Văn hóa Cộng đồng ASEAN: Bảo tồn hay hội nhập?

Hoàng Minh| 19/09/2022 10:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn hóa vốn được coi là một nền văn minh đặc trưng của một quốc gia, dân tộc. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ, tác động mạnh mẽ tới kinh tế, an ninh, chính trị. Trong hợp tác quốc tế, văn hóa được coi là một phương sách thể hiện sự hội nhập. Khi ASEAN được thành lập, một trong ba trụ cột được nhắc đến là Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

Theo xu thế mới của dòng chảy xã hội, việc hội nhập trong văn hóa cũng được nhắc đến và gây ra nhiều tranh cãi với những quan điểm khác nhau, trong đó có ý tưởng cho rằng một số trào lưu văn hóa không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội trong từng quốc gia. Vì vậy, vấn đề đặt ra là có nên hội nhập văn hóa hay cần gìn giữ bản sắc truyền thống của mỗi quốc gia?

Văn hóa Cộng đồng ASEAN: Đa dạng và đa sắc

Trong lịch sử, các nước ASEAN từng bị xâm lược nhưng vẫn không bị đánh mất đi bản sắc văn hóa của mình. Chính sự giao thoa của nhiều nền văn hóa đã tạo nên một ASEAN muôn màu.

Có thể thấy nét chung nhất của Cộng đồng ASEAN về văn hóa là có chung một nền tảng của nền văn minh lúa nước. Địa hình khu vực và khí hậu nóng ẩm của ASEAN còn tạo nên sự tương đồng trong cách ăn, ở, sinh hoạt của cư dân khu vực này.

Tuy vậy, nền văn hóa ASEAN cũng có những nét dị biệt, làm nên sự đa dạng với những khía cạnh độc đáo. ASEAN có đến hàng trăm dân tộc khác nhau với những phong tục, tập quán khác nhau. Trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khu vực Đông Nam Á có cấu trúc tộc người đa dạng và phức tạp nhất. Theo một chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học, Myanmar có tới hơn 130 đơn vị tộc người; Việt Nam có 54 dân tộc, Thái Lan có khoảng 40 tộc người; Lào có 48… Về ngôn ngữ,  ở Indonesia có tới 300 nhóm ngôn ngữ tộc người khác nhau; ở Philippines, có hơn 90 nhóm địa phương thuộc nhiều tộc người khác nhau và ở Malaysia, cơ cấu tộc người bản địa sống rải rác trên khắp các vùng đất.

Văn hóa Cộng đồng ASEAN: Bảo tồn hay hội nhập? - Ảnh 1.

ASEAN là khu vực đa dạng về tôn giáo. (Ảnh: Hoàng Minh)

Bên cạnh đó, khu vực ASEAN còn có sự đa dạng về tôn giáo. Những tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở Đông Nam Á. Có thể nhận ra điều này khi nhìn vào bức tranh tôn giáo của một số nước như: Brunei Darussalam: Hồi giáo 63%, Phật giáo 14%, Thiên Chúa giáo 8%, các tôn giáo khác 15%; Campuchia: Phật giáo tiểu thừa 95%, các tôn giáo khác 5%; Indonesia: Hồi giáo 88%, Tin lành 5%, các tôn giáo khác 7%; Lào: Phật giáo 60%, thờ vật tổ 40%; Myanmar: Phật giáo 89%, Thiên Chúa giáo 4%, Hồi giáo 4%, các tôn giáo khác 3%; Philippines: Công giáo La Mã 83%, Tin lành 9%, Hồi giáo 5%, Phật giáo 3%; Thái Lan: Phật giáo 95%, các tôn giáo khác 5%...

Với sự đa dạng và đa sắc của các quốc gia trong ASEAN hiện nay, việc mở cửa và hội nhập, hợp tác vì một nền văn hóa khu vực đầy bản sắc, đa dạng là cần thiết, là nguyên tắc sống còn để phát triển và tạo nên sự bình đẳng. Vì lẽ đó, Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN đều có chung một mục tiêu là hợp tác vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng trong thống nhất. Với vị trí địa lý chiến lược quan trọng - nơi giao thoa hội tụ các nền văn hóa thế giới, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, văn hóa Âu Mỹ, sự đa dạng văn hóa ASEAN sẽ góp phần kết nối giữa các dân tộc, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trong khu vực; Là nền tảng vững chắc cho ngôi nhà chung ASEAN ngày càng trở nên tốt đẹp, thịnh vượng hơn.

Văn hóa khu vực ASEAN: Cơ hội và thách thức

Theo tiến trình toàn cầu hóa nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội khu vực ASEAN nói riêng, sự hợp tác, liên kết và hội nhập giữa các quốc gia và người dân ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Tiến trình hội nhập văn hóa, giảm dần khác biệt văn khóa khiến cho các rào cản về văn hóa từng bước bị xóa nhòa bằng tiến bộ của công nghệ thông tin. Các dân tộc xích lại gần nhau hơn, từng bước hiểu nhau hơn và biến văn hóa trở thành di sản chung của khu vực.

Mặt khác, sự đa dạng văn hóa trong khu vực đã và đang mang lại nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Sức sáng tạo và tài sản văn hóa của mỗi dân tộc trong khu vực ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực hàng thủ công, công nghiệp văn hóa là nguồn tài sản vô biên. Mỗi năm, chỉ riêng lĩnh vực này đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến thăm quan và mua sắm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Văn hóa Cộng đồng ASEAN: Bảo tồn hay hội nhập? - Ảnh 2.

Làng nghề thủ công truyền thống của mỗi dân tộc trong ASEAN thu hút một lượng khách du lịch lớn đến tham quan. (Ảnh: Hoàng Minh)

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng sự đa dạng văn hóa nói chung và khu vực ASEAN nói riêng là phương tiện tối ưu nhằm chống lại định kiến và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Sự đa dạng văn hóa chính là nhịp cầu để các nước hiểu biết lẫn nhau nhằm chống lại các định kiến và sự phân biệt. Hiểu biết lẫn nhau để gắn kết, tạo nên sức mạnh tập thể chống lại các âm mưu chia rẽ đến từ bên ngoài. Điều này hết sức cần thiết đối với sự ổn định xã hội và tạo ra sự đồng thuận trong nội khối.

Song, bên cạnh những điểm cộng mà sự đa dạng văn hóa mang lại, nó cũng tạo ra những thách thức không nhỏ trong Cộng đồng văn hóa ASEAN.

Đầu tiên chính là tác động của nó đối với hội nhập và liên kết ASEAN. Sự đa dạng văn hóa (trong đó chủ yếu là tôn giáo) cũng có những tác động tới quá trình liên kết và hội nhập ASEAN. Ví dụ như thực trạng xung đột ở Myanmar, Thái Lan, Philippines… chủ yếu do sự kỳ thị tôn giáo - sắc tộc giữa người Hồi giáo và Phật giáo (Myanmar, Thái Lan); người Hồi giáo và Công giáo (Philippines)…

Mặt khác, nó cũng dễ dẫn đến sự va chạm của các nền văn hóa. Lý do có thể là sự khác nhau của các hệ giá trị, chiều sâu tâm linh, tôn giáo hoặc tư tưởng. Thực tế này đã từng diễn ra ở các quốc gia Đông Nam Á - mà biểu hiện cụ thể của nó là xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, xung đột giữa người bản địa và người nhập cư... Thực tế cho thấy, một số xung đột sắc tộc ở khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây đều liên quan đến những người Hồi giáo. Chẳng hạn như gia tăng xung đột giữa những người Thái theo Hồi giáo với những người Thái theo Phật giáo ở miền Nam Thái Lan; xung đột giữa người Hồi giáo Moro ở Mindanao thuộc miền Nam Philippines với người Cơ đốc giáo; đụng độ giữa người theo đạo Phật và cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi tại bang Rakhine (Myanmar)…

Hội nhập văn hóa: Nên hay không?

Trong xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa như hiện nay, văn hóa là chiếc cầu nối quan trọng trong quan hệ quốc tế của mỗi nước. Sự vận động và phát triển của ASEAN trong những năm qua cũng nằm trong quy luật đó và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy của khu vực và quốc tế. Tham gia hội nhập ASEAN Việt Nam có điều kiện khai thác tối đa những thuận lợi để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển đất nước. Thành tựu lớn nhất mà ASEAN đạt được là không chỉ tăng cường sự hiểu biết, tin cậy nhau và sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần thiết, mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các nước ASEAN.

Tháng 8-2022 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN đã diễn ra tại Campuchia đã đưa ra những con số đầy hy vọng về sự hợp tác trong khu vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, ASEAN đã triển khai được 72% trong Trụ cột Văn hóa-xã hội, 98% các dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể của Trụ cột Chính trị-An ninh, 88,3% trong Trụ cột Kinh tế.

Riêng đối với Việt Nam, trong Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2020 và Tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và truyền thống phù hợp với từng địa bàn. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia. Tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Xây dựng và phát triển một số Liên hoan nghệ thuật quốc tế có thương hiệu tại Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam được tiếp cận với các nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng của thế giới, khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, du lịch tại Việt Nam. Phối hợp triển khai các Tuần Văn hóa, những sự kiện văn hóa lớn của các nước tại Việt Nam;... Đặc biệt, trong hiện tại và tương lai gần, các nhiệm vụ này sẽ được ưu tiên triển khai tại các địa bàn trọng điểm như: Nhóm địa bàn có quan hệ truyền thống lâu đời và gần gũi về địa lý như Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước khác thuộc khối ASEAN trong đó ưu tiên việc xây dựng và phát huy cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN…

Việc hội nhập văn hóa có thể sẽ mang đến điều bất lợi. Thách thức của sự hội nhập này có thể du nhập những cái không tốt trong văn hóa, gây hậu quả về văn hóa, đạo đức truyền thống. UNESCO đã từng khuyến cáo "Sự đồng hóa các hệ thống giá trị, đe dọa làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa, nhân tố hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của nhân loại".

Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa của từng quốc gia, dân tộc đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển mỗi quốc gia. Hội nhập đang đặt văn hóa dân tộc trước những thách thức, những "nguy cơ bất ổn" về khuynh hướng phổ biến các môtíp văn hóa toàn cầu hóa. Điều này có nguy cơ đe dọa xóa bỏ sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các vùng, các khu vực, làm nghèo sự đa dạng của bức tranh văn hóa nhân loại. Nguy cơ đồng nhất hóa các hệ thống giá trị và truyền thống dẫn đến việc tự xóa bỏ ý thức dân tộc, đe dọa làm cạn kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa - nhân tố được coi là hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của các dân tộc và nhân loại. Tổng Giám đốc UNESCO đã cảnh báo: "Xu hướng toàn cầu hóa có thể gây phương hại tới tính sáng tạo và đa dạng văn hóa của thế giới, tạo ra sự đồng nhất nghèo nàn về văn hóa".

Thay cho lời kết

Theo Giáo sư Joseph Nye trong tác phẩm nghiên cứu "Quyền lực mềm", văn hóa là yếu tố chính của việc thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung mà các quốc gia, dân tộc cùng chia sẻ. Từ đó, cho thấy phát triển văn hóa dân tộc không chỉ là bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn là phát huy giá trị, tinh hoa của văn hóa dân tộc ra thế giới, cũng như cần thiết phải định hình được vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa dân tộc trong dòng chảy lịch sử văn hóa nhân loại hiện tại và tương lai.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau".

Vì vậy, hội nhập văn hóa trong khu vực ASEAN là điều cần thiết. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta có thể hội nhập nhưng không hòa tan! Nghĩa là tiếp cận những tinh hoa của khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung, gạn đục, khơi trong, tiếp thu có chọn lọc nhưng vẫn phải bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa Cộng đồng ASEAN: Bảo tồn hay hội nhập?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO