Truyền thông trong khủng hoảng y tế: Một số bài học rút ra từ đại dịch COVID-19

06/11/2022 13:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 đã để lại cho loài người nhiều bài học lớn, trong đó có những bài học về phương diện truyền thông mà những người làm báo chí và truyền thông cần lưu ý.

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu năm 2020 và lan tràn trên thế giới trong năm 2020, 2021, gây ra nhiều đau thương, chết chóc cho các quốc gia từ châu Mỹ, châu Âu sang đến châu Á (1). Cho đến nửa đầu năm 2022, dịch bệnh vẫn tấn công nhiều nơi như thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, kéo dài, đã gây ra những hậu quả nặng nề về nhân mạng và kéo theo nhiều hệ lụy khác về các mặt kinh tế, xã hội.(2) Cho đến thời điểm gần cuối năm 2022, đại dịch đã lắng dịu tại nhiều khu vực, song COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn biến mất trên phạm vi toàn thế giới. Đại dịch đã để lại cho loài người nhiều bài học lớn, trong đó có những bài học về phương diện truyền thông mà những người làm báo chí và truyền thông cần lưu ý.

Đặc trưng của truyền thông trong bối cảnh đại dịch

- Đại dịch tạo ra nhiều thông tin và cũng làm tăng nhu cầu thông tin của công chúng:

Đại dịch là một cuộc khủng hoảng về y tế, tạo ra nguồn thông tin lớn và cũng tạo ra nhu cầu rất lớn về thông tin. Tình hình diễn biến nhanh chóng, bất ngờ, khó lường, nguy hiểm của dịch bệnh, những thiệt hại nặng nề về nhân mạng, kinh tế… do đại dịch gây ra, những phản ứng, biện pháp đối phó với dịch bệnh của các quốc gia... đều nhanh chóng trở thành những thông tin hàng đầu trên các kênh truyền thông lớn như các trang báo mạng, các kênh truyền hình... Các tổ chức như các cơ quan phụ trách về y tế, chống dịch của các quốc gia, các tổ chức y tế quốc tế... cũng phải nhanh chóng cung cấp thông tin về dịch bệnh cho công chúng qua các kênh báo chí và truyền thông. Công chúng cũng theo dõi sát sao tình hình diễn biến dịch bệnh qua báo chí, mạng xã hội, đặt ra nhu cầu rất lớn về thông tin.

- Nhu cầu thông tin trong bối cảnh đại dịch không chỉ dừng lại ở lượng mà còn đòi hỏi về chất cũng cao. Công chúng không chỉ cần được cung cấp nhiều thông tin mà còn cần những thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác, cập nhật sát sao tình hình diễn biến của dịch bệnh trong thực tế và có ý nghĩa hữu dụng trong thực tế. Họ cũng mong chờ tiếng nói từ các chuyên gia y tế, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, đại diện các tổ chức y tế lớn trên thế giới để giúp họ hiểu biết đúng về một căn bệnh mới, từ đó biết lựa chọn hành động đúng. Các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế đi lại và tụ tập đông người… rất quan trọng trong dịch bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh bùng phát và chưa có vắc xin phòng bệnh. Các phát ngôn từ các cơ quan y tế của chính phủ các nước, từ những người đứng đầu các chính phủ, đứng đầu các tổ chức lớn về y tế trên thế giới được công chúng chờ đợi, theo dõi sát sao.

- Trong khi nhu cầu thông tin tăng cao, thì việc khai thác và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về dịch bệnh gặp thách thức, khó khăn: Do COVID-19 là căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dẫn đến việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người phải bị hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác thông tin. Trong giai đoạn khi chưa có vắc xin phòng bệnh, phóng viên đi tác nghiệp tại các bệnh viện điều trị COVID-19 phải mặc áo quần bảo hộ. Một số phóng viên đã bị nhiễm bệnh. Trên thế giới, đã có phóng viên tử vong do nhiễm bệnh trong quá trình đi tác nghiệp. Nguy cơ lây nhiễm khiến việc gặp nhân vật để phỏng vấn trực tiếp bị hạn chế, các đài truyền hình, cơ quan báo chí phải triển khai các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt để bảo vệ và duy trì hoạt động thường xuyên.

