Tích cực đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu
Nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ và năng suất lao động luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Trong gần hai thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào việc giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy phát triển quy mô nền kinh tế, huy động các nguồn lực để phát triển KT-XH, duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy vậy, hiện nay năng lực cạnh tranh (NLCT) của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Trong quá trình hội nhập kinh tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn và rào cản lớn khi tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu mà nguyên nhân chính là do NLCT thấp.
Khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị còn rất hạn chế. Đến nay, theo các số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam mới chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp thuần Việt là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, nên có thể khẳng định, Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
Sự liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam còn yếu và rời rạc, liên kết chủ yếu là loại liên kết theo chuỗi sản xuất và cung ứng (liên kết dọc), liên kết theo hướng R&D để tạo ra những công nghệ và giải pháp mới, sản phẩm mới có chất lượng cao để đủ sức cạnh tranh còn chưa cao. Đây là nguyên nhân chính không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, mà còn giảm năng lực cạnh tranh, hiệu quả xuất khẩu và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ và năng suất lao động luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Bởi vậy liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu chính là hướng tới mục tiêu xác định các rào cản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu, gia công, lắp ráp cho khu vực FDI; đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ kết nối và phát triển doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam.
Một số chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp
Để tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, trong suốt thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, cụ thể như Nghị quyết số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Các chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho ngành công nghiệp phụ trợ như chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực... như Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Đối với ngành CNHT ô tô, xe máy thì chính sách ưu đãi về thuế, phí là chính sách nổi bật nhất và được nhiều doanh nghiệp đón nhận. Tiêu biểu là chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô triển khai thực hiện từ năm 2020.
Đối với CNHT ngành điện tử, thời gian gần đây đã được Nhà nước và các doanh nghiệp (DN) quan tâm nhiều hơn và đã có những chuyển biến tích cực, Chính Phủ đã ban hành Quyết định 598/QĐ-TTg, trong đó tập trung xây dựng mạng lưới khu công nghiệp điện tử tập trung để thu hút đầu tư của các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin, từ đó tạo cơ sở cho việc tham gia tích cực vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các doanh nghiệp nội địa.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách tài chính được ban hành tại các văn bản pháp luật tài chính chuyên ngành hoặc được lồng ghép thông qua các văn bản ưu đãi đặc thù riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung cũng như công nghiệp điện tử nói riêng như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Quyết định số 68/QĐ-TTg bước đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử trong nước.
Cùng với đó là một loạt các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ xuất khẩu nhằm tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn chung các chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI được thể hiện trong Nghị định 80/2021/NĐ-CP đã cho thấy nhiều cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp này. Các chính sách hỗ trợ đối với CNHT đã điều chỉnh phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, có nhiều giải pháp thực chất.
Tuy vậy, những đổi mới trong các chính sách trên vẫn chưa cho thấy sự hỗ trợ tốt nhất do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn chưa chặt chẽ. Một số chính sách hỗ trợ mang tính chất thụ động, chưa xác định rõ thời điểm dừng hỗ trợ, có khả năng gây ra phản ứng ngược: doanh nghiệp ỷ lại vào chính sách hỗ trợ.
Mặt khác, chính sách phát triển CNHT hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo; chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) để nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chính và phát triển chuỗi cung ứng tại ngay chính thị trường nội địa; chính sách thu hút đầu tư FDI vào các ngành sản xuất sản phẩm CNHT cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành.
Để thúc đẩy mỗi liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, tận dụng những tác động lan tỏa về mặt công nghệ và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp: Thiết lập liên kết vùng; Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến; Các chính sách “ngoại giao đơn hàng”, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở nước ngoài; Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu…