Xây dựng chiến lược để ngành quế Việt Nam chiếm lĩnh thị trường
Sản lượng quế Việt Nam chiếm 17% sản lượng quế toàn cầu, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 276 triệu USD/năm. Tuy nhiên, sản phẩm quế "made in Việt Nam" vẫn chủ yếu dừng lại ở xuất thô, chưa tập trung chế biến sâu nên giá trị không cao, khó tạo được ấn tượng trên thị trường.
Nước xuất khẩu quế đứng thứ 3 thế giới
Trồng cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa với diện tích hơn 150.000 ha, đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt hơn 41.400 tấn/năm, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.
Sản phẩm quế Việt Nam được tiêu thụ ở rộng khắp các thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ… Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng, năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, đến năm 2022 giá trị xuất khẩu quế hồi đạt 276 triệu USD.
Hiện nay, diện tích trồng quế đang tăng rất nhanh. Một số nơi người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch. Nếu chúng ta không có kế hoạch phát triển căn cơ, những thách thức phát triển kém bền vững sẽ xuất hiện.
Một vấn đề nữa, là năng lực chế biến từ phía HTX, doanh nghiệp. Hầu hết các nhà chế biến vỏ quế mua trực tiếp từ người thu gom, thực hiện cả sơ chế thô (sàng lọc, phân loại, bóc vỏ và sấy khô) và chế biến tinh (cắt và mài, loại bỏ kim loại và cặn, đóng gói). Công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chưa thực sự được quan tâm.
Ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc IDH Việt Nam chia sẻ, hiện ngành hàng quế hồi thiếu những tổ chức liên Chính phủ để điều phối sản xuất, thương mại, làm giảm giá trị của cây quế Việt Nam. Các đơn vị chủ yếu hoạt động theo mô hình gia đình, sản xuất nhỏ. Nguồn lực tài chính cũng như khoa học công nghệ hạn chế. Do vậy, dù được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, nhưng giá trị sản xuất thu lại còn chưa tương xứng.
Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị, bao gồm cả quế, hồi. Nhưng các công ty chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực thương mại, ít quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết với người nông dân trồng nguyên liệu.
Cần quy hoạch rõ ràng để tránh phát triển ồ ạt
Nhiều phân tích cho thấy, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Riêng thị trường quế, từ nay tới 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại các nước.
Cây quế còn nhiều dư địa bởi nhu cầu từ các thị trường chất lượng cao như Mỹ, châu Âu không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hưởng lợi từ nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định VPA/FLEGT.
PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Bộ môn Thực vật Đại học Dược Hà Nội, Giám đốc khối Dự án, DKPharma JSC, cho rằng, ở Việt Nam cây quế là loại cây chiến lược, kế hoạch để phát triển ngành này một cách toàn diện và sâu hơn vẫn chưa có.
Chúng ta vẫn chưa trả lời được hàng loạt những câu hỏi như đâu là vùng trồng tốt nhất, giống nào tốt nhất, tiêu chuẩn như thế nào thì cho ra chất lượng tốt nhất... Và chúng ta thực sự chưa đầu tư mạnh để chế biến sâu, mà hài lòng với những gì đang có, tức là xuất thô sang các thị trường truyền thống.
Nhận thức được tính cấp thiết của việc phải có tầm nhìn chiến lược và các giải pháp dài hạn cho ngành quế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đánh giá hiện trạng, tiềm năng và các thách thức, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững ngành quế Việt Nam, nhất là các giải pháp thúc đẩy việc kết nối chuỗi ngành hàng.
Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm quế phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội. Cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tại vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.
Tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia trong ngành khuyến cáo vấn đề phát triển ồ ạt cây quế không theo quy hoạch, nên đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, tăng cường và đảm bảo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm đã chế biến hoặc tinh chế… mới tạo nên giá trị bền vững của loại cây này ở Việt Nam.