Kinh tế

Việt Nam bứt phá dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đỗ Phú 26/09/2024 18:26

Năm 2024 Việt Nam ghi điểm với xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Thông tin được đưa ra bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024.

Thực tế phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, việc thực hiện các chuyển đổi về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ trực tiếp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế. Giai đoạn những năm 90 của thế kỷ XX, khi khoa học, công nghệ được xem là một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, thì đổi mới sáng tạo cũng được hiểu là đổi mới sáng tạo của khoa học, công nghệ. Đây là một tiến trình trong những phân đoạn khác nhau của phát triển khoa học, công nghệ, mà cụ thể là các hoạt động tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển các phát minh, sáng chế về công nghệ.

Tại Việt Nam kể từ năm 2017, khi Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành với việc giao chỉ tiêu, phân công trách nhiệm về Chỉ số đổi mới sáng tạo cho từng bộ, cơ quan thì chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu liên tục được cải thiện. Hiện nay Việt Nam đang được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để đánh giá về mức chỉ số đổi mới sạo tạo của Việt Nam, ngày 26/9, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024.

Nội dung trong báo cáo cho thấy Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Đầu ra đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: sản phẩm tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo).

fdfdfgfh.png
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2024, Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ. Có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung quốc xếp hạng 11; Malaysia xếp hạng 33; Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng 37; Bulgaria xếp hạng 38 và Thái Lan xếp hạng 41; còn lại tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam.

Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Theo WIPO, điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về nguồn nhân lực và nghiên cứu.

Theo GII 2024, trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới gồm: Nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới, gồm: tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3), số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và phần chi nghiên cứu – phát triển do doanh nghiệp trang trải so với tổng chi nghiên cứu – phát triển (xếp hạng 9).

GII của WIPO là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình. Bộ chỉ số GII hiện được chính phủ nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách liên quan đến lĩnh vực này Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Colombia, Brazil.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ số đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu vì phản ánh khả năng cung cấp nguồn vốn và mức độ hỗ trợ tài chính cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Thành công này đến từ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó là các chính sách phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ khu vực viện, trường, thúc đẩy các xu hướng đầu tư vào công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo, phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ, tổ chức các sự kiện khởi nghiệp sáng tạo với các quy mô khác nhau.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, những cải thiện tích cực trong Chỉ số đổi mới sáng tạo là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam bứt phá dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO