Kinh tế số

Việt Nam tiến tới công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử nước ngoài

Hoàng Linh 05/04/2024 16:36

Bộ TT&TT đang hoàn thiện quy định chi tiết việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử (CKĐT) nước ngoài, công nhận CKĐT, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam khi Luật GDĐT 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ tin cậy, thúc đẩy giao thương quốc tế.

Ngày 5/4, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến dự thảo Thông tư công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKĐT nước ngoài, công nhận CKĐT và chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, VCCI, Câu lạc bộ chữ ký số (CKS) và giao dịch điện tử (GDĐT) (VCDC), Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), các ngân hàng MUFG, City Bank, ANZ, Standard Chartered, Mizuho, Công ty bảo hiểm AIG, công ty Luật Tilleke & Gibbins.

toan-canh-neac-05042024.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Quy định góp phần hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ tin cậy, thúc đẩy giao thương quốc tế

Ngày 22/6/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15, thay thế Luật GDĐT năm 2005.

Luật GDĐT số 20/2023/QH15 kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật GDĐT năm 2005, trong đó có những điểm mới liên quan đến việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKĐT nước ngoài, công nhận CKĐT và chứng thư điện tử nước ngoài tại Việt Nam (Điều 26, Luật GDĐT năm 2023).

Hiện nay, sau 15 năm triển khai dịch vụ chứng thực CKS mới chỉ có 01 trường hợp Công ty Intel Việt Nam sử dụng chứng thư số của Verisign được chấp nhận tại Việt Nam năm 2011 theo cơ chế đặc thù mà không phải theo một quy trình, thủ tục quy định tại pháp luật thời điểm đó.

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 26/2009/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật GDĐT về CKS và dịch vụ chứng thực CKS đã điều chỉnh không còn quy định công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS nước ngoài tại Việt Nam nữa, mà chỉ còn giữ lại quy định chấp nhận chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam.

ba-to-thi-thu-huong-2.jpg
Bà Tô Thị Thu Hương: Việc hoàn thiện quy định chi tiết việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ CKĐT nước ngoài, công nhận CKĐT, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam góp phần hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ tin cậy, thúc đẩy giao thương quốc tế

Trong hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT cho biết khi nhu cầu về hợp đồng điện tử, giao thương quốc tế ngày càng tăng thì yêu cầu về tính tin cậy quốc tế vừa bảo vệ được dữ liệu cá nhân, dữ liệu quốc gia nhưng vẫn đáp ứng các hiệp ước quốc tế cũng rất cần thiết. Hiện nay, các hiệp định công nhận lẫn nhau giữa các nước vẫn đang trong quá trình đề xuất để đưa vào đàm phán, việc quy định các quy trình, thủ tục công nhận nhằm minh bạch hóa và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch với các đối tác nước ngoài.

Với bối cảnh đó, Giám đốc NEAC cho biết: “Luật GDĐT 2023 đã điều chỉnh tạo hành lang pháp lý cho việc công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ CKĐT nước ngoài tại Việt Nam, công nhận CKĐT và chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là xu thế chung đã và đang triển khai của đa số các nước trên thế giới”.

Theo quy định của Điều 26 Luật GDĐT, Bộ TT&TT sẽ quy định chi tiết việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKĐT nước ngoài tại Việt Nam, công nhận CKĐT nước ngoài, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam bằng việc xây dựng thông tư để quy định.

Với nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất với quy định tại Luật GDĐT 2023, không làm phát sinh các quy định mới, khả thi để thực hiện và hiệu quả khi thi hành, Bộ TT&TT đã hoàn thiện dự thảo Thông tư Quy định công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ CKĐT nước ngoài, công nhận CKĐT, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam.

“Việc hoàn thiện quy định chi tiết việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ CKĐT nước ngoài, công nhận CKĐT, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam khi Luật GDĐT 2023 có hiệu lực là góp phần hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ tin cậy thúc đẩy giao thương quốc tế, đảm bảo tính minh bạch, công khai, an toàn cho các giao dịch điện tử xuyên biên giới”, Giám đốc NEAC nhấn mạnh.

Hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu giao thương quốc tế thuận lợi

Đại diện đơn vị xây dựng dự thảo Thông tư, bà Phùng Anh, NEAC cho biết Khung dự thảo thông tư có 4 chương, gồm: Chương 1: Quy định chung (3 điều); Chương II: Quy định về việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ CKĐT nước ngoài tại Việt Nam (3 điều); Chương III: Quy định công nhận CKĐT, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam (3 điều) và Chương IV: Tổ chức thực hiện (3 điều).

phung-anh.jpg
Bà Phùng Anh: Thông tư được xây dựng để đảm bảo tính khả thi khi doanh nghiệp (DN), tổ chức nước ngoài nộp hồ sơ nhưng cũng đáp ứng đúng đủ các điều kiện, quy định của Luật GDĐT 2023.

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư là quy định về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ CKĐT nước ngoài, công nhận CKĐT, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam.

Đối tượng áp dụng của Thông tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu GDĐT với tổ chức, cá nhân nước ngoài mà CKĐT, chứng thư CKĐT của tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước chưa được công nhận tại nước đó

Cụ thể, chương 2: Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ CKĐT nước ngoài tại Việt Nam gồm Điều 4 (Hồ sơ công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ CKĐT nước ngoài tại Việt Nam); Điều 5 (Trình tự, thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKĐT nước ngoài tại Việt Nam); Điều 6 (Thời hạn công nhận Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKĐT nước ngoài tại Việt Nam).

Chương 3 của Thông tư là về công nhận CKĐT, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam, gồm các điều 7, 8 và 9. Trong đó, Điều 7 đề cập Hồ sơ đề nghị công nhận CKĐT nước ngoài, chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 8 đề cập trình tự, thủ tục công nhận CKĐT và chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam. Điều 9 đề cập thời hạn công nhận chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam 05 (năm) năm nhưng không quá thời hạn hiệu lực của chứng thư CKĐT đó.

Chương 4 là nội dung tổ chức thực hiện, gồm các nội dung: Tổ chức cung cấp DVCTCKĐT nước ngoài được công nhận tại Việt Nam: Thực hiện chế độ báo cáo hàng năm; Tổ chức, cá nhân sử dụng CKĐT và chứng thư CKĐT nước ngoài tại Việt Nam: Sử dụng đúng phạm vi, mục đích. Ngoài ra, Thông tư còn có các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.

Bà Phùng Anh nhấn mạnh: “Thông tư được xây dựng để đảm bảo tính khả thi khi DN, tổ chức nước ngoài nộp hồ sơ nhưng cũng đáp ứng đúng đủ các điều kiện, quy định của Luật GDĐT 2023”.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TT&TT cho biết thêm dự thảo Thông tư tập trung quy định về hồ sơ quy trình, thủ tục cho việc công nhận chứ không có phát sinh bất kể nội dung hay điều kiện nào khác ngoài Luật GDĐT 2023 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

ba-nguyen-minh-hang.jpg
Bà Nguyễn Minh Hằng: Thông tư sẽ tập trung về hồ sơ quy trình, thủ tục.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự. Các đại biểu đều nhất trí việc hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu giao thương quốc tế thuận lợi trong việc sử dụng CKĐT nước ngoài khi các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký trong nước chưa được công nhận quốc tế là cần thiết và đem lại tín hiệu tốt cho để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.

Đối tượng và phạm vi sử dụng CKĐT, chứng thư CKĐT nước ngoài đã được nhiều đại biểu quan tâm trao đổi. Đơn vị soạn thảo cũng đã giải đáp phạm vi là các đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài; cá nhân, tổ chức Việt Nam có nhu cầu GDĐT với tổ chức, cá nhân nước ngoài mà CKĐT, chứng thư CKĐT của tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước chưa được công nhận tại nước đó.

Đồng thời, tại Hội thảo, cơ quan soạn thảo cũng xin ý kiến đại diện A03 - Bộ Công an về việc quy định loại văn bản bản nào là đáp ứng đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam quy định tại dự thảo Thông tư.

Trong khi đó, các hiệp hội ngân hàng và ngân hàng nước ngoài quan tâm nhiều đến hồ sơ là các tài liệu kỹ thuật, cách thức chuẩn bị tài liệu, hồ sơ theo hình thức online./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam tiến tới công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO