Triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Ánh Dương| 19/07/2021 08:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain ra đời và mang lại nhiều lợi ích lớn, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành xu thế tất yếu trong nền kinh tế số.

Tiền kỹ thuật số là một đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu giữ trên Internet, hệ thống máy tính, smartphone và các thẻ thanh toán điện tử. Tiền kỹ thuật số cho phép các giao dịch tức thời có thể được thực hiện liền mạch. 

Về nguyên tắc, tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai thí điểm sẽ không khác gì so với tiền giấy hiện nay. Đồng tiền này sẽ trở thành đồng tiền pháp định được NHNN quản lý và bảo đảm bởi cả một nền kinh tế quốc gia như đồng tiền giấy. Thay vì in tiền giấy, NHNN phát hành một lượng nhất định tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ Blockchain vào lưu thông trong nền kinh tế.

Theo đó, tiền kỹ thuật số do Ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) sẽ là đồng tiền pháp định của nhà nước chứ không phải là các đồng coin mà mọi người đào trên mạng.

CBDC - xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số

Thế giới đang sôi động với cuộc CMCN 4.0, mọi thông tin dữ liệu và quá trình vận hành hệ thống đang dần được chuyển đổi thành các dữ liệu số. Trong dòng chảy đó, giá trị cốt lõi của nền kinh tế các quốc gia là tiền tệ cũng không đứng ngoài vòng phát triển đó. Tiền pháp định cũng dần chuyển đổi thành tiền pháp định số. Cuộc chạy đua phát hành tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương đang diễn ra mạnh mẽ. Và đây là xu thế không thể đảo ngược.

Là một phần trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong chiến lược này với mục tiêu trở thành Ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành CBDC. Việc khẩn trương phát triển NDT kỹ thuật số được cho là do quan ngại của Chính phủ Trung Quốc với các dịch vụ thanh toán tư nhân đang mở rộng ở nước này. Trung Quốc đã triển khai thí điểm đồng NDT kỹ thuật số của mình cho hơn 500.000 người.

Triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Tiềm năng và thách thức - Ảnh 1.

Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong chiến lược này với mục tiêu trở thành Ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành CBDC. (Nguồn: ledgerinsights.com)

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vốn thận trọng với CBDC đã bắt đầu thử nghiệm vào đầu năm 2021. BoJ lên kế hoạch thử nghiệm ba giai đoạn để kiểm chứng khả năng lưu thông, phát hành CBDC trên hệ thống, thử nghiệm với sự tham gia của người tiêu dùng.

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã thông báo quốc gia này sẽ phát hành đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên vào năm 2026. Đây được coi là một phần trong chiến lược từ 2023 - 2026 nhằm đưa Ngân hàng Trung ương UAE nằm trong nhóm 10 Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới. Chiến lược phát hành đồng kỹ thuật số cũng nhằm mục đích hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy kinh tế xanh của UAE. 

Trong số các quốc gia phát triển, Thụy Điển cũng đang bước vào giai đoạn chuẩn bị phát hành CBDC. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương phương Tây đang mất nhiều thời gian hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang nghiên cứu xem xét việc ra mắt đồng euro kỹ thuật số trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã thành lập một lực lượng đặc biệt nghiên cứu về "Bitcoin", tuy nhiên cũng chưa đưa ra bất kỳ cam kết chắc chắn nào. Và Mỹ, nước dẫn đầu lĩnh vực tài chính của thế giới, cũng đang xây dựng một đồng USD điện tử giả định.

Các ngân hàng trung ương nhỏ hơn cũng đang đẩy mạnh phát triển. Bahamas năm ngoái đã trở thành quốc gia đầu tiên phát hành tiền kỹ thuật số trên toàn quốc và Eastern Caribbean vào tháng 4 đã trở thành ngân hàng trung ương liên minh tiền tệ đầu tiên phát hành CBDC.

Không đứng ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, mới đây Chính phủ đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ blockchain trong giai đoạn 2021-2023. Đây được coi là một bước tiến lớn, bắt nhịp với xu hướng nghiên cứu, phát triển và thí điểm CBDC đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Liên quan đến quyết định thí điểm sử dụng tiền điện tử, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hướng đi giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển công nghệ mới.

Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Nguyễn Thanh Bình, điều phối viên Trung tâm FinTech-Crypto của Đại học RMIT Việt Nam, cho biết, Quyết định 942 mở ra cánh cửa cho việc phát triển tiền điện tử của ngân hàng trung ương, cho phép các cơ quan chức năng quản lý tiền ảo, thay vì giao cho khu vực doanh nghiệp tư nhân và chịu sự quản lý phi tập trung.

Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Việt Nam của Binance cũng thông tin, tiền điện tử vẫn đang rất phổ biến hiện nay. "Hồi tháng 4, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia với số lượng người tham gia thị trường của Binance. Người dùng Việt Nam luôn sẵn sàng thử những xu hướng mới".

Là người nghiên cứu sâu về công nghệ blockchain, TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), khẳng định tiền kỹ thuật số là một xu thế phát triển tất yếu. Việc đề cập nghiên cứu thí điểm ở thời điểm hiện tại có hơi chậm so với một số nước trên thế giới nhưng nhìn về tổng thể, trên thực tế chưa có nhiều nước áp dụng triển khai tiền kỹ thuật số. Việc phát triển CBDC chắc chắn sẽ xảy ra và đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện. (1)

Tiềm năng và thách thức

Việt Nam là quốc gia có một lượng lớn người dân quan tâm, tham gia vào lĩnh vực tiền ảo, đồng nghĩa với việc chúng ta đã có một thị trường tương đối lớn. Theo cuộc khảo sát của Statista, Việt Nam thuộc top 3 toàn cầu về tỷ lệ người dân sở hữu tiền điện tử.

Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với đó xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cũng gia tăng nhanh chóng. Do đó, việc phát hành tiền kỹ thuật số của NHNN cũng có thể giúp thúc đẩy thêm quá trình này.

Triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Tiềm năng và thách thức - Ảnh 2.

Thời gian vừa qua, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cũng gia tăng nhanh chóng. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo NHNN Việt Nam, đến cuối tháng 4/2021 cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.

Có thể nói, Việt Nam có một thị trường tiềm năng để triển khai tiền kỹ thuật số pháp định riêng của mình và việc này phù hợp với chủ trương hạn chế giao dịch bằng tiền mặt theo đúng tinh thần của Quyết định số 2545/QĐ-TTg năm 2016 và Chỉ thị số 22/CT-TTg đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế, NHNN và các cơ quan quản lý đã có động thái nghiên cứu về lĩnh vực này từ nhiều năm, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết sách cuối cùng. Trong thời gian tới, nếu nghiên cứu triển khai thí điểm thành công ứng dụng tiền kỹ thuật số quốc gia có thể sẽ đem lại rất nhiều lợi thế như: Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt sẽ nhanh chóng được áp dụng, nhờ môi trường thanh toán số dễ dàng, cắt giảm nhiều thủ tục và các khâu trung gian.

Bên cạnh đó, khi sử dụng CBDC dựa trên công nghệ chuỗi khối và mã hóa, các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số có tính minh bạch, độ tin cậy và tính bảo mật cao, có thể truy xuất lịch sử giao dịch, Chính phủ sẽ kiểm soát được lưu lượng tiền đã phát hành ra, minh bạch hoá các giao dịch, trao đổi.

Cùng với đó, sự phát triển của tiền kỹ thuật số góp phần tăng cường hiệu quả và an toàn hệ thống thanh toán quốc gia, thúc đẩy tài chính toàn diện nhờ ưu điểm tức thời, không giới hạn thời gian và không gian, đa dạng…

Phát triển CBDC sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ. Khi đó, sự thay thế của tiền kỹ thuật số với vai trò là đồng tiền pháp định giúp tiết giảm/loại bỏ nhiều loại chi phí liên quan đến phát hành và lưu thông tiền mặt như: in ấn, vận chuyển, kiểm kê, bảo quản, chống tiền giả, tiêu hủy tiền cũ/rách/hỏng... Đồng thời, NHNN có thêm công cụ giúp kiểm soát chính xác lượng cung tiền, từ đó, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy nền kinh tế.

Việc thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain cũng sẽ góp phần thúc đẩy nền TMĐT (đặc biệt TMĐT xuyên biên giới); phát triển Fintech…

Tiền kỹ thuật số ứng dụng trên công nghệ blockchain cũng tương tự tiền điện tử trên hệ thống ngân hàng, khi mọi người có thể giao dịch bằng mobile banking, internet banking, hay thông qua máy POS ở các điểm bán hàng. Như vậy, sự ra đời của CBDC sẽ cung cấp thêm một phương tiện thanh toán số nữa đến người dùng.

Mặt khác, khi sử dụng tiền giấy, người dùng phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ như Mobile money, ví điện tử, hay có tài khoản liên quan đến nó, nhưng với CBDC thì sẽ đơn giản hơn nhiều, dễ dàng tích hợp hơn với các nhà cung cấp dịch vụ trong thanh toán.

Đồng thời, CBDC tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nghiên cứu và phát triển CBDC được coi là bước tiến quan trọng trong việc xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới, tiến tới đưa VND trở thành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có kiểm soát. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc chạm gần hơn đến mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia và nền kinh tế số đến năm 2030 và xa hơn. (2)

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của việc triển khai CBDC thì vẫn còn đó nhiều bất cập và thách thức.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa tiền giấy và tiền điện tử đó là tính an toàn và bảo mật. Tính bảo mật và an toàn của tiền điện tử phải được cơ quan quản lý đặt lên hàng đầu, đây cũng là điều kiện tiên quyết để đưa đồng tiền điện tử vào hoạt động của nền kinh tế quốc dân.

Khi triển khai CBDC, về phía người sử dụng, CBDC sẽ không khác nhiều so với việc dùng các ví điện tử hiện nay. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn khi sàn giao dịch bị sập, ổ cứng bị lỗi, dữ liệu bị virus, các tập tin bị mất cắp, luôn hiện hữu hacker và tội phạm mạng…

Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra không ít những vụ việc liên quan đến lộ thông tin tài khoản khách hàng, hacker lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng,… đây đều là những vấn đề khiến cho người dân e ngại khi thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt. Và đây cũng sẽ là cản trở lớn khi Việt Nam triển khai tiền điện tử.

Ngoài ra, tiền điện tử với lợi thế là những đồng tiền sử dụng xuyên biên giới nhanh, chi phí thấp nên dễ trở thành công cụ của rửa tiền, chuyển tiền xuyên quốc gia từ các hoạt động kinh tế phạm pháp như buôn lậu, thuốc phiện, tài trợ khủng bố,… Đây cũng là điều NHNN Việt Nam phải tính đến.

Bên cạnh đó, CBDC còn có những nguy cơ trên phạm vi quốc tế cần lưu ý. Nếu các đồng tiền kỹ thuật số tạo điều kiện cho việc sử dụng tiền tệ quốc gia tại một quốc gia khác, thì cũng có những sự phức tạp liên quan đến sự thay thế tiền tệ, và điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát nguồn cung tiền trong nước, lạm phát và tín dụng trong nước của các ngân hàng trung ương.

Triển khai CBDC là một xu thế phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới với nhiều lợi ích và cả những khó khăn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, phát triển và thí điểm tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ là một chiến dịch dài hơi, do đó NHNN cần xác định quan điểm đối với tiền kỹ thuật số và lộ trình, giải pháp quản lý phù hợp trước khi đi vào thực tiễn./.

Tài liệu tham khảo

(1), (2). https://vneconomy.vn/buoc-di-phu-hop-cho-tien-ky-thuat-so-viet-nam.htm

(3). https://asia.nikkei.com/Economy/Vietnam-to-pilot-virtual-currency-as-crypto-thrives-in-gray-zone

(4). https://www.euronews.com/next/2021/05/04/what-are-central-bank-digital-currencies-and-could-they-take-on-cryptocurrencies

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO