Viện CNTT - ĐHQGHN đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực AI và chip bán dẫn
Nhằm tăng cường hoạt động giao lưu học thuật giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, mới đây, Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội - ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo Khoa học Công nghệ thường niên năm 2023.
Hội thảo đã thu hút hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ đến từ các tập đoàn công nghệ, các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh từ các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT).
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT nhấn mạnh Hội thảo là diễn đàn thường niên để những người làm công tác nghiên cứu, triển khai công nghệ, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực CNTT-TT trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.
Hội thảo cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định thành lập ĐHQGHN. Đặc biệt, năm 2023 cũng là năm trọng tâm về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Viện CNTT và khách mời đã trao đổi và thảo luận về các vấn đề thiết thực trong lĩnh vực ứng dụng CNTT với báo cáo “Công nghệ và Y học: giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống - Hỗ trợ giao tiếp cho người bị tổn thương chức năng vận động” do PGS. TS. Lê Thanh Hà - Trưởng Phòng thí nghiệm Tương tác Người - Máy, Trường Đại học Công nghệ trình bày.
Báo cáo đã đưa ra giải pháp BLife hỗ trợ giao tiếp cho người tổn thương chức năng vận động; hỗ trợ tương tác với máy tính sử dụng chuyển động mắt; gợi ý đánh vần dựa trên ET-BCI; tương tác với các thiết bị trong nhà thông minh. Giải pháp BLife đã được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam.
Các báo cáo tại hội thảo đều nhận được sự quan tâm lớn từ các chuyên gia tham dự như báo cáo “Một số góc nhìn về nhu cầu nghiên cứu, phát triển và triển khai các công nghệ mới trên hạ tầng số tại Việt Nam” của Trung tá, TS. Lê Bá Tân - Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội; Báo cáo “Giải pháp mạng lưới vạn vật kết nối Internet công suất thấp” của TS. Bùi Duy Hiếu – Nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB), Viện CNTT, ĐHQGHN.
Từ năm 2015, nhóm SISLAB đã có sản phẩm vi mạch đầu tiên mang tên VENGME, được sản xuất với công nghệ CMOS 130nm của hãng Global Foundry (Mỹ). Từ đó cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã liên tục nghiên cứu, phát triển và cho ra các sản phẩm mới như vi mạch bảo mật hạng nhẹ SNACk, bộ khuếch đại kênh kép IoTA, nền tảng IoT an toàn ADEN4IoT.
Gần đây nhất, với sự tài trợ của hãng Google, nhóm cũng đã cho ra đời sản phẩm vi mạch VCO-based ADC với công nghệ Skywater 130nm. Vi mạch là nền tảng cho giải pháp mạng lưới vạn vật kết nối Internet công suất thấp. Trong tương lai, nhóm cũng dự kiến cho ra đời sản phẩm chip trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng trong thành phố thông minh.
Trong khi đó, báo cáo “Phân cụm đa khung nhìn và ứng dụng” của TS. Phạm Huy Thông - Phòng Công nghệ Đa phương tiện và Thực tại ảo, Viện CNTT, ĐHQGHN lại mở ra một hướng nghiên cứu về đa khung nhìn và phân cụm đa khung nhìn, đồng thời áp dụng phân cụm đa khung nhìn vào các lĩnh vực khác như y tế, giao thông, nghiên cứu xã hội và hơn thế nữa.
Đánh giá cao vai trò của Hội thảo, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn cho rằng: “Việc kết nối, trao đổi, hợp tác giữa Viện CNTT, các trường thành viên của ĐHQGHN, các tập đoàn công nghệ trong nước cần phải được tăng cường hơn nữa, để các nghiên cứu khoa học có thể đưa các sản phẩm đến gần thực tế hơn”.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn cho biết thêm, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo, Viện CNTT sẽ nghiên cứu, tiếp thu và định hướng chiến lược nghiên cứu trong giai đoạn 2024 - 2026 để đạt được những thành quả cao hơn, xứng đáng là đơn vị tiên phong về CNTT của ĐHQGHN./.