Tuyên Quang: Tăng cường các giải pháp chuyển đổi số báo chí
Các chi hội nhà báo tại tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số (CĐS) báo chí với nhiều giải pháp từ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tin bài; duy trì hiệu quả chuyên mục “Chuyển đổi số” cho tới phát triển tác phẩm báo chí số.
Tạo sự thống nhất từ nhận thức tới hành động về CĐS báo chí
Thời gian qua, Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các Chi hội Nhà báo (các chi hội) của tỉnh phổ biến, quán triệt đến toàn thể hội viên, viên chức các cơ quan báo chí về nội dung Kế hoạch về CĐS của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh Tuyên Quang hàng năm và giai đoạn đến năm 2030... nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của hội viên, viên chức, người lao động trong thực hiện việc CĐS trong hoạt động của các Chi hội Nhà báo và thực hiện công tác tuyên truyền.
Thực tế, các Chi hội Nhà báo đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phân công phóng viên thực hiện các tin, phóng sự, tích cực cộng tác, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để tuyên truyền, phản ánh các hoạt động, mô hình hay, cách làm sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong việc thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh.
Hàng tháng, Ban Chấp hành Đảng bộ; Ban Chấp hành Chi bộ ban hành nghị quyết, kết luận lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác trong đó có nội dung chỉ đạo thực hiện công tác CĐS của các cơ quan báo chí và thực hiện công tác tuyên truyền triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch CĐS của các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trên phương tiện truyền thông và Trang Thông tin điện tử tổng hợp của mỗi chi hội.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tin bài
Theo Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang, các chi hội đã tích cực đổi mới trong quản lý, sản xuất, phát sóng các tác phẩm báo chí; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống mạng LAN trong biên tập, duyệt tin, bài; hệ thống mạng NAS, MAM phục vụ cho lưu trữ, sản xuất các tác phẩm báo chí. Tiếp tục ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tin bài; nghiên cứu, ứng dụng hợp lý hóa các hệ thống thiết bị; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh trên kênh phát thanh, truyền hình.
Đồng thời, các chi hội nhà báo nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các hạ tầng truyền dẫn, phát sóng số; Khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên, viên chức tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả các phần mềm công nghệ thông tin, phần mềm sản xuất các tác phẩm báo chí...
Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng tích cực vào việc tổ chức các hoạt động văn thư, lưu trữ góp phần thúc đẩy CĐS trong các hoạt động văn, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ và công tác văn thư, lưu trữ, đầu tư trang thiết bị như máy tính, máy scan...; Thực hiện có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành.
Theo thống kê, hiện nay, 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của các Chi hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi của các chi hội với các cơ quan, đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định); 100% chế độ bảo cáo được tạo lập, cập nhật, lưu trữ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung theo quy định.
Duy trì hiệu quả chuyên mục “Chuyển đổi số”
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang Ma Văn Chức, các cơ quan báo chí trong tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả chuyên mục “Chuyển đổi số” trên các phương tiện truyền thông. Tăng cường các tin, bài thông tin, tuyên truyền các hoạt động triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Tuyên Quang; trách nhiệm và kết quả thực hiện của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch CĐS trên địa bàn tỉnh; việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí đa dạng hóa các nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc CĐS quốc gia góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, người dân trong quá trình tham gia thực hiện như: Thủ tục hành chính, dịch vụ công; phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; giải pháp cấp tài khoản định danh điện tử phục vụ CĐS; ứng dụng di động công dân số VNEID; áp dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công; hỗ trợ người dân nhằm nâng cao kỹ năng số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến...
Thực tế, các cơ quan báo chí tại tỉnh Tuyên Quang cũng duy trì các mục và chuyên mục tuyên truyền có liên quan đến công tác CĐS như: “Thị trường”; “Kinh tế”; “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp"; “Bạn cần biết”; “Văn bản mới - chính sách mới”, “Cải cách hành chính”; “60 giây cập nhật”, “Công dân hỏi, cơ quan chức năng trả lời”... Tiếp đó, duy trì hoạt động hiệu quả Trang Fanpage, kênh Youtube, kịp thời thông tin, cập nhật tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra hàng ngày, phản ánh những vấn đề nóng người dân đang quan tâm.
Phát triển tác phẩm báo chí số
Công tác CĐS tại các cơ quan báo chí tại tỉnh Tuyên Quang cũng được tăng cường, đẩy mạnh với nhiều giải pháp. Cùng với việc mời giảng viên, chuyên gia về CĐS trong lĩnh vực báo chí để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác báo chí, thì nền tảng số cũng được chú trọng phát triển như các cơ Hạ tầng kỹ thuật nội bộ: Mạng nội bộ LAN duyệt tin bài, Mạng NAS, MAM phục vụ cho lưu trữ, sản xuất, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình.
“Cũng trong giải pháp phát triển nền tảng số, trang thiết bị được đầu tư để thực hiện CĐS các khâu từ sản xuất đến phát hành báo chí. Tận dụng tối đa trang thiết bị hiện có để giúp hội viên, viên chức truy cập để chia sẻ dữ liệu, biên tập tin bài, ảnh, phóng sự.... Ứng dụng các phần mềm Adobe Primiere, 3Ds Max, Audition, Photoshop, AI... để sản xuất tin bài, phóng sự, nâng cao chất lượng tác phẩm. Ứng dụng công nghệ, phần mềm và thiết bị được trang bị để tổ chức sản xuất các chương trình tọa đàm truyền hình, phỏng vấn, phóng sự tài liệu, ký sự truyền hình dài tập, truyền hình thực tế; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, ứng dụng ChatGPT để tìm kiếm thông tin, đề tài”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang Ma Văn Chức nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc sử dụng mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN) để phục vụ công việc đáp ứng cho 100% hội viên, viên chức và người lao động. Tích hợp dữ liệu hoạt động thông suốt 24/24h đảm bảo cho các phần mềm dùng chung, các hệ thống của tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ; triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đang sử dụng tại các cơ quan báo chí.
Về phát triển các sản phẩm báo chí số, ngoài phương thức phát sóng truyền thống, các chi hội đã thiết kế, các sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả như: Youtube, Fanpage... Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện CĐS trong công tác chuyên môn và giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng quán triệt nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên về vai trò, tầm quan trọng, xu thế tất yếu của việc CĐS trong tình hình mới.
Báo Tuyên Quang có những kết quả tích cực trong chuyển đổi số thời gian qua. Báo hiện có 4 trang fanpage vệ tinh, có kênh TikTok, youtube, kênh phát thanh và đứng thứ 10 toàn quốc trong các cơ quan báo chí về chuyển đổi số. Báo tăng cường mở các lớp tập huấn, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ hoạt động báo chí ngày càng phát triển./.
Tham khảo: tài liệu Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác hội năm 2023 triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Hội nhà báo Việt Nam.