Chuyển đổi số

Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và bước tiến đến chính phủ số

Nguyễn Phú Tiến - Cục Chuyển đổi số quốc gia 17/08/2023 08:00

Từ những năm 2000, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã được Đảng, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, coi đây là một phương thức mới để phục vụ quản lý, phát triển kinh tế, xã hội.

Tóm tắt:

Ứng dụng CNTT - phát triển CPĐT:
- Quản lý nhà nước (QLNN) về CNTT và truyền thông đã được thống nhất về một đầu mối do Bộ TT&TT phụ trách
- Ứng dụng CNTT đã mang lại hiệu cao cho công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước (CQNN); góp phần đổi mới lề lối làm việc, cải cách nền hành chính; phát triển CPĐT ở các cấp phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn.
* Chuyển đổi số (CĐS) - bước tiến đến Chính phủ số
- Chuyển dịch từ CPĐT sang Chính phủ số trở thành xu thế tất yếu trong đó dữ liệu như là “tài nguyên” mới tạo động lực cho sự chuyển đổi, lấy người dân làm trung tâm.
- Bước đầu đã hình thành các nền tảng số quốc gia phục vụ cả khối chính quyền, DN và người dân.
- Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương để thực hiện thành công các mục tiêu theo Chương trình CĐS quốc gia.

Đến nay, những kết quả triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới Chính phủ số đạt được đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế và tô thắm thêm truyền thống của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Ứng dụng CNTT - phát triển CPĐT

Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 58). Trong Chỉ thị này, Bộ Chính trị đã xác định, CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thế giới hiện đại.

Chỉ thị 58 đánh dấu bước khởi đầu cho phát triển CNTT của Việt Nam. Chỉ thị đã đặt mục tiêu đến năm 2010 là CNTT Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực với một số mục tiêu cơ bản là:

1- CNTT được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

2- Phát triển mạng thông tin quốc gia phủ trên cả nước, với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, giá rẻ; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt mức trung bình thế giới.

3- Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển hàng năm cao nhất so với các khu vực khác; có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước ngày càng tăng.

Để đạt mục tiêu, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp:

1- Ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNTT trong toàn xã hội;

2- Tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng CNTT và phát triển CNTT;

3- Đẩy mạnh việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực cho ứng dụng và phát triển CNTT;

4- Đẩy nhanh việc xây dựng mạng thông tin quốc gia, bao gồm hệ thống viễn thông và Internet Việt Nam;

5- Tăng cường, đổi mới công tác QLNN đối với lĩnh vực CNTT.

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CNTT, PHÁT TRIỂN CPĐT GIAI ĐOẠN 2007-2020:

- Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008; Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN năm 2008, giai đoạn 2009-2010;

- Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

- Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về CPĐT;

- Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025;

- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

Theo tinh thần của Chỉ thị 58, quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT- TT) đã được thống nhất về một đầu mối, qua đó đã hình thành hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước mạnh để thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT-TT: Năm 2002, Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và CNTT. Năm 2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở Bộ Bưu chính, Viễn thông và bổ sung thêm chức năng QLNN về báo chí, xuất bản. Việc quản lý nhà nước tại địa phương do hệ thống 63/63 Sở TT&TT chịu trách nhiệm. Tại Trung ương, 100% các Bộ, ngành đều có đơn vị chuyên trách về CNTT.

Trong công tác triển khai ứng dụng CNTT, từ Chỉ thị 58, môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT được hình thành, điển hình là Luật Công nghệ thông tin (2006). Thực hiện Luật CNTT, ngày 10/4/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP qui định về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN (Nghị định 64). Nghị định 64 trở thành văn bản qui phạm pháp luật đầu tiên qui định cụ thể, chi tiết nội dung ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

Căn cứ Nghị định 64, Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, kế hoạch về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN một cách hệ thống, đồng bộ với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch được ban hành, Bộ TT&TT đã hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 5 năm, hàng năm của các bộ, ngành.

Dưới sự hướng dẫn của Bộ TT&TT, Kế hoạch của các đơn vị được đồng bộ với các chương trình, kế hoạch của quốc gia, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp về ứng dụng CNTT trong các ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương.

THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY CĐS

- Luật số 20/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội Luật Giao dịch điện tử;

- Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của CQNN trên môi trường mạng;

- Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ Quy định định danh và xác thực điện tử;

- Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Qua việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT, kết quả triển khai đã mang lại hiệu cao cho công tác quản lý, điều hành của CQNN, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp (DN) và phát triển CPĐT, cụ thể:

Thứ nhất, minh bạch hoạt động của CQNN, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) cho người dân, DN, cụ thể:

- 100% bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai Cổng thông tin điện tử, Cổng DVC để công khai, minh bạch thông tin hoạt động của chính quyền; cung cấp DVC trực tuyến (DVCTT) cho người dân, DN. Cổng DVC quốc gia được xây dựng, tích hợp Cổng DVC của các bộ, ngành; các tỉnh, thành phố để làm đầu mối một cửa cung cấp DVCTT cho người dân, DN;

- Tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các CQNN tăng đều hàng năm, Trên 90% văn bản trao đổi giữa các CQNN được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số (CKS) chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật;

- Cơ chế hải quan một cửa quốc gia được thiết lập, hình thành kênh giao tiếp điện tử giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới xuất nhập khẩu;

- Trên 50% DVCTT phát sinh hồ sơ; gần 80% TTHC đủ điều kiện theo qui định được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình.

Thứ hai, Hạ tầng dữ liệu được đẩy mạnh phát triển:

Các dữ liệu quốc gia, dữ liệu phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân và DN đã được các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai xây dựng, tạo lập. Cụ thể một số loại dữ liệu căn bản như: dân cư, đất đai, DN, bảo hiểm, hộ tịch, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, lao động - việc làm,...

Thứ ba, Hạ tầng số từng bước được hoàn thiện đảm bảo thông suốt các cấp chính quyền:

- Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước đã được triển khai đến cấp xã, phường; đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa các cấp chính quyền;

- Hạ tầng viễn thông, di động 3G, 4G triển khai phủ sóng toàn quốc tới hầu hết các thôn, bản.

- Các bộ, ngành và địa phương đều đã có hạ tầng lưu trữ dữ liệu riêng để lưu trữ, phục vụ phát triển các nền tảng, dữ liệu của các bộ, ngành địa phương. Trong đó, một số nơi đã triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để nâng cao năng lực.

Thứ tư, công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng được triển khai hiệu quả: Nhiều biện pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng đã được triển khai làm giảm đáng kể các sự cố mất an toàn an ninh thông tin, tấn công mạng trong CQNN;...

Việc triển khai quyết liệt từ trung ương tới địa phương, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần đổi mới lề lối làm việc, cải cách nền hành chính, phát triển CPĐT ở các cấp phục vụ người dân và DN tốt hơn.

chinh-phu-dien-tu.png

Với những kết quả đạt được, xếp hạng CPĐT của Việt Nam được cải thiện, được thế giới công nhận. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc về ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT, chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2020 tăng 13 bậc, từ xếp hạng thứ 99 lên xếp hạng thứ 86 (trên 193 quốc gia được đánh giá).

Các kết quả triển khai ứng dụng CNTT đạt được là cơ sở, nền tảng cho hoạt động phát triển CPĐT, CĐS trong CQNN hướng tới phát triển Chính phủ số tại Việt Nam.

csdl-quoc-gia.png
CSDL quốc gia tạo nền tảng dữ liệu cho phát triển Chính phủ số

CĐS - bước tiến đến Chính phủ số

Ứng dụng CNTT trong CQNN, phát triển CPĐT nước ta giai đoạn qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại như người dân sử dụng DVCTT hạn chế, các cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng số quốc gia chậm được triển khai, an toàn, an ninh mạng còn nhiều thách thức; việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, còn tình trạng trùng lặp, cát cứ dữ liệu,...

Điều này đòi hỏi có sự thay đổi mang tính chiến lược về tư duy, cách làm phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển mới dựa trên các công nghệ mang tính đột phá nhằm đưa hoạt động của các cơ quan, tổ chức lên môi trường số một cách toàn diện.

Trong xu thế này, xu hướng chuyển dịch từ CPĐT sang Chính phủ số trở thành xu thế tất yếu, cùng với các quốc gia khác, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của dữ liệu như là “tài nguyên” mới tạo động lực cho sự chuyển đổi và chú trọng phân tích dữ liệu và tận dụng hiệu quả các công nghệ số.

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg), trong đó, nêu ra một số quan điểm định hướng cho phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số là:

1 - Lấy người dân làm trung tâm, ưu tiên CĐS những lĩnh vực tác động trực tiếp, hàng ngày tới người dân như y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường, giao thông vận tải,...;

2 - Thể chế là yếu tố quan trọng cần đi trước, sẵn sàng chấp nhận, sử dụng cái mới;

3 - Đổi mới cách làm từ các phần mềm, hệ thống riêng lẻ thành các nền tảng số dùng chung, tập trung, coi đây là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; trong phát triển chính phủ số, chính quyền số, coi dữ liệu là loại tài nguyên mới, cần thực hiện kết nối, chia sẻ dùng chung trong CQNN và mở để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu: cung cấp DVC chất lượng, vận hành tối ưu hoạt động của bộ máy hành chính, giải quyết hiệu quả các vấn đề của xã hội và thay đổi xếp hạng của quốc gia.

Triển khai Chương trình CĐS quốc gia, các bộ, ngành đã quan tâm, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy CĐS.

Chỉ trong giai đoạn từ 2020 đến nay, nhiều văn bản quan trọng của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy CĐS, điển hình là “Luật Giao dịch điện tử sửa đổi” cùng nhiều Nghị định, đề án và các chính sách về CĐS trong từng ngành, lĩnh vực như: giáo dục, việc làm, thư viện, di sản văn hóa, nông nghiệp,....

Cùng với việc xây dựng thể chế, công tác tổ chức, chỉ đạo CĐS được kiện toàn, tăng cường.

Ủy ban quốc gia về CPĐT được kiện toàn thành Ủy ban quốc gia về CĐS, trong đó, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó trưởng ban, các thành viên là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT thành Ban Chỉ đạo về CĐS, do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố làm Trưởng ban.

Với sự nỗ lực tổ chức triển khai Chương trình CĐS quốc gia đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Thứ nhất, việc hoàn thành các chỉ tiêu quốc gia, đến Quý 2 năm 2023: 08/28 chỉ tiêu đã hoàn thành (đạt tỷ lệ 29%), 04/28 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành trước thời hạn (chiếm tỷ lệ 14%), các chỉ tiêu còn lại đang được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện.

Một số chỉ tiêu hoàn thành: 100% tỷ lệ phủ của hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến cấp xã; 66% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử so với mục tiêu 55% vào năm 2025; 2,29% nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động so với mục tiêu 2% vào năm 2025; 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh so với mục tiêu 80% vào năm 2025.

Thứ hai, việc phát triển các nền tảng, dữ liệu số quốc gia đã đạt được những bước tiến quan trọng:

- Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối, liên thông với 09 CSDL, 14 hệ thống qui mô quốc gia để chia sẻ dữ liệu với trên 90 cơ quan, DN, trung bình khoảng 2,4 triệu giao dịch/ngày.

- Nền tảng định danh và xác thực điện tử: Đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã thu nhận gần 19 triệu hồ sơ; phê duyệt gần 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân.

- Nền tảng kỹ năng số quốc gia: Đã xây dựng, đang phát triển hoàn thiện nền tảng đào tạo trực tuyến OneTouch, cung cấp các khóa đào tạo chuyển đổi số cho các đối tượng nòng cốt, đối tượng chuyên trách, CBCC cấp xã, người dân,... với các chuyên đề CĐS cơ bản, an toàn thông tin (ATTT), cách tiếp cận nền tảng trong CĐS,... hiện nay tổng số gần 18 triệu lượt tham gia.

- Nền tảng số y tế: Ngành Y tế đang phát triển, hoàn thiện các nền tảng như Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng quản lý trạm y tế xã; Nền tảng quản lý thông tin y tế (đã thí điểm tại 06/63 tỉnh, thành phố); Hệ thống kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và ngân hàng dữ liệu ngành dược.

- Nền tảng số giáo dục: Ngành giáo dục đã triển khai các nền tảng quản trị nhà trường, nền tảng quản lý học tập dùng chung miễn phí cho giáo dục phổ thông; đầu tư xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến dùng chung (MOOCs) và xây dựng các khóa học trực tuyến ở một nhóm ngành: kỹ thuật và công nghệ; kinh tế; kinh doanh và quản lý; khoa học tự nhiên; thủy sản; nông nghiệp - dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2023; hệ thống điều hành điện tử kết nối với 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 300 trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.

- Nền tảng số nông nghiệp: Nền tảng Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản được xây dựng, vận hành, liên thông với nhiều địa phương trên cả nước (09/63 tỉnh, thành phố) và đang tiếp tục mở rộng. Hiện tại, đã có hơn 3.460 mã truy xuất sản phẩm nông sản thực phẩm được cập nhật.

- Bước đầu đã hình thành các nền tảng số quốc gia phục vụ cả khối chính quyền, DN và người dân nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

evnhanoinolucungdung.jpeg
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng (Ảnh: evn.com.vn)

- Nhiều ngành, lĩnh vực đang chuyển đổi cách tiếp cận phát triển hệ thống, tích hợp trước đây sang phát triển theo cách làm nền tảng dùng chung đồng thời đẩy mạnh phát triển, tạo lập và khai thác sử dụng dữ liệu.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu theo Chương trình CĐS quốc gia.

Trong đó đặc biệt chú trọng hoàn thiện thể thế, pháp lý tạo thuận lợi đẩy mạnh chuyển đổi số tại các ngành, các cấp; tiếp tục phát triển, hoàn thiện các nền tảng số quốc gia, dữ liệu số trong các ngành, các lĩnh vực và cung cấp dữ liệu mở; đẩy mạnh cung cấp DVCTT toàn trình, tăng tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ theo chỉ tiêu Chính phủ giao vào năm 2025; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực số, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ công chức, cán bộ CĐS các ngành, các cấp.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và bước tiến đến chính phủ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO