Tiếp cận công nghệ bình đẳng đóng vai trò lớn để phục hồi kinh tế sau đại dịch

TH| 29/07/2021 08:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ. Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, các quốc gia cần thực hiện các giải pháp dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Covid-19 là một "cú sốc" mạnh không chỉ đánh trực tiếp vào sức khỏe nhân loại, mà nó còn đánh mạnh hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Theo giới phân tích, Covid-19 đã tạo ra một cuộc đại suy thoái toàn cầu, với hàng chục triệu người thất nghiệp. Năm 2020, đại dịch đã buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa, khiến hoạt động kinh tế sa sút rõ rệt. Nhiều nền kinh tế chứng kiến GDP rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Ngày 5/1/2021, Ngân hàng thế giới (WB) đã hạ thấp dự báo về mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tình trạng lây lan của đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hoặc các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 bị đình trệ.

Phát triển kinh tế hậu đại dịch được dự báo sẽ là một chặng đường đầy thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, và gây ra những tác động tàn khốc đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Đại dịch Covid-19 không chỉ làm hằn sâu những bất bình đẳng hiện hữu mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới. Điều này đặc biệt nổi bật tại các nền kinh tế mới nổi như Đông Nam Á (SEA), nơi mà việc tiếp cận các nhu yếu phẩm cơ bản ngày càng bị cản trở do những hạn chế về tài chính và vật chất. Do đó, giảm thiểu nhanh chóng, toàn diện, tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới và kinh tế xã hội thông qua các chiến lược bao gồm cung cấp mạng lưới an toàn, bảo vệ xã hội, tăng cường bao trùm tài chính và cơ hội việc làm trở thành nu cầu cấp bách đối với các quốc gia ASEAN.

Đổi mới công nghệ và số hóa tại ASEAN

Theo một báo cáo do Google, Temasek Holdings và Bain & Co. thực hiện, nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á được định giá 100 tỷ USD trong năm 2019. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 300 tỷ USD. Ngoài ra, SEA cũng là điểm sáng về hoạt động thương mại điện tử, với khối lượng giao dịch lên tới 26 tỷ USD trong năm 2019.

Ngoài ra, các lĩnh vực công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (AI), fintech và công nghiệp 4.0 cũng có bước tiến lớn. Trên thực tế, fintech, bao gồm thanh toán điện tử, ngân hàng kỹ thuật số,... đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ tại các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt bởi vì tại khu vực ASEAN hiện còn rất nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng và không được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Phục hồi kinh tế đòi hỏi kỹ năng, công nghệ và ứng dụng

Tại châu Á - Thái Bình Dương, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN và sử dụng 50% vào lực lượng lao động. Ngoài ra, hơn 1/3 số kỳ lân trên thế giới (các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) đến từ khu vực châu Á.

Các công ty khởi nghiệp là một điểm nổi bật của nền kinh tế số nói chung, với bản chất dựa vào cách họ đổi mới và phá vỡ những giới hạn trên thị trường, thường là thông qua các phương tiện số. Họ cũng yêu cầu đội ngũ lao động có kỹ năng cao và hiểu biết về kỹ thuật số.

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến DN buộc phải nỗ lực thích ứng với công nghệ số. Áp dụng công nghệ số làm cho DN nâng cao khả năng tiếp cận thông tin để vững tin trong việc ra quyết định; nâng cao hiệu quả phối hợp trong sản xuất kinh doanh (SXKD) và cơ hội hòa vào mạng lưới SXKD trong nước, khu vực và thế giới; giúp DN duy trì mối quan hệ kinh doanh với các đối tác… Điều này sẽ giúp DN không bị gián đoạn trong SXKD, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Việc phục hồi sau đại dịch và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào việc có đội ngũ lao động lành nghề với tài năng và kiến thức cần thiết để tận dụng cơ hội số hóa này.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Guy Ryder, để phục hồi tốt hơn và nhanh hơn, các chính phủ sẽ cần tăng cường đầu tư công và tư vào các lĩnh vực sử dụng nhiều việc làm để tạo ra việc làm và tăng năng suất lao động, niềm tin của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Ngoài Đông Nam Á, các quốc gia châu Á khác vẫn đang phải vật lộn để bắt kịp cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt là những quốc gia có sự chênh lệch lớn về kinh tế - xã hội và giới. Bangladesh là một ví dụ, tại đây phụ nữ thường phải đối mặt với những thiệt thòi nghiêm trọng trong việc nhận các quyền và cơ hội bình đẳng so với nam giới.

Nhiều DN công nghệ đang nỗ lực để thu hẹp khoảng cách số và văn hóa xã hội. Một ví dụ là sáng kiến xe buýt đào tạo kỹ thuật số của Huawei nhằm mang kiến thức về ICT đến tận nhà cho các phụ nữ ở những ngôi làng xa xôi tại Bangladesh. Vào cuối năm 2018, hơn 16.200 phụ nữ đã nhận được sự chuyển giao tri thức qua những chiếc xe này.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm trầm trọng thêm những rủi ro trên đối với kinh tế toàn cầu. Ở một mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng buộc các nền kinh tế, dù phát triển hay đang phát triển, phải đẩy nhanh những cải cách thể chế, đặc biệt là gắn với tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số.

Những chính sách bao trùm, hợp lý, hỗ trợ và thúc đẩy tiến bộ của khu vực công và khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy các DN và cộng đồng không chỉ tồn tại mà còn phát triển, đóng góp hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, trong thế giới siêu số hóa, hậu đại dịch, các nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ có vai trò quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của một quốc gia - và khu vực - và cuối cùng là sự thịnh vượng lâu dài./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận công nghệ bình đẳng đóng vai trò lớn để phục hồi kinh tế sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO