Thu thập thông tin hữu ích từ cộng đồng: Câu chuyện tại Indonesia
Khi một thảm họa thiên tai xảy ra ở Indonesia, người dân có thể đăng nhập vào mạng xã hội, đăng bài viết gắn thẻ sáng kiến PetaBencana có liên quan đến thảm họa - có thể là lũ lụt, động đất hoặc núi lửa phun trào. Điều này sẽ nhắc nhở chatbot liên kết đến nền tảng PetaBencana. Sau đó, người dùng có thể chia sẻ vị trí của họ, hình ảnh về các thiệt hại có thể nhìn thấy cũng như thông tin chi tiết như độ sâu nước lũ.
Nhờ vậy, các cơ quan chính phủ Indonesia có thể xác nhận thông tin từ các báo cáo có nguồn lực từ cộng đồng này, sử dụng dữ liệu nhận được để điều phối những biện pháp ứng phó khẩn cấp. Người dân cũng có thể tham khảo bản đồ kết quả trong thời gian thực để đưa ra quyết định sáng suốt về sự an toàn và an ninh của mình.
Được điều hành bởi tổ chức phi lợi nhuận Yayasan Peta Bencana có trụ sở tại Jakarta, nền tảng PetaBencana.id cung cấp hệ thống quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp miễn phí, minh bạch cho các thành phố trên khắp Nam Á và Đông Nam Á.
Nashin Mahtani, Giám đốc tổ chức Yayasan Peta Bencana, cho biết nó dựa vào các mạng thông tin liên lạc cường độ thấp - phần lớn vẫn có ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai - nhờ sử dụng bất kỳ điện thoại di động nào có kết nối Internet.
Với dân số trẻ, thành thạo công nghệ, Indonesia nằm trong số 10 thị trường lớn nhất về số lượng người dùng của một số hãng như Twitter, Facebook, TikTok. Ước tính có 191 triệu người dùng mạng xã hội tại Indonesia tính đến tháng 2/2022, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Những người sáng lập của PetaBencana đã nhận thấy người dân Indonesia tweet rất nhiều về tình hình trong cộng đồng của họ khi lũ lụt hoành hành. Nhưng để mang lại giá trị thực sự, những thông tin như vậy cần được phân luồng đúng cách, với các bài đăng riêng lẻ rải rác trên mạng xã hội được chuyển đổi thành các báo cáo thực địa được các chuyên gia xác nhận.
"Đó là một quá trình xác minh và cấu trúc dữ liệu có nguồn gốc từ cộng đồng - biến tất cả những thông tin tràn lan thành thông tin hữu ích thông qua một chatbot", Mahtani nói.
Những trận mưa xối xả ở Jakarta vào tháng 1/2020 là một phép thử cho nền tảng điều phối này. Hàng nghìn người dùng đã sử dụng chatbot PetaBencana để báo cáo mực nước dâng cao và các gián đoạn khác. Bản đồ kết quả đã được tham khảo hơn 259.000 lần trong giai đoạn cao điểm của trận lụt tàn phá thủ đô, theo Twitter.
Những năm gần đây, nền tảng này đã mở rộng bản đồ mã nguồn mở để hỗ trợ thêm động đất, cháy rừng và núi lửa phun trào, những thảm họa thiên nhiên cũng thường xuyên xảy ra ở Indonesia.
Vai trò của công nghệ trong giảm thiểu thảm họa thiên nhiên
Theo Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021, Indonesia đứng thứ 38 trong số 181 quốc gia về mức độ dễ bị tổn thương do thiên tai.
Hiện nay, các công nghệ mới nổi, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn đang được chính phủ nước này sử dụng ngày càng nhiều để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, đồng thời giúp các cơ quan chức năng lên phương án chuẩn bị và ứng phó với các thảm họa thiên nhiên.
PetaBencana chỉ là một trong những ví dụ về cách dữ liệu nguồn cộng đồng và AI có thể cung cấp tình hình thực tế cho các nhóm quản lý thảm họa.
Phòng thí nghiệm Pulse (Pulse Lab) của Liên Hợp Quốc ở Jakarta, Indonesia cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm các cách tiên tiến để khai thác dữ liệu lớn nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chức năng thông tin chính xác hơn để có ứng phó hiệu quả. Công cụ Haze Gazer của Pulse Lab được phát triển sau hậu quả của cuộc khủng hoảng khói mù do cháy rừng xảy ra ở Indonesia và các nước láng giềng vào năm 2015. Haze Gazer phân tích và hiển thị dưới dạng bảng điều khiển, cung cấp cho nhà chức trách thông tin bổ sung về những gì đã xảy ra trên mặt đất để sẵn sàng ứng phó. Chính phủ Indonesia hiện sử dụng công cụ này để giám sát các đám cháy.
Trong hội thảo "AI for Good" được tổ chức vào đầu năm nay, các chuyên gia đã nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ sẽ mang lại hiệu quả đối với các thảm họa tự nhiên khắc nghiệt nếu chúng ta hiểu rõ bối cảnh cũng như thói quen của các cộng đồng có thể bị ảnh hưởng.
Nhóm nghiên cứu về AI để quản lý thảm họa thiên tai, một sáng kiến chung của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), đã được thành lập
Anthony Rea, Giám đốc bộ phận cơ sở hạ tầng của WMO cho biết: "Để mang lại giá trị cho con người, chúng ta không chỉ cần hiểu thời tiết sẽ làm gì, mà còn phải hiểu thời tiết sẽ gây ra tác động gì tới đối với con người và môi trường. Đây là dự báo dựa trên tác động, nơi AI có thể đóng một vai trò to lớn".
Bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương
Mưa xối xả cũng là một vấn đề thường xuyên xảy ra ở Brazil, đặc biệt là ở các khu đô thị hoặc khu ổ chuột có thu nhập thấp, nơi các tòa nhà kém chất lượng làm tăng nguy cơ lũ lụt. Dữ liệu không đủ về lượng mưa và đặc biệt là ảnh hưởng của nó đối với các khu vực này khiến việc dự đoán tình hình lũ lụt gặp nhiều khó khăn.
Tham gia Dự án Dữ liệu mưa lũ do chính quyền địa phương và các trường đại học khởi xướng, các nhà nghiên cứu đã huấn luyện các sinh viên trẻ về rủi ro lũ lụt và khả năng phục hồi, đồng thời chỉ cho họ cách làm đồng hồ đo mưa từ chai nhựa và thu thập dữ liệu về lượng mưa cho cộng đồng của họ.
Ứng dụng di động của dự án, ra mắt năm nay, đã được thử nghiệm tại các trường học và các chuyên gia bảo vệ dân sự tại 9 thành phố của Brazil. Mọi người có thể gửi dữ liệu về lũ lụt ở khu vực lân cận cũng như nhận được thông tin an toàn từ chính quyền địa phương và quốc gia, bao gồm Trung tâm giám sát và cảnh báo thiên tai quốc gia Brazil.
Theo các nhà quản lý dự án, dữ liệu thu thập được có thể được sử dụng để tạo ra các mô hình dự báo chính xác hơn về lũ lụt.
Sử dụng điện thoại thông minh để cảnh báo động đất
Một thập kỷ trước, giáo sư thống kê Francesco Finazzi của Đại học Bergamo đã bắt đầu nghiên cứu cách tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm động đất mà không dựa vào máy đo địa chấn.
Dự án Earthquake Network và ứng dụng dành cho thiết bị di động của nó sử dụng các gia tốc kế trong điện thoại thông minh để phát hiện các chấn động ban đầu, gửi cảnh báo đến những người trong khu vực bị ảnh hưởng để đến nơi trú ẩn. Phần lớn điện thoại thông minh ngày nay đều sở hữu gia tốc kế - một cảm biến có khả năng phát hiện các chuyển động của tay. Khi người sử dụng xoay máy thì hình ảnh trên màn hình cũng xoay theo. Vì vậy, nguyên lý hoạt động của gia tốc kế có thể giúp thu thập dữ liệu về động đất.
Do dữ liệu điện thoại lan truyền nhanh hơn sóng địa chấn, người dùng cài đặt ứng dụng có thể nhận được cảnh báo kịp thời để thực hiện các biện pháp bảo vệ và cảnh báo cho người khác.
Hiệu quả của mạng cảnh báo phụ thuộc vào việc có một số lượng người dùng đủ lớn. Nếu nhiều điện thoại trong một khu vực nào đó phát hiện chuyển động bất thường của đất, rất có thể động đất sẽ xảy ra ở khu vực ấy
Cơ sở người dùng lớn nhất của Earthquake Network là ở các nước Mỹ Latinh, bao gồm Chile, Ecuador, Mexico và Peru. Kể từ khi ra mắt, hệ thống đã phát hiện hơn 4.500 trận động đất trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Hoa Kỳ, Ý và Nhật Bản.
Một nghiên cứu gần đây sau trận động đất 8.0 độ richter ở Peru cho thấy hầu hết người dùng cảm thấy hệ thống này hữu ích, một phần vì nó cho phép họ chuẩn bị tinh thần cho các chấn động. Nhiều người trong gia đình đã được cảnh báo kịp thời.
Các nhà thiết kế hệ thống sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng tại các quốc gia để đảm bảo các dịch vụ cảnh báo sớm đến được với mọi người, mọi nơi nhằm giúp người dân công biết cách ứng phó với cảnh báo và sự cố kịp thời..
Xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn ứng dụng AI trong quản lý rủi ro thiên tai
Nhóm trọng tâm ITU-WMO-UNEP đang làm việc hướng tới các xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế về thu thập và xử lý dữ liệu; đào tạo, thử nghiệm và triển khai các mô hình dựa trên AI; và tích hợp AI vào các công cụ và thông tin liên lạc khẩn cấp.
Monique Kuglitsch, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu về AI để quản lý thảm họa thiên tai, lưu ý: "Tác động của thiên tai ngày càng trầm trọng hơn ở một số khu vực, chẳng hạn như các đảo nhỏ đang phát triển và các nước kém phát triển nhất, và đặc biệt với một số nhóm dân cư nhất định như phụ nữ và trẻ em".
Khi biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn thế giới, tác động của thảm họa thiên nhiên dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ để góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên là cần thiết và vẫn cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng ICT, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa và nông thôn./.