Diễn đàn

Việt Nam có phải là nguồn cảm hứng tiếp theo của các CIO?

Tuấn Trần 28/05/2024 06:15

Khi lĩnh vực CNTT ngày càng theo xu hướng toàn cầu hóa và cung cấp các lựa chọn nguồn cung ứng mới cho các tổ chức, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến có tính cạnh tranh đặc biệt.

Chuyên trang chuyên sâu về các giải pháp CNTT cho các giám đốc CNTT CIO cio.com (Mỹ) vừa đăng bài viết của tác giả Martin Veitch, nhận định rằng, Việt Nam sẽ là nguồn cảm hứng tiếp theo của các CIO. Chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung chính của bài viết này:

Các CIO đang tìm kiếm những nguồn lực đổi mới và hỗ trợ mới trong bối cảnh thương mại toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng, các khu vực từng là quá xa lạ giờ đây đang là đối thủ của những quốc gia thống trị ngành CNTT lâu đời.

Những ngày mà Mỹ, châu Âu và các nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Israel là những quốc gia được các CIO lựa chọn duy nhất đang mờ dần. Những gì chúng ta thấy ngày nay là các thành phố, khu đô thị, quốc gia và khu vực ở khắp mọi nơi đang cố gắng để tạo ra các trung tâm, mối quan hệ sản xuất, trung tâm điều hành dịch vụ và nhà máy phát triển theo phong cách Thung lũng Silicon của riêng họ. Và tham vọng công nghệ cao của Việt Nam là một ví dụ.

Việt Nam, quốc gia có hơn 100 triệu dân đang nỗ lực ghi tên mình lên bản đồ kỹ thuật số. Gần đây, Việt Nam đã cam kết giảm thuế và các hỗ trợ tuyệt vời khác, bao gồm cả giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại các công ty đầu tư xây dựng nhà máy bán dẫn, một động thái có thể giúp mở khóa cuộc chiến chip Mỹ - Trung.

Việt Nam đã đóng vai trò chủ nhà của các nhà máy thử nghiệm và lắp ráp silicon lớn nhất của Intel, trong khi các gã khổng lồ khác đang tìm cách tham gia hoặc mở rộng hoạt động của mình tại đây. Ví dụ, gần đây, Samsung đã cam kết sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam mỗi năm hơn 1 tỷ USD. Trong khi Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã cam kết tăng chi tiêu cho mắt xích cốt lõi trong chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam.

anh-5a-cmc-korea.jpg
Tập đoàn CNTT của Việt Nam - CMC giới thiệu các giải pháp của mình tại Hàn Quốc.

Nhấn mạnh sự trỗi dậy của Việt Nam, ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, đã gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội vào tháng 1/2024 để tái khẳng định quan hệ đối tác của Hoa Kỳ với Việt Nam về chất bán dẫn cũng như các kế hoạch phát triển các dự án phát triển lực lượng lao động. Và hai bên cũng đã cân nhắc đến việc mở rộng hơn nữa sự hợp tác chung này sang các nỗ lực liên quan đến khoa học và công nghệ.

Ông Fernandez cho biết: “Có nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn có khả năng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói như Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng trở thành một cường quốc.”

Nhìn chung, sức hấp dẫn của Việt Nam rõ ràng là đang tăng lên trong bối cảnh mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc căng thẳng.

Tích hợp để thành công

Nền tảng của tất cả những điều này là các khoản đầu tư lớn vào giáo dục của Tập đoàn FPT, công ty đã và đang là biểu tượng của những tiến bộ tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.

Là công ty dịch vụ CNTT lớn nhất tại Việt Nam với hơn 48.000 nhân viên và doanh thu hàng năm gần 2,2 tỷ USD, FPT đã vươn sang lĩnh vực viễn thông, trung tâm dữ liệu, phát triển phần mềm và ngày càng quan tâm đến là trí tuệ nhân tạo (AI). Công ty thậm chí còn quản lý một trường đại học, tham gia vào các dự án của quốc gia để trở thành công ty dẫn đầu về kỹ thuật số.

Linus Lai, nhà phân tích trưởng của IDC tại khu vực ANZ (Úc và New Zealand), đánh giá cao sự tiến bộ của Việt Nam, được thúc đẩy bởi khả năng phát triển phần mềm của FPT cũng như những tiến bộ trong LLM (mô hình ngôn ngữ lớn) và AI tạo sinh.

“Có vẻ như FPT đang tập trung nhiều tiến sĩ, đứng đầu là giám đốc AI Nguyễn Xuân Phong,”
ông nói. “FPT tự hào là trung tâm AI số một tại Việt Nam với đội ngũ 1.000 chuyên gia AI. Gần đây họ cũng đã đạt được thỏa thuận với Nvidia và có cụm Nvidia lớn nhất Đông Nam Á với hiệu suất lên tới 400 teraflop.”

Câu chuyện của Việt Nam trong thế kỷ này là một trong những tiến bộ nhanh chóng nhờ nỗ lực hiện đại hóa đầy quyết tâm kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2008. Xuất khẩu hàng điện tử đã bùng nổ, và làn sóng tiếp theo có thể là R&D (nghiên cứu & phát triển), và sự liên quan ngày càng tăng trong các dịch vụ CNTT có lợi nhuận cao hơn .

