Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam

Thu Hiền| 11/07/2020 12:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm đánh giá vai trò, hiệu quả của truyền thông trong hoạt động xuất bản, đồng thời phân tích thực trạng của hoạt động này, Khoa Xuất bản- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản.

Đề dẫn tại Hội thảo, TS. Vũ Thùy Dương- Phó trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: Xuất bản là một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, đồng thời là ngành công nghiệp truyền thông kết nối trí tuệ của nhân loại. Các sản phẩm của ngành xuất bản đã, đang và tiếp tục có giá trị to lớn.

Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam - Ảnh 1.

TS. Vũ Thùy Dương- Phó trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Ngành xuất bản không thể đứng ngoài cuộc trước sự bùng nổ truyền thông, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng 4.0 để tạo ra các xuất bản phẩm đáp ứng thị hiếu của lớp công chúng mới.

Ngày nay, công tác truyền thông cho xuất bản phẩm trở thành một yếu tố quan trọng, giúp ngành xuất bản ngày càng hội nhập và đưa xuất bản phẩm đến với độc giả bằng nhiều con đường, phương tiện khác nhau.

Nhiều đơn vị xuất bản đã và đang xây dựng cho mình các hoạt động truyền thông ngày càng hoàn thiện về chất lượng cũng như hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị xem nhẹ công tác này.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học tại các cơ sở đào tạo, NXB, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm tham luận về công tác truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực xuất bản.

Hội thảo tập trung vào hai nội dung lớn. Phần thứ nhất là những vấn đề lý luận về truyền thông xuất bản gồm: Vai trò, yếu tố, mô hình truyền thông; Các bước trong chu trình truyền thông xuất bản; Các phương thức truyền thông xuất bản.

Phần thứ hai thảo luận về thực trạng truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản; Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đơn vị xuất bản; Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản

Tạo dựng và phát triển thương hiệu

Các đại biểu đều cho rằng tạo dựng thương hiệu là yếu tố rất quan trọng. PGS. TS Đỗ Thị Quyên - Trưởng khoa Xuất bản, phát hành, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: Thương hiệu tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau, với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, đặc biệt hơn là mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp với các khách hàng.

Thực tiễn phát triển của ngành kinh tế - công nghiệp xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 có sự cạnh tranh khốc liệt giữa xuất bản phát hành truyền thống với xuất bản phát hành điện tử và các loại hình báo chí, mạng xã hội. Tạo dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức mà đó còn là mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược mang tầm quốc gia hiện nay, sự tồn tại thịnh vượng bền lâu của NXB, các đơn vị phát hành xuất bản phẩm.

Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam - Ảnh 2.

ThS. Ngô Tấn Đạt- Phó giám đốc NXB Thông tin và Truyền Thông tham luận tại Hội thảo

ThS. Ngô Tấn Đạt- Phó giám đốc NXB Thông tin và Truyền Thông lại khẳng định: Thương hiệu như là một yếu tố sống còn đối với các tổ chức, đặc biệt trong điều kiện "thế giới phẳng" như hiện nay. Thương hiệu là tài sản vô hình, vô giá của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp…

Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những phương án, chiến lược truyền thông mới cho ngành xuất bản như: Lựa chọn nội dung như một lối đi của Maketing ngành sách (Đỗ Huyền Trang- Công ty sách Bách Việt); Truyền thông tiếp thị tích hợp (IMC) trong hoạt động xuất bản (ThS. Vũ Thị Ngọc Thùy- Khoa xuất bản); Chiến dịch truyền thông trong xuất bản (TS. Vũ Thùy Dương- Phó trưởng khoa Xuất bản- Học viện Báo chí và Tuyên truyền)…

Chủ động lựa chọn các chiến lược truyền thông hiệu quả

Nhấn mạnh thực trạng đa dạng các nền tảng truyền thông với sự tham gia của Facebook, Youtube, Zalo và hệ thống mạng xã hội khác, ông Phan Ngọc Chính, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tài chính cho rằng, trước khi sử dụng các phương tiện trên, mỗi NXB, công ty sách hay người làm sách đều cần phải xác định rõ mục tiêu là phải hướng đến khách hàng thì mới tìm cách truyền thông hợp lý để chinh phục nhóm khách hàng mua sách, tạo nên hiệu ứng tốt trong công chúng mới được thực hiện tiếp theo.

Mặt khác, theo ông Chính, phải xác định được sự khác biệt của ấn phẩm sách mà NXB, công ty phát hành đưa ra thị trường lần này khác với lần trước như thế nào. Xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp với quy mô phát hành với định lượng thị trường và với chi phí có thể đảm bảo các cân đối hài hòa, đem lại hiệu quả kinh tế...

Về việc xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản, ông Chính cho rằng, hãy cứ để dư luận đánh giá và độc giả tự kết luận. Cơ quan quản lý và NXB không cần phải lên tiếng hay vào cuộc.

Dẫn chứng, ông Chính cho biết, năm 2018, cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ đạt Giải C hạng mục "Sách hay" trong lễ trao "Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất" bị dư luận phản ứng là suồng sã, dụng tục... Tuy nhiên, cuối cùng thì giải thưởng vẫn được giữ nguyên cho sách, NXB và các cơ quan quản lý đều không có ý kiến chính thức.

Theo Giảng viên Khoa Xuất bản - TS Trần Thị Hồng Hoa, một xuất bản phẩm có giá trị cần phải trải qua nhiều công đoạn để hoàn thiện, nhưng muốn đến với độc giả không dễ dàng.

"Chính vì vậy, việc chủ động lựa chọn các chiến lược truyền thông hiệu quả để cung cấp thông tin và thu hút sự quan tâm của người đọc về những ấn phẩm đó là hoạt động rất cần thiết", bà Hoa nhấn mạnh.

Theo bà Hoa, để việc truyền thông và marketing một cuốn sách diễn ra suôn sẻ thì cán bộ chuyên trách cần lập được một kế hoạch cụ thể, làm rõ những đầu mục quan trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu quả truyền thông; cần đọc kỹ cuốn sách, tìm hiểu những thông tin cơ bản liên quan đến tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung tư tưởng chủ đề... nhằm xác định đúng đối tượng bạn đọc mà cuốn sách hướng đến.

Thông thường, các NXB muốn có chỗ đứng trong thị trường nói chung luôn phải có chiến lược định vị sản phẩm dành cho tệp khách hàng chuyên biệt.

Từ việc định vị này, NXB cũng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những tác giả có thể mạnh cho những sản phẩm liên quan.

"Sau khi xác định được khách hàng của cuốn sách, việc tiếp theo của bạn là xác định thông điệp truyền tải cho từng đối tượng khách hàng. Với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, phải có thông điệp phù hợp thì mới thuyết phục được độc giả mua sách", bà Hoa nhận định.

Bên cạnh đó, việc thực hiện kế hoạch vẫn cần theo dõi và điều chỉnh liên tụ, đặc biệt là với hoạt động marketing online...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO