Truyền thông là để mọi chính sách phải đến với người dân
Truyền thông chính sách phải được hiểu là truyền đạt tới người dân tất cả mọi hoạt động của chính quyền và các cơ quan trong khu vực công. Ngoài việc tạo ra công khai, minh bạch, còn bao hàm cả việc trình bày và giải thích các hành động của bộ máy nhà nước.
Quyết tâm của Chính phủ trong tăng cường truyền thông chính sách
Hồi tháng 11/2022, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.
Trong một Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Thì truyền thông chính sách, theo Thủ tướng, phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. "Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc" - Thủ tướng nói.
Hội nghị đó là kết quả tiếp nối sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407) vào tháng 3/2022. Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, tháng 12/2022, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo Kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị.
Đến ngày 21/3/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị 07 CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Như vậy, trong 2 năm 2022-2023, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản liên quan đến việc truyền thông chính sách, cũng như tổ chức nhiều hội nghị về vấn đề này.
Trong đó, một tinh thần xuyên suốt được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại là xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ".
Vì thế công tác truyền thông phải đến được với người dân. Làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước; "người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện".
Vẫn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ rõ: "Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc".
Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Trên thực tế, một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt thì không tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Có khi ý tưởng tốt, mang lại hiệu quả cao, nhưng truyền thông không tốt thì cuối cùng cũng không làm được. Thông qua truyền thông, phản ánh của dư luận về một số chính sách không phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Như vậy có thể thấy, truyền thông chính sách là khâu quan trọng trong quá trình ban hành chính sách, như chính sách ban hành phải được quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện, dựa trên nguyên tắc bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Bằng quyết tâm với nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành trong thời gian qua, Chính phủ xác định công tác truyền thông chính sách có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giáo dục chính sách pháp luật.
Xây dựng đội ngũ truyền thông chuyên trách
Theo kết quả khảo sát do Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành tại 59 cơ quan là Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác truyền thông chính sách cho thấy có đến 68% các cơ quan đang thiếu bộ phận chuyên trách về truyền thông.
Đại bộ phận nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, từ khâu tuyển dụng không có vị trí việc làm được thiết kế cho công tác này, cho tới bố trí nhiệm vụ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về truyền thông.
Các công chức, viên chức làm truyền thông thường là kiêm nhiệm các công việc khác, không có kiến thức chuyên ngành về quan hệ công chúng và xử lý khủng hoảng truyền thông.
Ở cấp xã, phường, lực lượng thông tin cơ sở cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền đi hàng ngày các bản tin phát thanh tiếp cận nhất, với các nội dung “sát sườn” nhất với đời sống người dân.
Tuy nhiên, cả nước hiện có 9.793 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn, với 13.853 nhân sự, thế nhưng, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.
Công tác này cũng còn gặp nhiều khó khăn do trình độ, năng lực của đội ngũ phụ trách tại các đài truyền thanh cấp xã còn hạn chế, cán bộ phụ trách đài chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa đáp ứng về chuyên môn, thường xuyên thay đổi vị trí công tác.
Đặc biệt, thời gian qua, hầu hết các cơ quan từ Trung ương đến địa phương chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách. Việc cấp kinh phí chủ yếu bố trí trong kinh phí thường xuyên hàng năm, hoặc theo vụ việc, chủ yếu lồng ghép vào nhiệm vụ của từng đơn vị, chưa có “mũ” chi ngân sách được quy định rõ dành cho công tác truyền thông chính sách.
Đây cũng là quan điểm của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi ông phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Công tác truyền thông là một việc, một chức năng của chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông và cần có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Trong Chỉ thị 07 của Thủ tướng về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách cũng đã nêu rõ yêu cầu quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách./.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi, thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách đều rất cần sự vào cuộc của báo chí. Ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng./.