Ông Linus Lai cho biết thêm: “Trong khi Philippines chủ yếu tập trung vào BPO (dịch vụ thuê ngoài), nhờ thông thạo tiếng Anh và có mối liên hệ chặt chẽ với lợi ích của Mỹ, Việt Nam đã mở cửa giao thương dịch vụ CNTT bên ngoài với Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu và các nước láng giềng gần gũi. Dựa trên quỹ đạo ấy, chúng tôi thấy sự tương đồng giữa Nhật Bản và Việt Nam về năng lực khoa học và kỹ thuật. Việt Nam bắt đầu tạo nên sự khác biệt trên quy mô toàn cầu dựa trên sự cởi mở trong văn hóa kinh doanh, và sự sẵn sàng đầu tư vào R&D".

Trở thành bên tham gia toàn cầu rõ ràng hơn

Một số người lại so sánh Việt Nam với Ấn Độ. Giống như Ấn Độ đã chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng vượt bậc với tư cách là một trung tâm phát triển và gia công CNTT vào những năm 1990 nhờ vào dịch vụ khắc phục sự cố ERP, BPO và Y2K, sự gia tăng bùng nổ của AI và nhu cầu đi kèm cũng có thể giúp thúc đẩy sự tiến bộ của Việt Nam.

Linus Lai cho biết: “Tôi được thông báo rằng FPT đã có 39 bài nghiên cứu trong lĩnh vực AI được công bố quốc tế. Điều này rất ấn tượng và quan trọng vì Việt Nam tin rằng mình giữ vị trí trong đổi mới, không chỉ các dịch vụ ở nước ngoài. Có lẽ đây là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các nền kinh tế châu Á đang phát triển về vị thế cạnh tranh".

Giám đốc AI của FPT Software Nguyễn Xuân Phong cũng đồng tình với nhận định này, ông cho rằng Việt Nam có đủ điều kiện để thành công và phù hợp với những người có nhu cầu tìm việc làm.

Ông nói: “Chúng tôi có một lực lượng lao động trẻ, thích nghi và nhiệt tình. Khi tôi đến FPT, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào được quốc tế công nhận. Tôi nghĩ làm thế nào chúng ta có thể có được điều đó cho Việt Nam. Và ngày nay chúng tôi có các tài liệu nghiên cứu được xuất bản trên phạm vi quốc tế và chúng tôi thấy những thay đổi ở khắp mọi nơi".

Sự thay đổi đó đặc biệt rõ ràng với AI như một công cụ tăng tốc giống như cách Y2K dành cho gia công nước ngoài của Ấn Độ.

Ông nói: “Công nghệ tiến bộ nhanh chóng và đó là cơ hội. Để thăng tiến nhanh chóng, bạn cần sự thay đổi, và đúng như vậy. Chúng tôi coi AI là một công cụ tuyệt vời về nhiều mặt, chẳng hạn như giúp giảm bớt rào cản ngôn ngữ trong cộng tác giữa con người với con người.”

Một tham vọng khác dựa trên việc thúc đẩy làn sóng tích hợp nằm ở FPT Automotive, được ra mắt vào năm ngoái với mục tiêu tạo ra 1 tỷ USD hàng năm vào năm 2030 nhờ thiết kế các phần mềm điều khiển phương tiện.


Người sáng lập và là Giám đốc điều hành FPT Trương Gia Bình cho biết ông nhìn thấy cơ hội rộng lớn hơn, để xây dựng thương hiệu cho cả nước như trung tâm kinh tế châu Á mới với các ưu điểm như cần cù, nhanh chóng và sẵn sàng phục vụ. “Bây giờ đi công tác tôi không bán (các sản phẩm của) FPT mà bán (các sản phẩm của) Việt Nam”, ông nói. “Chúng tôi không bao giờ ngủ quên khi có cơ hội.”

Một phần trong chiến lược tổng thể của ông nằm ở mảng M&A (mua bán & sáp nhập) với những kế hoạch đầy tham vọng nhằm mua lại nhiều DN hơn từ Mỹ, châu Âu và châu Á. Những kế hoạch mở rộng như vậy được theo đuổi nhằm giúp Việt Nam trở thành một bên tham gia toàn cầu rõ ràng hơn.

Nhận ra tiềm năng

Manuel Geitz tại Forrester Research - một công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ cũng rất ấn tượng với sự tiến bộ và tiềm năng của Việt Nam, nhưng ông nói thêm rằng Việt Nam cần thúc đẩy hệ sinh thái hỗ trợ nhiều hơn.

Ông nói: “Con đường duy nhất ở phía trước là vươn ra toàn cầu và có một mô hình phân phối toàn cầu có thể hoạt động trên phạm vi quốc tế. Nếu tôi có cây đũa thần, tôi sẽ tạo ra rất nhiều cơ sở hạ tầng để Việt Nam sẵn sàng làm được những việc đó. Nhưng AI chắc chắn là một công cụ tăng tốc và họ đã có mối liên kết chặt chẽ với Nhật Bản. Những người tôi gặp đều rất thông minh và cực kỳ nhạy bén - bạn sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng đó".

Tất nhiên, Việt Nam chỉ là một ví dụ về các quốc gia mong muốn nhận được phần đầu tư khổng lồ vào công nghệ và tự động hóa để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số toàn cầu. Các nước láng giềng như Đài Loan và Philippines đã trưởng thành, trong khi các nước khác như Malaysia, Thái Lan và Campuchia cũng đang phát triển. Với tình hình địa chính trị đang ở trạng thái nóng, các CIO thông minh sẽ xem xét các lựa chọn mới về nhân tài, sản xuất, hậu cần và tìm nguồn cung ứng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có phải là nguồn cảm hứng tiếp theo của các CIO?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO