Đây là đánh giá của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) trong báo cáo hàng quý của mình, "Tổng quan về các xu hướng đám mây, áp dụng và những cơ hội của Đông Nam Á".
Prapussorn Pechkaew, Giám đốc nghiên cứu, nhóm phân tích và dữ liệu, tại IDC, cho biết: "Bất chấp những bất ổn trong bối cảnh hậu đại dịch, chi tiêu cho đám mây ở Đông Nam Á vẫn tăng trưởng mạnh mẽ… khi đám mây mở ra cánh cửa cho các DN để kích hoạt các khả năng kỹ thuật số mới và các mô hình kinh doanh mới".
Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng đám mây ở Đông Nam Á
Các DN trong khu vực đang có bước chuyển mình mạnh mẽ ứng dụng ĐTĐM với các công nghệ mới AI, IoT, học máy để đẩy mạnh CĐS, thông minh hóa hoạt động nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh do đại dịch COVID-19, mở rộng chiến lược kinh doanh, tăng tốc đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường, mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều tổ chức, DN tại Đông Nam Á chuyển lên môi trường ĐTĐM. Dẫn đầu là các tổ chức, DN ở Việt Nam, với thị trường đám mây có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 32% trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023. Các DN ở Indonesia và Philippines cũng theo sát, với CAGR của thị trường đám mây là 31% trong cùng kỳ. Tốc độ này tại Thái Lan là 26%, Malaysia là 25% và Singapore là 22%, điều đó cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ĐTĐM ở Đông Nam Á.
Trong một báo cáo dự báo về CNTT năm 2022, IDC dự báo vào năm 2023, kỹ thuật số sẽ chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á, với 1/3 số công ty được hỏi cho biết hơn 15% doanh thu của họ được tạo ra từ các sản phẩm và dịch vụ số.
Pechkaew giải thích thêm rằng tận dụng đám mây là rất quan trọng để duy trì tính cạnh tranh trong bối cảnh bình thường mới, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, lạm phát và các vấn đề toàn cầu khác.
ĐTĐM, theo Peckaew, giúp tổ chức lại các dịch vụ CNTT để đáp ứng những thách thức của bối cảnh kinh doanh sau đại dịch và cho phép CĐS trong một thế giới số hóa. Theo IDC, xu hướng chuyển sang đám mây sẽ không chỉ tiếp tục trong vài năm tới mà còn tăng lên, với 76% các tổ chức trong khu vực có kế hoạch chi tiêu cho đám mây. Thái Lan dẫn đầu về mức chi tiêu cho đám mây, với 92% DN được IDC khảo sát cho biết có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho đám mây, tiếp theo là Malaysia (86%) và Indonesia (81%).
IDC cũng cho biết thêm phần lớn việc chuyển đổi sang đám mây đang diễn ra trên đám mây công cộng, với các tổ chức ASEAN chọn sử dụng các đám mây công cộng thông qua mô hình triển khai phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) và cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS). Trong số 5,4 tỷ USD chi cho các dịch vụ đám mây, trên thực tế, 55,5% được chi cho việc triển khai SaaS Cloud, trong khi 32,4% được chi cho mô hình IaaS. 12,1% còn lại được chi cho mô hình triển khai đám mây PaaS (nền tảng như một dịch vụ).
Động lực thúc đẩy ứng dụng ĐTĐM
Mức chi tiêu cho đám mây được dự báo tăng cao hơn gấp đôi lên tới 11 tỷ USD vào năm 2025, chủ yếu được thúc đẩy bởi 7 động lực chính, trong đó đáng chú ý nhất là sự trỗi dậy của nền kinh tế số và các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực. Tiếp đến là nhu cầu ngày càng tăng đối với việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và sự xuất hiện của các nền tảng no-code (không cần lập trình/không viết mã lệnh) và low-code (lập trình tối thiểu/ít mã lệnh), cả hai đều là chìa khóa để thúc đẩy số hóa và hiện đại hóa.
Peckaew cho biết thêm những động lực khác là nhu cầu cải thiện trải nghiệm của khách hàng; năng lực phát triển nội bộ; sự phụ thuộc ngày càng tăng vào hoạch định nguồn lực DN đám mây và sự sẵn có của các khu vực đám mây hoặc trung tâm dữ liệu.
Các chính phủ tại Đông Nam Á cũng đã nhận thức sâu sắc về những lợi ích của ĐTĐM, với việc thúc đẩy áp dụng đám mây thông qua các nhiệm vụ và sáng kiến của chính phủ. Ví dụ, Indonesia có Trung tâm Dữ liệu quốc gia dành cho Chính phủ để thúc đẩy hoạch định chính sách theo hướng dữ liệu và các hoạt động dữ liệu an toàn và hiệu quả. Trong khi Chính phủ Philippines đã ban hành chính sách ưu tiên đám mây để bảo các cơ quan của Chính phủ có thể triển khai được các dịch vụ trên điện toán đám mây với tiêu chuẩn toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ. Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định xây dựng nền tảng ĐTĐM Chính phủ là một nhiệm vụ quan trọng.
Các chính phủ khác trong khu vực cũng bắt đầu triển khai các nhiệm vụ về CĐS và đám mây đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các nhiệm vụ đó.
Thách thức về kỹ năng
Khi các tổ chức, DN ở Đông Nam Á ngày càng nhận ra lợi ích to lớn của việc áp dụng đám mây cùng với sự thúc đẩy của các chính phủ trong khu vực, thị trường ĐTĐM sẽ tiếp tục bùng nổ. Tuy nhiên, việc áp dụng đám mây sẽ phải đối mặt với một số thách thức.
Pechkaew thừa nhận: "Trong số những thách thức liên quan tới việc triển khai ĐTĐM thì kỹ năng là một thách thức đối với các tổ chức, DN". Theo Pechkaew, đó không chỉ là kỹ năng của chính những người mua công nghệ; kỹ năng của các nhà cung cấp công nghệ tại thị trường địa phương mà còn là kỹ năng làm thế nào để các tổ chức có thể quản lý các dịch vụ đám mây khác nhau từ các nhà cung cấp khác nhau.
Đó thực sự là một thách thức đầy khó khăn, nhưng không phải là không thể giải quyết được. Các chính phủ, tổ chức và DN trong khu vực cần nâng cao kỹ năng và tái đào tạo lại lực lượng lao động nhằm khai thác được tối đa những lợi ích từ việc ứng dụng ĐTĐM./.