- Truyền thông qua Internet: Một đặc trưng đáng chú ý của truyền thông trong bối cảnh đại dịch COVID-19 so với nhiều đại dịch khác trước đây (ví dụ như đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 [1]) là rất nhiều hoạt động truyền thông đã được thực hiện và duy trì nhờ dựa vào mạng Internet. Nhờ sự phát triển mạnh của mạng Internet, truyền thông trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã không bị gián đoạn quá nhiều. Các hoạt động báo chí, cung cấp thông tin vẫn được tiếp tục với các cuộc phỏng vấn online, phóng viên làm việc qua mạng. Các bác sĩ thực hiện các cuộc hội chẩn trực tuyến, người dân đặt hàng trên các trang thương mại điện tử, học sinh không đến trường nhưng vẫn duy trì học tập qua các trang online như MSTeam, Zoom, công chúng theo dõi thông tin qua báo mạng điện tử, đồng nghiệp cộng tác làm việc theo chế độ từ xa (working from home), bạn bè và người thân duy trì kết nối nhờ điện thoại thông minh.

Có thể nói, Cách mạng 4.0 đã giúp giảm bớt những khó khăn, thiệt hại, cản trở do đại dịch gây ra, giúp nhiều phần quan trọng của cuộc sống tiếp tục được duy trì bất chấp cơn bão dịch bệnh càn quét khắp nơi trên thế giới.

Một số bài học về truyền thông được rút ra qua đại dịch COVID-19

Cho đến thời điểm bài viết này được thực hiện, dịch COVID-19 đã hạ nhiệt tại Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới. Các hoạt động cơ bản của cuộc sống đã được phục hồi, như du lịch, học hành, khám chữa bệnh, sản xuất… Tuy nhiên, các trang báo, các kênh truyền hình vẫn thường xuyên cập nhật về tình hình diễn biến của dịch bệnh trong nước và trên thế giới. Hiện nay, hàng ngày vẫn tiếp tục có những ca nhiễm mới [2]. Qua gần 3 năm loài người chiến đấu với dịch bệnh này, chúng ta đã có thể nhận thấy nhiều bài học, trong đó có những bài học trong lĩnh vực truyền thông có thể rất hữu ích cho con người trong hiện tại và trong cả những tình huống tương tự như đại dịch COVID-19 có thể xảy ra trong tương lai.

- Bài học thứ nhất: Độ xác thực của thông tin

Một trong những yêu cầu cơ bản nhất của hoạt động truyền thông nói chung là tính chính xác, độ xác thực và tính kịp thời của thông tin. Trong bối cảnh đại dịch, yêu cầu này càng đặt ra cấp thiết hơn. Thông tin chính xác cần được cung cấp kịp thời để phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh. Đối diện với sự lây truyền nhanh chóng của virus Corona, con người cần có thông tin sớm nhất để phòng ngừa bệnh tật, phòng chống bệnh. Thông tin chính xác cũng giúp giảm bớt sự hoang mang và đưa dư luận đi đúng hướng.

Có thể nói, đưa thông tin xác thực, kịp thời có thể được xem là một trong những biện pháp giúp phòng chống dịch bệnh. Cần cân bằng giữa sự thiếu vắng, chậm chạp trong thông tin và sự quá tải thông tin. Nếu đưa thông tin quá ít, thiếu kịp thời thì dễ gây tâm lý chủ quan ở người dân (thiếu phòng bị). Ngược lại, nếu quá nhiều thông tin cũng có thể gây tâm lý lo sợ, phản ứng thái quá (ví dụ như hành động đi vét sạch siêu thị, tích trữ hàng hóa khiến giá cả tăng cao, khan hiếm hàng hóa).

- Bài học thứ hai: Coi hoạt động truyền thông đúng đắn là một biện pháp phòng chống dịch, xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông chống dịch lâu dài

Nếu xem thông tin là một biện pháp phòng chống dịch thì việc đưa thông tin về đại dịch cần có chiến lược lâu dài thay vì mang tính đối phó. Trên thực tế, các thành tựu từ công trình nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, các loại virus... nên được báo chí truyền thông quan tâm đưa tin thường xuyên, giúp trang bị cho người dân những kiến thức về dịch bệnh.

Thông tin y tế, khoa học là mảng cần được báo chí quan tâm, đầu tư, cập nhật tin tức bên cạnh các mảng như kinh tế, thể thao, xã hội, chính trị. Báo chí nên tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học trình bày, thảo luận về các thành tựu, các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong phòng, ngừa dịch bệnh, đưa ra các cảnh báo sớm về các nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh để những nhà quản lý, các nhà chuyên môn sớm quan tâm, suy xét đến các phương thức dự phòng, đối phó trong tình huống khẩn cấp (ví dụ: lập các kho dự trữ trang thiết bị y tế, giáo dục người dân phương pháp phòng bệnh, ứng xử trong tình huống dịch bệnh…).

- Bài học thứ ba: Công chúng cũng nên thay đổi một phần thói quen tiếp nhận và sử dụng thông tin của mình.

Thay vì chỉ quan tâm đến những câu chuyện giật gân, câu khách, người đọc nên quan tâm hơn đến các chuyên mục thông tin về y tế, có thói quen đọc, tìm hiểu những nguồn thông tin đáng tin cậy về phòng chống bệnh truyền nhiễm, thậm chí thiết lập quỹ dự phòng để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp (ví dụ: nơi ở bị phong tỏa trong thời gian tương đối dài để phòng chống dịch thì gia đình cần có ngân sách dự phòng để chi tiêu nếu phải tạm dừng đi làm).

Đặc trưng của truyền thông trong thời đại 4.0 hiện nay là dựa vào mạng Internet, đặc biệt là mạng xã hội. Trong bối cảnh đại dịch, ưu điểm của Internet và mạng xã hội là tính nhanh chóng, giảm được sự tiếp xúc trực tiếp, qua đó giúp giảm hoặc ngăn chặn bớt sự lây lan của bệnh. Nhờ có mạng Internet, ngay cả lúc dịch bệnh hoành hành nặng nề nhất, một số hoạt động cơ bản như giáo dục, thương mại vẫn được duy trì. Ví dụ, hình thức học online giúp cho việc học tập của học sinh, sinh viên không bị gián đoạn.

Thông qua mạng xã hội, nhiều thông tin về tình hình phòng chống dịch liên tục được cập nhật. Người dân có thể giữ mối liên hệ với nhau thông qua mạng xã hội dù lệnh phong tỏa hạn chế sự tương tác, gặp gỡ trực tiếp. Trong thời kì dịch bệnh, hoạt động thương mại trực tuyến được ưa chuộng, người dân quen với việc đặt hàng online, tạo cơ hội cho nhiều trang thương mại điện tử, dịch vụ vận chuyển (của các shipper) phát triển.

Truyền thông trong khủng hoảng y tế: Một số bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Vấn nạn tin giả hoành hành đã không ít lần khiến dư luận hoang mang. (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn)

Tuy nhiên, truyền thông qua mạng Internet, mạng xã hội không chỉ có ưu điểm mà cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Thứ nhất, nạn tin giả hoành hành đã không ít lần khiến dư luận hoang mang. Có những trường hợp tung tin giả đã bị pháp luật xử lý.

Thứ hai, truyền thông qua mạng xã hội vẫn không thể thay thế hoàn toàn nhu cầu về truyền thông trực tiếp. Việc học online là giải pháp tình thế giúp học sinh, sinh viên không đến trường nhưng vẫn không nghỉ học. Tuy nhiên, người học vẫn mong muốn được đến trường, vì những hạn chế của học online như sự phụ thuộc vào chất lượng của đường truyền, thiếu tương tác trực tiếp giữa người học và người dạy, hạn chế khả năng quản lý lớp học của giáo viên... Học online có thể là hình thức khẩn cấp hoặc sử dụng làm hình thức bổ trợ lâu dài trong dạy và học, song nó khó thay thế hoàn toàn việc học trực tiếp tại lớp.

Thứ ba, sự phụ thuộc quá lớn vào các thiết bị điện tử không có tác dụng tốt đối với sức khỏe, có thể gây các vấn đề về mắt, cơ xương khớp, chứng nghiện thiết bị điện tử, nghiện lướt mạng... Do đó, khi đại dịch bùng phát, cần sử dụng mạng xã hội, song nếu dịch bước vào giai đoạn lắng dịu, các hình thức truyền thông trực tiếp cần được sớm khôi phục và phát huy để tạo sự cân bằng, tránh tạo tâm lý, thói quen quá phụ thuộc lâu dài vào mạng Internet, mạng xã hội và các thiết bị điện tử.

Công chúng cũng cần tỉnh táo, tiếp thu có chọn lọc, có lý trí khi tiếp cận thông tin, không dễ dàng tin vào những thông tin giả, những tin đồn thất thiệt không có cơ sở, cũng không góp phần lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng và những thông tin tiêu cực có khả năng gây hoang mang trong dư luận và gây nhiễu loạn lòng người, gây cản trở, khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Kết luận

Tóm lại, trong bối cảnh khủng hoảng y tế, dịch bệnh, hoạt động truyền thông là cần thiết và nhu cầu đặt ra về thông tin, truyền thông là rất lớn cả về lượng và chất. Trong thời đại 4.0 hiện nay, hoạt động truyền thông trong dịch bệnh có sự tham gia của cả báo chí chính thống và mạng xã hội, tức là sự tham gia của cả giới truyền thông, các cơ quan chức năng và người dân.

Để tăng cường hiệu quả của công tác chống dịch, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cần có sự phối hợp tốt của cả 3 bên nói trên trong hoạt động truyền thông. Cần xem truyền thông tốt như một trong những biện pháp phòng chống dịch quan trọng. Yêu cầu cơ bản về tính xác thực, nhanh chóng, kịp thời, cập nhật của thông tin cần được bảo đảm trong các hoạt động truyền thông. Các bên đều cần có trách nhiệm trong hoạt động truyền thông, có định hướng truyền thông đúng. Đặc biệt, cần tránh tin giả gây hoang mang dư luận, nhiễu loạn xã hội gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Thông tin cung cấp cũng nên được chọn lọc để đem lại lợi ích tốt nhất cho xã hội. Ưu thế của mạng Internet và hệ thống hạ tầng truyền thông hiện đại đem lại lợi ích cao trong phòng chống dịch cần được tiếp tục duy trì và phát triển. Chiến lược truyền thông đúng đắn, phù hợp có thể góp phần dự báo và giúp giảm bớt những thiệt hại mà những cuộc khủng hoảng y tế như đại dịch COVID-19 có thể gây ra cho loài người trong hiện tại và tương lai./.

(1). Theo số liệu thống kê từ Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19, tính đến ngày 15/9 năm 2022, trên thế giới đã có trên 615. 015. 528 triệu ca nhiễm và trên 6.521. 021 ca tử vong vì COVID-19 (Nguồn: https://covid19.gov.vn/, xem ngày 15/9/2022). Mỹ, Anh, Ấn Độ, Brazil là những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề về nhân mạng do dịch COVID-19.

(2). Trong tình hình dịch bệnh lây lan, nhiều quốc gia phải áp đặt lệnh phong tỏa, dẫn đến sự đình đốn về kinh tế, nạn thất nghiệp…

[1]. Xem thêm Mai Trang (2021), "Những hình ảnh đặc biệt về đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918", VOV Hồ sơ, https://vov.vn/the-gioi/ho-so/nhung-hinh-anh-dac-biet-ve-dai-dichcum-tay-ban-nha-nam-1918-894926.vov, xem 15/9/2022.

[2]. Xem thông tin cập nhật trên Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19 (2022), https://covid19.gov.vn/.

1. Bộ Y tế (2022), Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19 (2022), https://covid19.gov.vn/, xem 15/9.

2. Mai Trang (2021), "Những hình ảnh đặc biệt về đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918", VOV Hồ sơ, https://vov.vn/the-gioi/ho-so/nhung-hinh-anh-dac-biet-ve-dai-dich-cum-tay-ban-nha-nam-1918-894926.vov, xem 15/9/2022.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)

Bài liên quan
  • Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ 7 năm 2024
    Sáng 25/12/2024, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức lễ trao giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ 7 năm 2024. Giải thưởng tôn vinh những tác giả xuất sắc, những tác phẩm báo chí ghi trọn những khoảnh khắc ấn tượng thông qua lăng kính nhiếp ảnh.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông trong khủng hoảng y tế: Một số bài học rút ra từ đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO