Văn hóa đọc - Đọc (có) văn hóa thời công nghệ số

Nguyễn Thanh Tâm| 19/04/2021 10:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ số đã đem đến những hệ giá trị mới đồng thời tái định hình các giá trị truyền thống trong cảnh quan hiện đại (thiết lập một sắc thái khác của tính hiện đại). Điều đó khiến cho vấn đề văn hóa - đọc càng trở nên đáng bàn theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

Văn hóa đọc như cách hiểu lâu nay là năng lực, chất lượng, kỹ năng, thị hiếu của cá nhân hay cộng đồng đối với việc đọc

Theo đó, từ góc độ của những tiện ích thời đại, công nghệ số đã chi phối rất lớn đến những yếu tố này. Trước đây, người ta phải tự tìm, hoặc qua giới thiệu mới biết tác giả, tác phẩm rồi mua hoặc đến thư viện để đọc sách. Bây giờ, thời công nghệ số, các kênh giới thiệu, điểm sách, các bài phê bình nghiên cứu công phu bùng nổ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Từ cá nhân đến tổ chức, từ kênh sóng nhà nước đến mạng xã hội của cá nhân đều có thể trở thành một diễn đàn, một địa chỉ theo dõi để tiếp cận tác giả, tác phẩm và các vấn đề liên quan đến nhu cầu đọc.

Sự nở rộ của các công ty văn hóa truyền thông, các dịch vụ mua bán, trao đổi, chơi sách dựa vào tiện ích của công nghệ… đã kích thích văn hóa đọc phát triển. Người đọc có thể tìm, đặt hàng mua sách trên mạng nhanh chóng, thuận tiện, cũng có thể đọc online, đọc các bản điện tử hay nghe sách nói. Độc giả hiện nay đã không xa lạ gì với việc hàng vạn cuốn sách có thể chứa trong một thiết bị điện tử nhỏ gọn. Thay vì đến thư viện hoặc phải lưu trữ quá nhiều sách trong không gian sống, giờ đây, nhờ có công nghệ số, bạn có thể mang theo cả thế giới sách bên mình.

Trên các diễn đàn đọc sách online, ứng dụng công nghệ, người đọc có thể biết sách gì đang được nhiều người đọc nhất, sách gì hay nhất (theo đánh giá từ cộng đồng), sách bán chạy, sách tinh hoa hoặc các dòng sách, chủ đề sách, số lượng người đọc cụ thể. Không những thế, người đọc còn có thể tham gia trực tiếp vào các diễn đàn đọc để trao đổi về mọi vấn đề liên quan đến cuốn sách mà mình và cộng đồng quan tâm. Thậm chí, những diễn đàn đọc online này còn chi phối đến cả sự ra đời của những cuốn sách. Văn học mạng là một điển hình như thế.

Có thể nói, công nghệ số đã làm thay đổi diện mạo của chuỗi sản xuất – phân phối – tiêu thụ sách. Với sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ, mọi thứ bỗng trở nên nhanh chóng. Chỉ trong "một nốt nhạc" cuốn sách có thể ra đời, phát hành, đến tay bạn đọc và nhận được phản hồi từ công chúng. Thậm chí, thời gian gần đây, phía sản xuất – phát hành còn rao bán trước, nắm được số lượng tiêu thụ rồi mới tiến hành in. Với những cuốn sách đã ra đời, đi kèm theo nó là hệ thống truyền thông, quảng bá nhằm kích thích nhu cầu mua – đọc của công chúng. Công nghệ đã thỏa mãn các yêu cầu của nhiều bên tham gia vào không gian văn hóa đọc (giá trị nghệ thuật, tri thức, thương mại…). 

Văn hóa đọc - Đọc (có) văn hóa thời công nghệ số - Ảnh 1.

Văn hóa đọc như cách hiểu lâu nay là năng lực, chất lượng, kỹ năng, thị hiếu của cá nhân hay cộng đồng đối với việc đọc

Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của công nghệ số là tạo nên tính đồng đại của các diễn biến liên quan đến chuỗi giá trị này. Để tạo nên tính đồng đại đó, các yếu tố thuộc về hạ tầng kỹ thuật – công nghệ cũng như các chủ thể liên quan cần phải nắm bắt và phản ứng một cách hết sức mau lẹ. Mà, như chúng ta biết, công nghệ vốn nhấn mạnh đến tính thuận tiện và tốc độ. Do đó, văn hóa đọc được tiếp thêm nhiều năng lượng để rút ngắn các khoảng cách không gian – thời gian, trở thành một hoạt lực ở thì hiện tại.

Việc đọc thời công nghệ số đã trở nên dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và đặc biệt là người đọc có rất nhiều khả năng lựa chọn. Chúng ta thật khó để có thể hình dung tài nguyên số phong phú đến thế nào. Cái gì cũng có và luôn được bổ sung, cập nhật, thỏa mãn các yêu cầu tìm kiếm của con người. Cả thế giới tri thức có thể mở ra chỉ với một cú click chuột hay một cái chạm vào màn hình. Văn hóa đọc lúc này chỉ tập trung vào câu chuyện năng lực, thị hiếu, kỹ năng của người đọc mà thôi. Nói cách khác, anh có đủ sức, đủ thời gian để đọc hay không!

Văn hóa đọc là biểu hiện thuộc về nhận thức, ứng xử, đạo đức hay luân lý như là một hành vi kiến tạo văn hóa trong đời sống xã hội

Ở cấp độ rộng hơn, khi hình dung đọc như một hành vi văn hóa của cá nhân – cộng đồng trong tổng thể các hệ giá trị do con người kiến tạo, chúng ta sẽ cần nói thêm về cái cách hành vi đó được thực hiện. Nói đến văn hóa đọc, ở đây chúng ta cần nhấn mạnh rằng không chỉ là đọc nhiều hay đọc ít, đọc tinh hoa cao cấp hay đại chúng phổ thông. Công nghệ số cũng không chỉ là những tiện ích hay phản tiện ích đối với việc đọc, mà còn là văn hóa của cá nhân và cộng đồng trong việc tạo lập ý nghĩa, giá trị của việc đọc, cũng như những hành vi, ứng xử, thái độ của cá nhân – tổ chức đối với việc đọc thời công nghệ số.

Sẽ có nhiều vấn đề từ vĩ mô đến vi mô, từ hành chính công đến chiến lược – sách lược trong chuỗi sản xuất – phân phối – tiêu thụ sách cùng những sở thích lựa chọn riêng tư… Tuy nhiên, nhìn vào môi trường số hiện nay, chúng ta buộc phải đặt ra câu hỏi, người đọc đã thực sự xem việc đọc là một hành vi văn hóa hay chưa? Có phải cứ đọc thật nhiều, đọc cao cấp, tinh hoa là văn hóa đọc cao hay không? Vấn đề không đơn giản như vậy. Việc đọc trong kỷ nguyên số cần tuân thủ những đòi hỏi có tính thiết chế của nó.

Tình trạng sách nói vi phạm bản quyền tràn lan là biểu hiện sinh động nhất cho việc không phải bất kỳ hành động đọc nào cũng là hành động văn hóa. Việc sao chép, phát tán sách trên mạng ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản, đơn vị giữ bản quyền cũng cho thấy mặt trái – phản văn hóa của hành động đó (mà nếu không có công nghệ số thì không thể làm được). Chúng ta có thể dễ dàng tìm được một cuốn sách điện tử, sách nói trên mạng… nhưng đâu biết rằng cuốn sách đó có thể đã vi phạm bản quyền trong hình thức tồn tại, lưu hành như thế.

Văn hóa đọc - Đọc (có) văn hóa thời công nghệ số - Ảnh 2.

Nền tảng đọc như là một giá trị văn hóa

Thời đại công nghệ số mang đến nhiều tiện ích, kích thích nhu cầu đọc, nâng cao khả năng – cơ hội đọc, tạo lập một nền tảng đọc như là một giá trị văn hóa. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc định hình văn hóa đọc như là một động lực, một giá trị xã hội. Nhờ công nghệ, người ta tìm đến sách điện tử, sách nói, thay vì mua sách in. Những người yêu sách giấy đã thốt lên rằng công nghệ số tước đoạt đi ở người đọc những giá trị truyền thống: cầm trên tay cuốn sách, lật giở từng trang, nghe mùi giấy mới hay mùi thời gian trên từng tranh sách, những trải nghiệm cụ thể về tinh thần – vật lý trong việc tiếp cận sách giấy. 

Thêm vào đó, việc tập trung vào từng trang sách, từng dòng chữ cũng là một trải nghiệm rất cần thiết khi con người bắt đầu lo lắng đến việc công nghệ số quá nhanh đã cuốn người ta theo những vòng quay vội vã, nhất thời. Giao tranh của trạng thái tâm lý, trải nghiệm đó bản thân nó đã là một sắc thái của văn hóa đọc.

Công nghệ số khai sinh và định hình những sắc thái văn hóa đọc mới, thích ứng với đặc thù của thời đại. Điều đó chúng ta không chối cãi cũng không đi ngược lại được. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích phi thường, những biểu hiện khác có thể xem như một thứ dư sinh tiêu cực trong môi trường công nghệ số. Chẳng hạn, người đọc bị khuyến dụ, rủ rê, dẫn dắt rời xa ý niệm đọc ban đầu. Đáng lẽ, họ chỉ định tìm đọc cuốn này thôi, nhưng các gợi ý, quảng cáo, link liên quan (thậm chí không liên quan) đã khiến người đọc rời bỏ cuốn sách của mình. Một ma trận tri thức, thông tin, hàng hóa vây bủa người đọc. 

Đáng sợ hơn, những thông tin, hàng hóa ấy bằng một sự tương thông nào đó (người ta đã nghi ngờ do máy móc, công nghệ nghe lén hoặc cảm nhận được suy nghĩ, ý muốn, dự định của người sử dụng thiết bị điện tử thông minh) mà bày ra trước mắt người đọc như một cái chợ online. Không ngạc nhiên gì khi bạn vào mạng cốt để mua cuốn sách cuối cùng lại đặt hàng một đôi giày, một cái áo sơ mi hoặc một bộ mĩ phẩm... Vậy thì, ở đây văn hóa đọc – hiểu như là môi trường văn hóa - tính văn hóa của việc đọc đã bị xâm phạm. 

Nói cách khác, người đọc đã bị làm phiền, bị lợi dụng từ các tiện ích công nghệ. Các chuyên gia đã nghĩ đến việc không phải người sử dụng khai thác tài nguyên trên mạng mà máy tính và mạng internet đang khai thác con người. Không phải bạn đọc sách, tìm kiếm thông tin, tri thức trên mạng mà máy tính đang đọc bạn (chúng ta hiểu rằng, bất kỳ sự tìm kiếm thông tin nào trên mạng cũng được lưu lại. Các thiết bị công nghệ số thông minh sẽ phân tích dấu vết đó để định hình thói quen, nhu cầu của người sử dụng và đề xuất các ứng dụng – sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu). 

Một hệ lụy cũng xuất hiện khá rõ ở đây là việc con người bị mất thời gian cho công nghệ. Lẽ ra, việc đọc một cuốn sách khoảng 200 trang (nếu là sách điện tử) có thể hết một ngày, việc tìm và đặt mua sách giấy có thể không mất nhiều thời gian, tuy nhiên, sa vào ma trận của công nghệ, bạn có thể mất cả ngày mà công việc dự định ban đầu chẳng tiến triển được là bao. Điều đó có thể xem là phản văn hóa đọc không?

Năng lực quản trị bản thân trong môi trường công nghệ số cũng cần phải được xem như một sắc thái của văn hóa đọc. Ở đây, có thể là một ý nghĩ hơi cực đoan, nhưng việc "giữ được mình" trên mạng hoàn toàn không phải là cách nói hình ảnh hay quá đáng. Giữ mình khỏi sa vào ma trận hàng hóa, các gợi ý nghe – nhìn để rời xa việc đọc; giữ mình khỏi bị mất tiền khi đủ thứ hàng hóa mời mọc, khuyến mại hấp dẫn; giữ mình không (chưa cần thiết) sa vào các diễn đàn hội luận, tranh luận một cách vô bổ; giữ mình trước các văn hóa phẩm độc hại khác len lỏi vào không gian tìm kiếm – tài nguyên số; tránh mất thời gian khi bị công nghệ "dắt mũi"… có lẽ là điều mà một người đọc thông thái (có kinh nghiệm) sẽ luôn ý thức. Chưa hết, việc đọc trên mạng, mua bán trao đổi sách kèm giao dịch tài chính, thông tin cá nhân, là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng vào những mục đích không ai lường trước được.

Công nghệ số là thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại. Nhờ vào những thành tựu này, văn hóa đọc (cả nghĩa rộng và hẹp) đã có những thay đổi to lớn và sâu sắc. Trong cái nhìn bình tĩnh về văn hóa đọc thời công nghệ số, chúng ta cảm nhận rõ tiện ích mà công nghệ mang lại cho việc đọc. Tuy nhiên, ở đó cũng xuất hiện những tiêu cực mà con người cần phải đề phòng. Không phải ngẫu nhiên, người ta đã lo lắng rằng: một bước tiến của văn minh là một bước lùi của văn hóa, tiến bộ của vật chất là kẻ thù của tiến bộ về tinh thần. Trong tình thế đó, bàn về văn hóa đọc thời công nghệ số quả là một câu chuyện chưa hoàn kết.

(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa đọc - Đọc (có) văn hóa thời công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO