Truyền thông

Truyền thông số đã có sự bùng nổ và bứt phá

Bình Minh 14/06/2024 22:06

Các trang web tin tức, ứng dụng di động và MXH là những nguồn tin chính mà người Việt sử dụng để cập nhật tình hình trong nước và thế giới.

Trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề 2 “Phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ nền kinh tế số” thuộc Hội thảo quốc tế kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số được tổ chức ngày 14/6/2024, các chuyên gia đã đóng góp những giải pháp thúc đẩy mô hình sáng tạo trong thị trường truyền thông số tại Việt Nam.

Các kênh số là những nguồn chính người Việt cập nhật tin tức

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển của mạng 4G và triển khai mạng 5G, tốc độ kết nối Internet được cải thiện đáng kể, đáp ứng khả năng truy cập Internet cho người dùng.

z5537304973670_1c42df216ad5376fc46ed64eb2f29df3.jpg
Toàn cảnh Phiên thảo luận chuyên đề 2 “Phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ nền kinh tế số”. (Ảnh: Bình Minh)

Phân tích của nhóm nghiên cứu Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) được trình bày tại phiên chuyên đề cho biết, tại Việt Nam, thời điểm đầu năm 2024, có 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số). "Việc có một lượng lớn người dùng Internet cũng tạo ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ, từ các dịch vụ truyền thông số, thương mại điện tử, đến các dịch vụ tài chính số".

“Với sự phát triển của hạ tầng công nghệ và Internet, các dịch vụ truyền thông số tại Việt Nam đã có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, từ các nền tảng mạng xã hội (MXH), dịch vụ phát video trực tuyến, đến các ứng dụng di động. Sự phát triển này chắn chắn sẽ tạo ra lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường kết nối xã hội và thúc đẩy sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, nhóm nghiên cứu nêu rõ.

Nghiên cứu cũng nêu rõ mỗi nền tảng truyền thông có một ưu thế riêng và đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó, giới trẻ đang là đối tượng tham gia tương tác nhiều nhất trên các kênh truyền thông số, đặc biệt là MXH. MXH đang gần như là kênh chính để học sinh, sinh viên cập nhật các thông tin.

Theo số liệu thống kê trong báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We Are Social công bố, tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2024, có đến 73,3% dân số sử dụng MXH. Các nền tảng truyền truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, Zalo và TikTok dẫn đầu về mức độ phổ biến.

Trong đó, nền tảng Facebook có khoảng 72,70 triệu người dùng, TikTok có 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên, YouTube có 63 triệu người dùng và 10,9 triệu người dùng nền tảng Instagram.

TikTok mặc dù mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng thu hút lượng lớn người dùng trẻ. Với tính năng tạo và chia sẻ video ngắn, TikTok đã tạo ra một xu hướng mới trong việc sáng tạo nội dung và giải trí. Các thử thách, xu hướng âm nhạc và các video hài hước trên TikTok đã trở thành hiện tượng văn hóa phổ biến trong giới trẻ Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghệ và Internet cũng kéo theo sự phát triển phổ biến của nội dung số.

Người dùng cũng ưa chuộng những nội dung phong phú, đa dạng loại hình hơn, từ tin tức, giải trí đến giáo dục và thương hiệu. Nhu cầu cập nhật thông tin nhanh chóng và liên tục đã khiến các nền tảng tin tức số trở nên phổ biến hơn.

Các trang web tin tức, ứng dụng di động và MXH là những nguồn tin chính mà người Việt sử dụng để cập nhật tình hình trong nước và thế giới. Các báo điện tử như VnExpress, VietNamNet và các kênh tin tức trên YouTube đã thu hút một lượng lớn người đọc và người xem hàng ngày.

Nội dung số đang chiếm ưu thế với nhiều hình thức phong phú như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử và các chương trình truyền hình trực tuyến. YouTube, Netflix, Spotify và các nền tảng phát video trực tuyến khác đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhu cầu giải trí của nhóm công chúng/khách hàng.

Đặc biệt, các video ngắn và nội dung phát trực tiếp trên TikTok, Facebook và YouTube đang ngày càng được ưa chuộng, tạo ra những trải nghiệm giải trí nhanh chóng và tiện lợi. Bên cạnh đó, nội dung giáo dục số cũng phát triển với các khóa học trực tuyến, video hướng dẫn và tài liệu học tập số trên những nền tảng như Coursera, Udemy, các kênh Youtube…, mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi”, theo nghiên cứu của PTIT.

Thách thức và cơ hội phát triển thị trường truyền thông số

Cũng theo nhóm nghiên cứu của PTIT, một số thách thức mà truyền thông số phải đối mặt và giải quyết như: Vấn đề bản quyền và vi phạm; sự phân mảnh của thị trường truyền thông số tại Việt Nam với nhiều nền tảng và dịch vụ khác nhau, gây khó khăn cho việc quản lý và điều phối; vấn đề quyền riêng tư và an ninh mạng; cũng như khó khăn trong việc đo lường hiệu quả các chỉ số như tỷ lệ tương tác, tỷ lệ chuyển đổi đôi khi khó xác định và không phản ánh chính xác hiệu quả thực sự...

Theo nhóm nghiên cứu, đi liền với thách thức là những cơ hội phát triển thị trường truyền thông số.

Thứ nhất, sự phát triển của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo (VR) đang được ứng dụng rộng rãi lĩnh vực truyền thông số và vẫn sẽ phát triển, mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Chúng có thể tạo ra những trải nghiệm người dùng mới mẻ và độc đáo, thu hút sự quan tâm của đối tượng mục tiêu.

Thứ hai, thị trường đang tăng trưởng. Với dân số trẻ và mức độ thâm nhập Internet cao, thị trường truyền thông số tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Các doanh nghiệp (DN) có thể khai thác thị trường này bằng cách tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đã và đang có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN truyền thông số hoạt động và phát triển.

Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 gồm 5 danh mục dự án: Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng - dịch vụ và an toàn thông tin. Kế hoạch này được triển khai cũng là điều kiện thuận lợi, hỗ trợ quá trình phát triển truyền thông số.

Cùng với việc phân tích tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức, một số gợi mở của nhà nghiên cứu về các mô hình sáng tạo trong truyền thông số tại Việt Nam hiện nay cũng rất đáng được cân nhắc tập trung vào các nội dung lớn như: Tận dụng AI; Thực tế ảo/thực tế tăng cường (AR/VR); Phát triển nội dung video ngắn và phát trực tiếp đa nền tảng; Ứng dụng blockchain trong truyền thông hay phát triển nền tảng truyền thông tích hợp...

Tận dụng tốt lợi thế công nghệ, phân phối nội dung và nội dung số

Nêu ý kiến khái quát tại phiên họp chuyên đề 2 “Phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ nền kinh tế số”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT cho rằng, đây là một chủ đề rất nóng và thời sự trong bối cảnh kinh tế số, công nghệ số, chuyển đổi số phát triển mạnh, truyền thông số đã có sự bùng nổ và bứt phá.

ong-le-quang-tu-do.png
Ông Lê Quang Tự Do: AI phát triển, tích hợp vào các dịch vụ nội dung số khiến báo chí thay đổi để theo kịp sự thay đổi như vũ bão của các loại hình truyền thông mới. (Ảnh: Bình Minh)

Theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, đần đây, khi AI phát triển, tích hợp vào các dịch vụ nội dung số khiến báo chí thay đổi để theo kịp sự thay đổi như vũ bão của các loại hình truyền thông mới. Trong khi đó, Google và Facebook chiếm đến 70% truyền thông quảng cáo. Điều cốt lõi và quan trọng là họ tận dụng tốt các lợi thế công nghệ, phân phối nội dung và nội dung số. Do vậy, cần chia sẻ những quan điểm và góc nhìn để thúc đẩy báo chí truyền thông theo mối quan hệ cộng sinh cùng phát triển.

Như vậy, các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước đều có chung nhận định truyền thông số tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để tận dụng tối đa tiềm năng của truyền thông số, các cơ quan, tổ chức và DN cần nắm bắt xu hướng mới, đầu tư vào công nghệ, và chú trọng đến vấn đề an ninh mạng.

Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính phủ, DN đến người tiêu dùng, để xây dựng một môi trường truyền thông số lành mạnh và bền vững. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các chuyên gia, những nhà quản trị truyền thông nghiên cứu phát triển, tạo ra những giải pháp tăng cường hiệu quả và đáp ứng tốt nhất với nhu cầu thị trường./.

Bài liên quan
  • Xu hướng phát triển của podcast trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí
    Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ hiện nay, các phương tiện truyền thông mới ra đời và khẳng định sự phát triển vượt trội của mình. Cùng với các phương tiện truyền thông truyền thống và hiện đại, podcast nổi lên như một xu hướng phát triển phù hợp với sự tiếp nhận thông tin của công chúng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông số đã có sự bùng nổ và bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO