TS. Nguyễn Trung Kiên giữ chức Phó Giám đốc Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông
Chiều nay (21/8), Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) công bố bổ nhiệm TS. Nguyễn Trung Kiên giữ chức Phó Giám đốc PTIT nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ, đại diện PTIT đã công bố nghị quyết của Hội đồng Học viện bổ nhiệm TS. Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CDiT) thuộc Học viện, giữ chức vụ Phó Giám đốc PTIT, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, TS. Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc PTIT bày tỏ niềm vinh dự, đồng thời đây là một thách thức. Ông cũng cho biết bản thân hoàn toàn tự tin với thời gian công tác hơn 20 năm tại PTIT có thể cùng tập thể ban lãnh đạo PTIT đưa Học viện phát triển hơn trong thời gian sắp tới.
Trong thời gian tới, với sự phát triển của Ngành và sự định hướng của Nhà nước về đào tạo, những cơ hội sẽ mở ra. Thời gian qua, PTIT đã phát triển khá tốt về quy mô nhưng trong tương lai, PTIT cần cạnh tranh với nhiều hơn với các trường đại học khác.
TS. Nguyễn Trung Kiên bày tỏ: “Khi được bổ nhiệm vị trí Phó Giám đốc PTIT, tôi hiểu vai trò của tôi là hỗ trợ Ban giám đốc (BGĐ) Học viện trong những phần việc được phân công. Với khả năng và kinh nghiệm của mình trong thời gian qua, tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình”.
Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết hoạt động chuyển đổi số (CĐS) là hoạt động PTIT đã kích hoạt trong những năm gần đây và đã đem lại kết quả. “Chúng ta đã có thương hiệu trong CĐS liên quan đến CĐS trong dạy học. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục CĐS trong công tác quản trị để có thể giải quyết được các vấn đề và mang lại môi trường tốt hơn cho khách hàng của mình - là các sinh viên và tốt hơn cho cả cán bộ giảng viên tại Học viện”.
Thứ hai là về thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong Học viện. Hiện nay, trong môi trường đại học (ĐH), hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) khá rộng, từ các bài báo đến phát triển các sản phẩm chuyển giao công nghệ và các phương thức đào tạo. Tuy nhiên, tại PTIT, một mảng còn dư địa khá nhiều là hoạt động về nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ.
Với kinh nghiệm của mình, tân Phó Giám đốc PTIT sẽ thúc đẩy hoạt động này để cải thiện các chỉ số liên quan đến chuyển giao công nghệ và mong muốn Học viện có thể bắt đầu có khả năng chuyển giao công nghệ ra xã hội.
Phó Giám đốc PTIT cũng cam kết đẩy mạnh khai thác ứng dụng của KHCN vào giải quyết bài toán liên quan đến chất lượng đào tạo. “Trong trường ĐH, vấn đề đào tạo là quan trọng nhất, tôi sẽ cố gắng để ứng dụng KHCN vào trong hoạt động giảng dạy và hỗ trợ sinh viên. Điều này sẽ giúp PTIT thu hút sinh viên hơn và giúp các thầy cô có thể giảm tải bớt khối lượng công việc”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Cán bộ là cái gốc của mọi việc” và cán bộ chủ chốt là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất trong bất kỳ tổ chức nào. Bộ TT&TT cũng đặt ra những yêu cầu rất cao đối với cán bộ chủ chốt, ngoài những điều kiện chung theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chúc mừng Học viện đã đào tạo được cán bộ chủ chốt từ nguồn tại chỗ “giỏi về chuyên môn, có tiếng nói trong giới”.
Giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Trung Kiên, Thứ trưởng đề nghị tân Phó Giám đốc tập trung cùng Ban lãnh đạo Học viện trở thành nhân tố đoàn kết, hội tụ nhân tài và tri thức để kiên định thực hiện mục tiêu chiến lược của Học viện.
Tiếp theo, cùng BGĐ Học viện tập trung tri thức, trí tuệ để nghiên cứu, làm rõ những định hướng mới của Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) để chủ động đề xuất những nhiệm vụ mới, các giải pháp khả thi trong chiến lược cập nhật, bổ sung của Học viện, thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo những định hướng mới của Bộ Chính trị đối với giáo dục ĐH. Qua đó, góp phần vào sự nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị BGĐ Học viện bám sát các mục tiêu: Đến năm 2030, Học viện trở thành trường ĐH hàng đầu Việt Nam về quy mô, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học, hình mẫu tiên phong về CĐS; trở thành trường ĐH hàng đầu khu vực, nằm trong nhóm 100 ĐH hàng đầu châu Á và nhóm 5 ĐH hàng đầu ASEAN về công nghệ số. “Đây là một thách thức không dễ gì đạt được”.
BGĐ Học viện nghiên cứu Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT:
Thứ nhất là nâng cao nguồn lực nghiên cứu, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập ở một số ngành nghề lĩnh vực mang tầm vóc quốc tế nhằm tạo đột phá, chuyển hướng mạnh mẽ, toàn diện về nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với nghiên cứu, phát triển KHCN và ĐMST.
Thứ hai là chú trọng các ngành nghề lĩnh vực đáp ứng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ, các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và chất bán dẫn.
Thứ ba, thúc đẩy kinh tế chính trị, CĐS trong giáo dục và đào tạo. Phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hóa, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của AI, khuyến khích các môi trường học mới, môi trường học số, môi trường học thông minh, môi trường học hạnh phúc"./.