đó cũng là thời điểm sẽ báo hiệu quá trình tăng tốc số hóa trong toàn xã hội.
Thúc đẩy số hóa và đổi mới công nghệ
Đổi mới công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực khác nhau, từ y tế, viễn thông đến nông nghiệp. Đối với các tổ chức y tế và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sự bùng phát của dịch bệnh sẽ tiếp tục là mối đe dọa nhưng có thể giảm thiểu tác động bằng cách khai thác dữ liệu lớn, AI để dự đoán và dự báo dịch bệnh.
Tại Thái Lan, thông qua Hội đồng Kỹ thuật số Thái Lan (DCT), C.P. Group và True Corporation đang phối hợp cùng với các thành viên khác của Hội đồng để triển khai các nền tảng và ứng dụng kỹ thuật số nhằm giúp tìm nguồn tài trợ vật tư y tế cũng như theo dõi, truy tìm và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Hội đồng cũng đã làm việc với HG Robotics để triển khai các giải pháp robot tại 41 bệnh viện trên khắp cả nước nhằm hạn chế giao tiếp giữa các chuyên gia y tế và các bệnh nhân đang bị cách ly. Mỗi robot có thể giúp giảm tiếp xúc vật lý thực tế lên đến 70 trường hợp mỗi ngày.
Yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động kinh doanh và khả năng phục hồi nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng này là các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần đảm bảo băng thông cho người dùng và doanh nghiệp. Công nghệ có tiềm năng to lớn trong việc duy trì kết nối giữa mọi người trong giai đoạn phong tỏa và chuyển đổi sang làm việc từ xa cũng như học trực tuyến. Theo đó, cần có sự hợp tác giữa các chính phủ, các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phù hợp nhằm phục vụ xã hội.
Trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm, bán lẻ, việc tích hợp các công nghệ đột phá vào hoạt động kinh doanh, nông nghiệp và thương mại điện tử sẽ giúp mang lại sự minh bạch, truy xuất nguồn gốc thông tin theo chuỗi giá trị để phục vụ khách hàng, xã hội có trách nhiệm và bền vững hơn. Ví dụ: Các hệ thống vệ tinh có thể giúp nông dân xác định vị trí đất phù hợp để canh tác, hay IoT cho phép hệ thống tưới tiêu quản lý việc sử dụng nước tốt hơn, còn blockchain mang lại sự minh bạch trong chuỗi cung ứng bằng cách cho phép người mua và người bán truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản trong suốt quá trình sản xuất.
Sự phát triển liên tục của các công nghệ vệ tinh, công nghệ sinh học, công nghệ nano và robot đã cho thấy rằng các công nghệ, khi được triển khai đúng cách, có thể có tác động to lớn giúp chúng ta hiểu rõ và kiểm soát tốt hơn dịch bệnh cũng như vòng đời của hàng hóa để nâng cao năng suất và tạo ra chuỗi giá trị bền vững hơn.
Nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động
Chuyển đổi số cũng giống như việc chuyển đổi các quy trình kinh doanh tức là trao quyền cho mọi người làm việc theo những cách mới. Ưu tiên hàng đầu đối với các chính phủ hiện nay là chuẩn bị lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai. Điều này bao gồm việc cung cấp các cơ hội đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
Điều này đặc biệt phù hợp với khu vực Đông Nam Á, nơi các công ty khởi nghiệp công nghệ đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo một báo cáo do Google, Temasek Holdings và Bain Capital công bố cuối năm 2019, dự báo nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần lên 300 tỷ USD vào năm 2025. Ngành công nghiệp trực tuyến khu vực Đông Nam Á đã tăng quy mô gấp 3 lần trong 4 năm qua khi người dùng trẻ tuổi chuyển sang sử dụng điện thoại để làm mọi thứ từ ngân hàng, chơi game và mua vé máy bay. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2019, dân số trực tuyến trong khu vực đã tăng từ 260 triệu lên 360 triệu, trong đó khoảng 90% sử dụng Internet di động.
Việc cung cấp một hệ sinh thái hỗ trợ các công ty khởi nghiệp cũng vô cùng quan trọng để thúc đẩy phát triển nhiều doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo hơn trong khu vực, bao gồm các chương trình ươm tạo doanh nghiệp cũng như hỗ trợ kinh phí, phát triển kỹ năng và tham gia mạng lưới kinh doanh.
Quan hệ đối tác công - tư
Phát triển cơ sở hạ tầng số và đổi mới rất quan trọng đối với sự phát triển liên tục của nền kinh tế - xã hội và của doanh nghiệp, nhưng nó không thể đạt được chỉ bằng hành động của một công ty hoặc quốc gia mà đòi hỏi quan hệ đối tác công tư toàn cầu.
Khi chúng ta cùng chung tay đối phó với dịch COVID-19, nhiều công ty công nghệ đã và đang hành động để hỗ trợ trực tiếp ngành y tế, giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, duy trì việc làm và bảo vệ lực lượng y bác sỹ và cộng đồng.
Trong khi khu vực tư nhân sẽ cần lập kế hoạch ứng dụng công nghệ để duy trì sự nhanh nhẹn và linh hoạt, thì các công ty lớn hơn cũng cần hợp tác chặt chẽ với các chính phủ và các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới để phát triển một khuôn khổ chính sách trên diện rộng và bộ tiêu chuẩn toàn cầu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang thế giới 4.0.